Những phụ nữ tiêu biểu trên nhiều mặt trận
LSO-Xã hội càng phát triển thì người phụ nữ càng được tôn trọng. Trong thực tế, những người được coi là một nửa của thế giới đã có những đóng góp không nhỏ vào mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của đời sống. Nhiều người trong số đó đã làm nên những thành tích không kém gì “cánh mày râu”.
Tất cả vì cuộc sống bình yên của nhân dân
Trung tá Nguyễn Thị Bích Hạnh |
Nếu hoạt động trong ngành công an là đối diện với muôn vàn vất vả, hiểm nguy thì điều đó với người phụ nữ trong ngành còn nhân lên gấp bội. Nhưng cũng như nhiều nữ công an khác, Trung tá Nguyễn Thị Bích Hạnh (sinh năm 1975), Phó Trưởng Công an phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn luôn vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhờ những đóng góp của chị, từ năm 2013 trở lại đây, Công an phường liên tục đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.
Chị tâm sự: Để yên tâm công tác, sự động viên, ủng hộ của gia đình là rất quan trọng. Kế đến là sự sát cánh của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, “tất cả vì cuộc sống bình yên của nhân dân”. Ghi nhận những cố gắng đó, chị đã được Chủ tịch nước tặng Huy chương chiến sỹ vẻ vang các hạng nhất, nhì, ba.
“Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”
Chị Lương Thị Giai |
Hơn 20 năm làm cán bộ xã, trải qua nhiều công việc khác nhau, hiện chị Lương Thị Giai (sinh năm 1963) là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc. Chị luôn xác định, làm công tác mặt trận, việc vận động quần chúng là rất quan trọng, nhất là ở một xã vùng biên như Xuất Lễ. Và để làm tốt công tác này, trước hết người cán bộ mặt trận phải mẫu mực, luôn gần dân, hiểu dân, lấy dân làm gốc. Phải có phương pháp thuyết phục, làm sao “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”. Có như vậy, mọi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước mới được nhân dân tự giác chấp hành. Với những đóng góp của chị, khối đại đoàn kết toàn dân ở xã Xuất Lễ luôn được giữ vững.
“Bản thân phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào”
Chị Nông Thị Tý chuẩn bị văn bản cho sinh hoạt chi bộ |
Chị Nông Thị Tý (sinh năm 1966), Bí thư Chi bộ thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng tâm sự: Bác Hồ đã dạy, cán bộ nào, phong trào ấy. Để dân hiểu, dân tin và dân làm theo thì trước hết “bản thân mình phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào”.
Gia đình chị Tý cũng là hộ điển hình trong phát triển kinh tế, với mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập bình quân 450 triệu đồng/năm. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, chị thường xuyên giúp đỡ người dân trong thôn vượt qua khó khăn; nhất là cho nhiều hộ gia đình vay tiền không lấy lãi để phát triển kinh tế. Chị vinh dự được chọn đi dự hội nghị đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh, dự kiến tổ chức cuối tháng 11/2016 tới đây.
“Sự thiệt thòi của học sinh càng thôi thúc tôi tới vùng khó và cống hiến nhiều hơn nữa”
Cô giáo Triệu Thị Tuyết Nhung |
Tuy mới hơn 10 năm tuổi nghề nhưng cô giáo Triệu Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1985), Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan đã có bề dày thành tích đáng nể. Năm học 2011 – 2012, chị đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh cấp học mầm non; năm học sau đó, đạt danh hiệu giáo viên xuất sắc tại hội thi giáo viên mầm non giỏi cấp tỉnh. Chị cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục giai đoạn 2008 – 2013; được Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục giai đoạn 2010 – 2014…
Chị tâm sự rằng: so với giáo viên trường mầm non ở trung tâm, giáo viên trường mầm non ở xã vùng sâu, vùng xa phải cố gắng gấp đôi về mọi mặt. Nhưng hình ảnh thơ ngây cùng với “sự thiệt thòi của các em càng thôi thúc tôi tới vùng khó và cố gắng nhiều hơn nữa”.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()