Những nước nào dẫn đầu thế giới về hàng không quân sự?
Các quốc gia sở hữu, triển khai và đang phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm là minh chứng khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực công nghiệp hàng không quân sự của đất nước cũng như vị thế địa-chính trị trong khu vực và toàn cầu mà họ đang theo đuổi. Đó là nhận định của chuyên gia phân tích quân sự Vladimir Karnozov tại Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (CAWAT) có trụ sở tại Moscow, Nga.
Những nước đầu tiên tự phát triển, triển khai
Mỹ, Trung Quốc và Nga là ba quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, tương ứng với dòng F-22 Raptor (2005), J-20 (2017) và Su-57 (2020). Hiện cả 3 cường quốc này tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực hàng không quân sự toàn cầu.
Đầu tiên, F-22 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên trên thế giới. Đến nay, không quân Mỹ chỉ giữ lại 187 chiếc F-22 trong tổng số 195 chiếc được sản xuất, bao gồm cả nguyên mẫu. Loại máy bay hai động cơ này có trọng lượng cất cánh tối đa 38 tấn, có thể tăng tốc lên Mach 2,25 (2.778km/giờ) và bán kính chiến đấu 1.100km. Vũ khí trên máy bay bao gồm một loạt tên lửa và bom, từ tên lửa mới nhất AIM-120D với tầm bắn 160km đến bom lượn trang bị hệ thống dẫn đường (JDAM). Lầu Năm Góc từng nhiều lần tìm cách cho F-22 nghỉ hưu do chi phí vận hành cao, nhưng đến nay kế hoạch vẫn đang bị hoãn.
Về phần mình, Trung Quốc đang triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 với thiết kế khung máy độc đáo không giống bất kỳ loại nào do các cường quốc hàng không quân sự khác chế tạo. Máy bay có hai động cơ WS-10C được sản xuất trong nước với trọng lượng cất cánh tối đa 37 tấn, tải trọng vũ khí 11 tấn, tốc độ tối đa Mach 2 (2.469km/giờ) và bán kính chiến đấu 1.100km. Máy bay được trang bị các tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn PL-15 hoặc PL-16 có tầm bắn 300km. Gần đây, nước này đã giới thiệu động cơ WS-15 mạnh hơn.
Trong khi đó, Su-57 là sản phẩm đầu tiên của Nga sử dụng công nghệ máy bay tàng hình thế hệ thứ năm. Moscow ra mắt máy bay này vào năm 2010 và đưa vào sử dụng năm 2020. Su-57 là máy bay hai động cơ, có trọng lượng cất cánh tối đa 35 tấn, tải trọng vũ khí 14-16 tấn, tốc độ tối đa Mach 2, bán kính chiến đấu 1.500km. Máy bay trang bị một loạt tên lửa phòng không, tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm, bom dẫn đường. Đặc biệt, Su-57 lắp tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn R-37M có tầm bắn tối đa đến 400km, vốn đã được sử dụng thực chiến trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine.
Chuyên gia Nga đánh giá thế nào về F-35?
Trong bài viết, ông Karnozov chỉ đề cập đến F-22 thay vì cả tiêm kích tàng hình F-35 mới nhất của Mỹ và đồng minh. Lý giải về việc này, chuyên gia Nga cho biết, từ góc độ khả năng tiến hành không chiến với máy bay chiến đấu của đối phương, thì thực tế F-22 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm duy nhất của Mỹ.
Ông Karnozov đánh giá việc biên chế máy bay F-35 vào kho vũ khí đã củng cố năng lực của không quân Mỹ. Nhưng điều này có thể phát huy được bởi chúng là “một sự bổ sung” cho phi đội F-22. Theo ông, F-35 hiện chỉ chủ yếu đảm nhận các chức năng tấn công kết hợp, điều này được thể hiện qua chính tên gọi của chương trình phát triển là “máy bay chiến đấu tấn công liên quân” (JSF) và sự xuất hiện của F-35A càng củng cố F-22 là máy bay chuyên thực hiện các nhiệm vụ đối không và không chiến. Tương tự, những chiếc F-35C cũng chỉ bổ sung cho phi đội tiêm kích thế hệ thứ tư F-18 của lực lượng không quân tàu sân bay Mỹ.
Bên cạnh đó, ông Karnozov cho biết, chính phía Mỹ cũng từng thừa nhận các máy bay phiên bản F-35B và F-35C không thể bay ổn định ở chế độ siêu thanh do các vấn đề về lớp sơn phủ. Điều này khiến chúng có thể mất khả năng tàng hình, thậm chí dẫn đến việc lớn sơn phủ bị bong ra và nhiều bộ phận khác của khung máy bay bị biến dạng nghiêm trọng khi bay siêu âm. Năm 2019, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan khi đó đã lên tiếng chỉ trích chương trình F-35 là lãng phí và có nhiều thiếu sót. Một số chính trị gia và giới chức quân sự Mỹ, bao gồm cựu Tổng thống Donald Trump, cũng cho rằng, mặc dù đã chi số tiền khổng lồ và chấp thuận đưa vào sản xuất hàng loạt nhưng các nhà phát triển F-35 đã không khắc phục được lỗi và giúp máy bay có đặc điểm kỹ chiến thuật như thiết kế.
Nhóm “anh tài” còn những ai?
Cùng với việc mua, biên chế hoặc có kế hoạch mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm có sẵn, nhiều nước có tiềm lực kinh tế và công nghệ vẫn theo đuổi phát triển dòng máy bay này.
Đầu tiên là Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi bị Mỹ loại ra khỏi chương trình phát triển F-35 vào năm 2019 vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, Ankara quay sang đẩy mạnh thực hiện dự án TF-X được triển khai từ năm 2016. Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ cho ra mắt máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm nội địa đầu tiên KAAN và thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm vào tháng 2-2024. KAAN ban đầu trang bị hai động cơ F-110, vốn đang được tiêm kích F-16 của Mỹ sử dụng, sau đó sẽ chuyển sang dùng động cơ nội địa khi bước vào sản xuất hàng loạt, dự kiến sang năm 2028.
Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm với nguyên mẫu X-2 Shinshin lắp động cơ XF-5 đã cất cánh vào năm 2016. Tuy nhiên, mục tiêu chính của chương trình là thực nghiệm công nghệ. Thay vì phân bổ ngân sách để phát triển phương tiện này, Tokyo mua F-35 từ Mỹ. Vì thế, công nghệ thu được từ chương trình X-2 Shinshin sẽ được Tokyo áp dụng trên máy bay chiến đấu tương lai F-3 (thế hệ thứ sáu).
Hàn Quốc là quốc gia tiếp theo thực hiện bước đột phá về công nghệ máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm với KF-21 Boramae. Hàn Quốc và Indonesia vào năm 2014 thống nhất cùng phát triển dự án trị giá 6,3 tỷ USD, trong đó Jakarta sẽ đóng góp 20% ngân sách. Nguyên mẫu đầu tiên cất cánh vào tháng 7-2022. Theo dự kiến, không quân Hàn Quốc sẽ được trang bị 40 chiếc KF-21 Boramae vào năm 2028 và có đầy đủ 120 chiếc được triển khai vào năm 2032. Mục đích sản xuất của KF-21 Boramae là lấp vào khoảng trống giữa F-35 và F-16 về khả năng tác chiến, nhưng rẻ hơn F-35, vốn rất tốn kém trong việc sản xuất và vận hành.
Ấn Độ cũng theo đuổi phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm nội địa với chương trình Máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến (AMCA) từ năm 2010, nhằm thay thế máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKI, vốn là nền tảng của không quân nước này. Từ các thông tin sơ bộ, nguyên mẫu máy bay sẽ sử dụng 2 động cơ phản lực F-414 của Mỹ và có chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2032. Tuy nhiên, các thông tin liên quan tới quá trình phát triển chương trình AMCA ở thời điểm hiện tại chưa được tiết lộ.
Ý kiến ()