Thứ 7, 23/11/2024 08:19 [(GMT +7)]
Những nội dung mới của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Thứ 4, 28/07/2010 | 08:45:00 [(GMT +7)] A A
Ngày 29-6-2010, Chủ tịch nước ký Lệnh số 08/2010/L-CTN công bố Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Luật này đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 16-6-2010, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2011 và thay thế Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước; thể hiện tính đặc thù của hệ thống ngân hàng Việt Nam, phù hợp thể chế chính trị của Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, từng bước thực hiện mục tiêu, định hướng về phát triển Ngân hàng Nhà nước theo Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng. Đồng thời kế thừa và phát huy những ưu điểm, những quy định vẫn còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn; khắc phục những hạn chế, bất cập của những quy định hiện hành, bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật Việt Nam và sự hài hòa giữa các quy định của pháp luật liên quan, nhưng vẫn tôn trọng đặc thù của Ngân hàng Nhà nước.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạo cơ sở pháp lý để nâng cao một bước trách nhiệm, thẩm quyền và tính chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong việc sử dụng các công cụ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ cũng như giám sát an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng và phù hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết và thông lệ, chuẩn mực quốc tế về ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế của nền kinh tế nước ta.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có bảy chương, 66 điều. Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, xác định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng T.Ư của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, thực hiện chức năng của Ngân hàng T.Ư, là ngân hàng phát hành tiền và ngân hàng của các tổ chức tín dụng.
Mục tiêu hoạt động của Ngân hàng Nhà nước là ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn, hiệu quả các hệ thống thanh toán; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng XHCN. Mục tiêu hoạt động này phù hợp chức năng của Ngân hàng Nhà nước.
So với Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện hành, Luật này có nhiều nội dung mới. Về thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ quốc gia, Luật cụ thể hóa được vai trò, vị trí của các cơ quan nhà nước trong việc quyết định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia trên cơ sở phù hợp Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, trong đó thẩm quyền và tính tự chủ của Ngân hàng Nhà nước trong việc chủ động, linh hoạt sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ đã được xác định rõ ràng.
Về thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng, Luật có quy định quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước quyết định áp dụng một số biện pháp đặc biệt để xử lý các tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng như mua cổ phần của tổ chức tín dụng; đình chỉ có thời hạn, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng; quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tín dụng; đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Mua cổ phần là một nội dung mới, đây là một cơ chế can thiệp mới, mạnh hơn, nhanh hơn so với cơ chế cho vay đặc biệt.
Về thành lập doanh nghiệp để hỗ trợ hoạt động điều hành của ngân hàng T.Ư, Luật có quy định cho phép Ngân hàng Nhà nước được sử dụng vốn pháp định để góp vốn thành lập doanh nghiệp đặc thù nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Điều 12) đã quy định lãi suất điều hành chính sách tiền tệ và lãi suất cơ bản để chống cho vay nặng lãi, vừa bảo đảm để Ngân hàng Nhà nước điều hành, thực thi chính sách tiền tệ, vừa có cơ sở để áp dụng quy định của các luật liên quan như Luật Dân sự, hình sự, lao động, luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước… Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay đổi nội hàm lãi suất cơ bản theo hướng lãi suất cơ bản không phải là cơ sở để cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh mà làm cơ sở cho việc phòng, chống cho vay nặng lãi trong nền kinh tế. Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác
.
Hoạt động cho vay của Ngân hàng Nhà nước đã được quy định rộng hơn trong trường hợp cho vay đặc biệt: Ngân hàng Nhà nước được cho vay không những đối với các tổ chức tín dụng đã “lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả” như quy định trong Luật hiện hành mà cả đối với tổ chức tín dụng hoạt động bình thường nhưng “có nguy cơ mất khả năng chi trả do các sự cố nghiêm trọng khác” để bảo đảm có thể can thiệp sớm hơn, hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Về tạm ứng cho Ngân sách Nhà nước, Luật quy định theo Luật Ngân sách Nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tạm ứng cho ngân sách T.Ư để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khoản tạm ứng này phải được hoàn trả trong năm ngân sách, trừ trường hợp đặc biệt do Ủy ban Thường vụ QH quyết định.
Quy định liên quan đến việc mở tài khoản của kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, về nguyên tắc kho bạc Nhà nước phải mở tài khoản tại ngân hàng Nhà nước. Ở tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước, việc thực hiện các giao dịch cho kho bạc Nhà nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (Điều 27). Quy định này nhằm mục tiêu bảo đảm Ngân hàng Nhà nước luôn có được đầy đủ, chính xác số liệu về quan hệ tiền gửi và cho vay của Ngân hàng Nhà nước với ngân sách Nhà nước để có thể điều hành chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, hiệu quả.
Việc quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước theo quy định của Chính phủ là phù hợp với pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối. Trong trường hợp việc sử dụng dự trữ ngoại hối làm thay đổi dự toán ngân sách Nhà nước thì thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách.
Xác định rõ thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước trong việc giám sát an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ, cùng với việc thành lập cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc ngân hàng Nhà nước để bảo đảm sự quản lý chặt chẽ hơn đối với hệ thống tổ chức tín dụng.
Quy định rõ trách nhiệm giải trình, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trước QH, Chính phủ và công chúng. Đây là nội dung mới, quan trọng trong hoạt động của ngân hàng T.Ư nhằm minh bạch hóa, công khai hóa các quyết định trong điều hành của mình không những với cơ quan cấp trên mà còn với công chúng, thị trường. Với tư cách là một cơ quan quản lý tham gia tham mưu kinh tế vĩ mô, nguồn thông tin là những dữ liệu rất quan trọng để ngân hàng Nhà nước xây dựng chính sách, đánh giá diễn biến thị trường và đưa ra các quyết định điều tiết. Do đó các quy định liên quan đến nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong việc cung cấp thông tin, số liệu cho ngân hàng Nhà nước đã được cụ thể hóa trong Luật này.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()