Những phụ nữ không có ngày 8/3 ở Nghệ An
Không quà, không hoa và không những lời chúc, điều này dường như đã trở thành chuyện bình thường đối với nữ công nhân công tác tại các Khu công nghiệp ở Nghệ An. Với họ, dù là ngày lễ, ngày tết thì cũng giống như bao nhiêu ngày khác trong năm, vẫn thường trực bao bộn bề lo toan của cuộc sống.
![](http://dangcongsan.vn/DATA/0/2016/03/0803_cong_nhan-11_57_18_182.jpg)
Công nhân nữ làm việc tại Công ty may Minh Anh – Kim Liên (Nam Đàn).
Ảnh: baonghean.vn
Chúng tôi tìm đến dãy nhà trọ của nữ công nhân ở xóm Đông Vinh, xã Hưng Đông, thành phố Vinh vào một đêm trước ngày lễ 8/3/2016. Trái ngược với không khí tấp nập, náo nhiệt đang diễn ra ở ngoài đường phố thì ở dãy nhà trọ này lại khá im lìm. Đi đến tận cuối dãy nhà trọ, mới thấy được hai ba phòng đang còn mở cửa. Phía trong của một phòng trọ, Hiền, Hoa và Thành – 3 công nhân của Công ty Matrix đang ngồi trò chuyện. Không có ti vi cũng không có báo đài, giá trị nhất của căn phòng này có lẽ là chiếc phản vừa là nơi sinh hoạt và cũng là nơi nghỉ ngơi của họ. Bữa tiệc “thịnh soạn” dành cho ngày lễ chỉ là hai quả cam Vinh và một ít bánh kẹo còn sót lại của ngày Tết.
Chúng em biết ngày này là này của chị em phụ nữ nhưng làm gì có ai tổ chức hoặc tặng quà. Từ ngày lấy chồng tới nay làm gì biết tới những cái đó. Với chúng em ngày 8/3 cũng chỉ như ngày thường thôi, Nguyễn Thị Hoa, người xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu mở lời chia sẻ.
Hoa là công nhân mới vào làm ở Công ty Matrix được 4 tháng nay. Trước đây Hoa và chồng cùng làm công nhân ở Quảng Ninh. Thế rồi hơn một năm nay anh bị thoát vị đĩa đệm, bác sĩ bảo đó là do tác động của nghề nghiệp (chồng Hoa từng làm công nhân mỏ than). Do sức khỏe không đảm bảo nên chồng Hoa giờ phải nghỉ việc ở nhà chăm con. Chỉ còn Hoa đi làm. Mỗi tháng chồng Hoa phải đi khám và điều trị ở Hà Nội, rồi còn đi lấy thuốc ở Hà Nam , chữa đông tây y kết hợp. Hàng tháng, riêng tiền thuốc của chồng cũng tới 3 triệu đồng. Hai vợ chồng còn đứa con nhỏ đang tuổi mẫu giáo cũng cần ăn học, bao thứ phải lo toan. Hoa bảo nếu tuần nào công ty cũng tăng ca thì thu nhập được 4,5 triệu đồng, trừ tiền trọ, tiền ăn, chắt bóp tiết kiệm lắm cũng chỉ còn 2,5 – 3 triệu đồng để gửi về cho chồng con. Khoản tiền lương ít ỏi ấy, Hoa không dám tiêu một đồng cho mình, tất cả dành dụm để chữa bệnh cho chồng và mua thêm hộp sữa cho con. Hoàn cảnh khó khăn là thế nên giờ những ngày lễ, ngày nghỉ Hoa chẳng mơ mộng gì nhiều. “Em chỉ ước chồng nhanh khỏi bệnh, cuối tuần đi xe máy vào Vinh chở em về thăm con, thăm nhà là hạnh phúc lắm rồi”, Hoa xúc động nói.
Tương tự, em Lê Thanh Mai quê ở xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương là công nhân của Công ty may Minh Anh – Kim Liên cũng tự tìm cho mình một niềm vui nho nhỏ. Hai vợ chồng cùng làm công nhân, sau một ngày làm việc mệt nhọc, thay vì những bông hoa, món quà đắt tiền, hôm nay chồng Mai mua một con gà để làm cơm đãi vợ. Cô nhanh nhảu chia sẻ, vợ chồng đang tiết kiệm để dành tiền nuôi con. Cô không cần hoa, quà, được chồng quan tâm bằng hành động thiết thực là đã rất vui rồi, vừa nói Mai vừa cúi xuống xoa bụng bầu 7 tháng…
Dọc hai bên đường vào Khu công nghiệp Bắc Vinh có rất nhiều dãy nhà trọ dành cho công nhân. Mặc dù người thuê là nữ và vào ngày lễ dành cho phụ nữ thế nhưng nơi đây không có bất cứ hàng bán hoa tươi và đồ lưu niệm. Khái niệm về quà tặng đối với chị em công nhân dường như là điều quá xa vời. Ngày 8/3, họ vẫn phải đi làm bình thường để đảm bảo công việc. Công ty nơi các chị làm việc do khó khăn về kinh tế không thể đứng ra tổ chức một ngày vui trọn vẹn, động viên bằng những món quà nho nhỏ. Có lẽ, niềm vui lớn nhất đối với họ là làm sao kiếm được thêm tiền, tăng thu nhập để gửi về cho chồng con. Đó là niềm hạnh phúc nhất đối với những nữ công nhân nơi đây.
Nghệ An hiện đang có hàng nghìn công nhân nữ làm việc tại các khu công nghiệp. Những năm qua, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức Công đoàn, các đơn vị, ban ngành, đời sống của công nhân đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế đa số công nhân vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh phát triển sản xuất kinh doanh, các công ty cần quan tâm, chăm lo hơn nữa tới đời sống vật chất cũng như tinh thần cho công nhân, đặc biệt là công nhân nữ.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()