Những “nữ chiến binh xanh” tại Bolivia
Nước hồ Uru Uru nằm ở độ cao 3.686m so với mực nước biển, với diện tích bề mặt 214km2 thuộc vùng cao nguyên Bolivia từng sạch đến mức có thể uống được.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác mỏ và rác thải đô thị tích tụ trong nhiều năm qua khiến nước hồ chuyển sang màu đen và bốc mùi khó chịu. Người dân sống quanh hồ từng sử dụng nước hồ để sinh hoạt, đánh bắt cá, tưới tiêu mùa màng và chăn nuôi gia súc, song những điều đó không còn khả thi.
Ngoài ra, hồ này cũng từng là nơi sinh sống của khoảng 120.000 con hồng hạc nhưng hiện chỉ còn lại một nửa. Thêm vào đó, nhiệt độ thay đổi và lượng mưa giảm càng khiến hồ bị thu hẹp đáng kể.
Theo The Guardian, không chịu khoanh tay đứng nhìn tình trạng ô nhiễm đó, một nhóm phụ nữ địa phương đã thành lập đội tình nguyện vào năm 2019. Nhờ kiến thức được truyền lại từ tổ tiên của mình, đội tiến hành trồng cây totora, một loại cây sậy có thể cao tới 6m, thường được dùng để làm nhà nổi. Sau này, các nhà khoa học đã chứng minh cây totora rất hiệu quả trong xử lý nước thải vì nó giữ lại khoáng chất và kim loại nặng trong rễ, lá và thân.
Đến nay, đội đã trồng được khoảng 3.000 cây totora, chăm chúng phát triển rồi đặt chúng lên bè làm bằng chai nhựa và lưới que được vớt từ hồ. Mục tiêu của nhóm là trồng thêm 4.000 cây totora mỗi năm. The Guardian cho biết, một nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm và kết luận rằng, nhờ nỗ lực từ các “nữ chiến binh xanh”, những khu vực trong hồ Uru Uru có trồng cây totora đều giảm 30% mức ô nhiễm. “Hồ nước đang dần phục hồi từng chút một. Hồng hạc và các loài chim khác đang quay trở lại. Chúng tôi phải hành động cho chính cộng đồng mình, vì sẽ chẳng có gì xảy ra nếu chỉ biết chờ đợi giải pháp đến từ nơi khác”, chị Dayana Blanco, người đồng sáng lập đội nhấn mạnh.
Năm 2023, đội đã giành Giải thưởng Xích đạo lần thứ 14 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm tôn vinh các sáng kiến của người dân bản địa và cộng đồng trong việc thích ứng cũng như làm giảm những tác động của biến đổi khí hậu.
Ý kiến ()