Những phản ứng đầu tiên về lệnh trừng phạt của một số nước chống Iran
Bộ Ngoại giao Nga ngày 22/11 đã lên tiếng chỉ trích việc một số nước phương Tây siết chặt lệnh trừng phạt chống Iran, đồng thời cho rằng “hành động trên đã vượt quá giới hạn của những mục tiêu chống phổ biến vũ khí hủy diện hàng loạt mà họ từng tuyên bố”. Tuyên bố trên được Bộ Ngoại giao Nga đưa ra trong bối cảnh ngày 21/11, Mỹ, Anh và Canada đã ra quyết định áp đặt thêm các lệnh trừng phạt lên lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp dầu mỏ của Iran. Theo quan điểm của Bộ Ngoại giao Nga, việc các nước gia tăng lệnh trừng phạt chống lại Iran là một hành động “không thể chấp nhận được và trái với luật pháp quốc tế”. Bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Theo quan điểm từ một số đối tác nhất định của chúng tôi, áp lực của những biện pháp trừng phạt sẽ tự chấm dứt trong khi không thể khuyến khích Iran sẵn sàng hơn để ngồi vào bàn đàm phán…". Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh con đường duy nhất để giải quyết mọi vấn đề liên quan...
Bộ Ngoại giao Nga ngày 22/11 đã lên tiếng chỉ trích việc một số nước phương Tây siết chặt lệnh trừng phạt chống Iran, đồng thời cho rằng “hành động trên đã vượt quá giới hạn của những mục tiêu chống phổ biến vũ khí hủy diện hàng loạt mà họ từng tuyên bố”.
Tuyên bố trên được Bộ Ngoại giao Nga đưa ra trong bối cảnh ngày 21/11, Mỹ, Anh và Canada đã ra quyết định áp đặt thêm các lệnh trừng phạt lên lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp dầu mỏ của Iran.
Theo quan điểm của Bộ Ngoại giao Nga, việc các nước gia tăng lệnh trừng phạt chống lại Iran là một hành động “không thể chấp nhận được và trái với luật pháp quốc tế”. Bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Theo quan điểm từ một số đối tác nhất định của chúng tôi, áp lực của những biện pháp trừng phạt sẽ tự chấm dứt trong khi không thể khuyến khích Iran sẵn sàng hơn để ngồi vào bàn đàm phán…”. B ộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh con đường duy nhất để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran là tạo điều kiện thuận lợi để nối lại cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm P5 1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh cùng với Đức).
Trong khi đó, hãng thông tấn Interfax dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, hành động trên của Mỹ, Anh và Canada sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Iran. Bên cạnh đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh, quyết định của 3 nước trên nhằm siết chặt lệnh trừng phạt chống Iran sẽ có nhiều tác động tới các công ty từ các nước thuộc thế giới thứ 3 trong việc hợp tác làm ăn với Iran trong lĩnh vực ngân hàng và công nghiệp hóa dầu.
Về phần mình, ngày 22/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast đã kịch liệt phản đối các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ và các nước phương Tây áp đặt đối với nước này. Ông Mehmanparast nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Anh và Canada “đáng bị lên án và vô tác dụng”, thể hiện thái độ thù địch của các nước này đối với người dân Iran. Theo ông, các biện pháp trừng phạt trước đây mà các nước phương Tây áp đặt đối với Tehran đã không phát huy tác dụng. Vì thế, các biện pháp trừng phạt mới chẳng qua chỉ là luận điệu tuyên truyền và không thể tác động tới nền kinh tế nước này.
Trước đó, ngày 21/11, Bộ trưởng Công nghiệp, Dầu mỏ và Thương mại Iran Mehdi Ghazanfari nhận định rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm chống lại Iran sẽ có những tác động qua lại và đây chỉ là một chiến lược khiến cả hai bên cùng thua cuộc.
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo ngày 21/11 về những tác động của các biện pháp trừng phạt từ Mỹ đối với Iran, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, ông Ghazanfari cho rằng, “việc áp đặt các biện pháp trừng phạt là một chiến lược khiến cả hai bên cùng thua cuộc…”. Bên cạnh đó, ông Ghazanfari cũng thừa nhận rằng, quyết định mới đây của Mỹ cùng một số nước đồng minh phương Tây sẽ khiến Iran phải đối mặt với áp lực trừng phạt, dẫn tới nhiều hậu quả, điển hình là việc chuyển tiền từ Iran sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn.
Theo lập luận của ông Ghazanfari, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại chính quyền Tehran không những chỉ tác động đến Iran mà còn tổn hại đến nhiều lợi ích của các nước phương Tây. Cụ thể, theo những tính toán của ông Ghazanfari, nếu như phương Tây ngừng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Iran, họ sẽ đánh mất một thị trường công nghiệp năng lượng béo bở trong vòng 20 năm tới, chưa kể đến quá trình thực hiện các biện pháp trừng phạt Iran sẽ có ảnh hưởng tới một số thể chế tài chính khác. Theo lập luận của quan chức trên, hiện có nhiều cách để tiến hành hợp tác, đầu tư cũng như có nhiều con đường để Iran liên hệ với thế giới. Ông Ghazanfari tin tưởng, các nhà sản xuất và đầu tư tại Iran có thể đứng vững và giảm thiểu tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Ngoài ra, ông Ghazanfari còn nhấn mạnh rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ khoét sâu thêm khoảng cách giữa các bên và sẽ không giúp giải quyết được các vấn đề. Thay vào đó, các bên nên tìm kiếm một cách thức “phù hợp và lô-gíc hơn” để giải quyết mọi khúc mắc.
Trong khi đó, một số nhà phân tích lại tỏ ra bi quan trước khả năng các biện pháp siết chặt lệnh trừng phạt từ Mỹ, Anh và Canada có thể thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân. Theo lập luận của giám đốc chương trình chính sách hạt nhân của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ), ông George Perkovich, việc các cường quốc phương Tây đơn phương áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt lên Iran đã phản ánh “thế bí” của những quốc gia này trong việc thuyết phục Nga và Trung Quốc không phủ quyết các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm chống lại Iran trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cũng theo lập luận của chuyên gia này thì những quyết định mới đây của Mỹ nhằm siết chặt các hoạt động tài chính của Iran sẽ không có tác dụng trực tiếp. Bởi trên thực tế, các ngân hàng Mỹ vốn đã bị cấm thực hiện các hoạt động chuyển giao tiền với các thể chế tài chính của Iran chứ không chỉ dừng lại ở việc “cảnh báo những nguy cơ sẽ gặp phải khi hợp tác làm ăn với Iran”./.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()