Những nông dân thời kinh tế số
– Cùng với sự phát triển của kinh tế số, nhà nông Xứ Lạng đã chủ động tìm hiểu, tiếp cận với các sàn thương mại điện tử. Từ đó, từng bước hình thành tư duy mới trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kịp thời bắt nhịp được với sự phát triển của công nghệ.
Trong năm 2021, tỉnh đã triển khai chương trình phát triển kinh tế số trên địa bàn 11 huyện, thành phố. Mục tiêu của chương trình là 50% số hộ trên địa bàn có tài khoản thanh toán điện tử, có cửa hàng số. Đây cũng là một trong những tiền đề quan trọng để từng bước xây dựng “nền nông nghiệp số” trên địa bàn tỉnh. Việc đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử không chỉ góp phần đưa người nông dân tiếp cận với thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến mà còn mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm nông sản của tỉnh đối với việc quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị và phát triển thị trường.
Đối với nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh, việc tiếp cận, sử dụng thương mại điện tử đã góp phần thay đổi tư duy, hình thức sản xuất. Nhiều người đã và đang nỗ lực để có thể tận dụng tốt các lợi thế mà kinh tế số đem lại.
Nông dân huyện Bắc Sơn chăm sóc vườn cam đường Canh
Anh Quách Dương Duy, xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng là một trong những điển hình về phát triển cửa hàng số. Trước đây, sản phẩm na của gia đình anh Duy chủ yếu bán cho các thương lái qua phương thức giao dịch truyền thống. Do đó, giá cả bấp bênh, phụ thuộc toàn bộ vào các thương lái. Từ năm 2021, việc phát triển cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử đã mở ra kênh tiêu thụ rất tiềm năng cho gia đình anh. Anh Duy cho biết: Vào vụ thu hoạch, trung bình mỗi ngày tôi tiêu thụ được từ 500 đến 700 kg na qua sàn thương mại điện tử voso.vn. So với trước đây, thị trường của tôi cũng mở rộng ra rất nhiều tỉnh thành khác như: Lào Cai; Hà Nội; Hải Dương…
Cùng với anh Duy, sau hơn 4 tháng triển khai chương trình phát triển kinh tế số, tính đến đầu tháng 12/2021, toàn tỉnh đã có trên 110.000 cửa hàng số, trên 90.000 tài khoản thanh toán điện tử được mở. Trong đó, số cửa hàng có giao dịch thành công đạt trên 10% tổng số cửa hàng.
Để phát triển các cửa hàng số hiệu quả, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, một số người dân, hợp tác xã (HTX) sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã triển khai các giải pháp nhằm đa dạng hoá sản phẩm. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện mẫu mã, bao bì đóng gói cho sản phẩm cũng được quan tâm hơn rất nhiều so với trước đây.
Đơn cử như tại HTX Nông nghiệp Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Trung bình, sản lượng rau bò khai của HTX đạt 60 tấn mỗi năm. Nhận định việc tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử sẽ là xu thế trong tương lai, HTX đã chủ động đổi mới về nhiều mặt. Ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc HTX cho biết: Để phát triển cửa hàng số trên sàn thương mại điện tử voso.vn, hiện HTX đang tích cực tìm tòi, đổi mới bao bì đóng gói đối với sản phẩm để phù hợp với thị hiếu, nhu cầu khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô, xây dựng nhà lưới để đảm bảo quy trình sản xuất đáp ứng sản lượng, chất lượng. Ngoài ra, HTX đang đề xuất các cấp, ngành hỗ trợ triển khai dây chuyền chế biến sản phẩm trà làm từ rau bò khai nhằm đa dạng hoá sản phẩm.
Nhờ sự thích ứng nhanh với xu thế, nhiều cá nhân, chủ thể sản xuất nông nghiệp trên tại địa bàn tỉnh đã tiêu thụ hàng nghìn đơn hàng thông qua các sàn thương mại điện tử như: voso.vn và postmart.vn. Cùng đó, từ hình thức mua bán truyền thống, các sản phẩm như: khoai lang Lộc Bình; gạo nếp cái hoa vàng Bắc Sơn; măng ớt Chi Lăng… đã góp mặt trên các sàn thương mại điện tử, mở ra một hướng đi mới trong tiêu thụ nông sản.
Theo đánh giá từ Hội Nông dân tỉnh, phát triển kinh tế số không chỉ góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận và hiệu quả sản xuất mà còn góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng, với mục tiêu ứng dụng công nghệ số để mỗi nông dân là một thương nhân.
“Để triển khai phát triển kinh tế số hiệu quả, đơn vị đã tăng cường phổ biến về chuyển đổi số phát triển thương mại, dịch vụ thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, hội nghị, tập huấn. Cùng đó, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực áp dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất các sản phẩm nông sản hướng tới có tem bao bì nhãn mác thương hiệu, quảng bá sản phẩm kèm với các hình thức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hấp dẫn tại các địa phương. Đồng thời, chỉ đạo hội nông dân các cấp chủ động phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi, phát triển nông, lâm nghiêp theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững nhằm tạo ra các mặt hàng chất lượng cao, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế”. Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh |
Ý kiến ()