Những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá
Học sinh Trường THPT Yên Dũng 3, Bắc Giang trong buổi thảo luận về tác hại của thuốc lá. ( Ảnh: THẾ DŨNG )Ngày 18-6-2012, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) và ngày 2-7-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh số 07/2012/L-CTN công bố luật này. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-5-2013.Việc ban hành Luật PCTHCTL nhằm giảm tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, tính mạng con người, tương lai nòi giống dân tộc và nâng cao sức khỏe cộng đồng bằng việc thực hiện thường xuyên, liên tục các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ và từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá để giảm tác hại của thuốc lá; hạn chế, giảm dần tỷ lệ người sử dụng thuốc lá. Đặc biệt là, giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân từ thuốc lá. Điều đó cũng phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là chú trọng công tác y học dự phòng tích cực, chủ...
Học sinh Trường THPT Yên Dũng 3, Bắc Giang trong buổi thảo luận về tác hại của thuốc lá. ( Ảnh: THẾ DŨNG ) |
Việc ban hành Luật PCTHCTL nhằm giảm tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, tính mạng con người, tương lai nòi giống dân tộc và nâng cao sức khỏe cộng đồng bằng việc thực hiện thường xuyên, liên tục các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ và từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá để giảm tác hại của thuốc lá; hạn chế, giảm dần tỷ lệ người sử dụng thuốc lá. Đặc biệt là, giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân từ thuốc lá. Điều đó cũng phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là chú trọng công tác y học dự phòng tích cực, chủ động kiểm soát và ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Luật PCTHCTL có năm chương, 35 điều, quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát chặt chẽ để giảm nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để thực hiện hiệu quả công tác PCTHCTL.
Chương I là những quy định chung, gồm chín điều, quy định về: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc PCTHCTL; chính sách của Nhà nước về PCTHCTL; trách nhiệm quản lý nhà nước về PCTHCTL; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong PCTHCTL; quyền và nghĩa vụ của công dân trong PCTHCTL; hợp tác quốc tế trong PCTHCTL và các hành vi bị nghiêm cấm. Đó là những nội dung cơ bản về PCTHCTL trong đó có quy định các nguyên tắc mang tính định hướng, chính sách cơ bản để thúc đẩy công tác PCTHCTL và các hành vi bị nghiêm cấm trong PCTHCTL.
Chương II quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá gồm chín điều, quy định về: thông tin, giáo dục, truyền thông về PCTHCTL; địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn; địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá; nghĩa vụ của người hút thuốc lá; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá; ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá; hoạt động tài trợ; cai nghiện thuốc lá; trách nhiệm trong hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.
Các biện pháp nói trên, đặc biệt là quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm công cộng, quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm 50% diện tích chính của bao bì thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, bảo vệ sức khỏe của những người không hút thuốc lá, hạn chế tiếp cận thuốc lá, ngăn ngừa tác hại của thuốc lá, tiến tới thay đổi hành vi, giúp người chưa hút thuốc lá không bắt đầu hút, người đang hút thuốc lá giảm dần và không hút thuốc lá, từ đó giúp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Điều 11, Luật quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Theo đó, Khoản 1 quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục (trừ các trường cao đẳng, đại học, học viện); cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: Nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1 điều này (Điều 11) và Khoản 1 Điều 12 quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá.
Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô-tô, tàu bay, tàu điện.
Chương III quy định các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá. Cụ thể là quy định về: Quản lý kinh doanh thuốc lá; quy hoạch kinh doanh thuốc lá; kiểm soát đầu tư sản xuất thuốc lá; kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá; số lượng điếu thuốc lá trong bao, gói; bán thuốc lá; các biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả; trách nhiệm phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả. Đây là các biện pháp nhằm mục tiêu kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá để giảm dần nguồn cung cấp thuốc lá một cách chủ động, gắn liền với tốc độ giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, góp phần PCTHCTL một cách hiệu quả và bền vững. Trong đó, Luật quy định việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thuốc lá thông qua quy hoạch, cấp phép và quản lý sản lượng thuốc lá, quy định cấm bán thuốc lá tại các điểm công cộng cấm hút thuốc lá, quy định cụ thể biện pháp và trách nhiệm của các cơ quan trong phòng, chống thuốc lá lậu nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng tăng tại Việt Nam.
Chương IV quy định các điều kiện bảo đảm để PCTHCTL. Đó là quy định về: thành lập quỹ PCTHCTL; mục đích và nhiệm vụ của quỹ; nguồn hình thành và nguyên tắc sử dụng quỹ; xử lý vi phạm pháp luật về PCTHCTL; trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về PCTHCTL. Các biện pháp này tạo điều kiện bảo đảm bằng cách huy động nguồn kinh phí xã hội hóa ổn định, bền vững cho công tác PCTHCTL, quy định các chế tài xử lý vi phạm để bảo đảm tính khả thi của Luật.
Công tác PCTHCTL đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và ổn định nên không thể lấy từ ngân sách Nhà nước mà phải trên cơ sở xã hội hóa, huy động sự đóng góp của xã hội, đặc biệt là từ cơ sở sản xuất thuốc lá nhằm tăng tính cảnh báo về tác hại của thuốc lá và khuyến khích giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Luật quy định thành lập Quỹ PCTHCTL là quỹ quốc gia, trực thuộc Bộ Y tế và chịu sự quản lý nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính, với nguồn hình thành Quỹ bao gồm một phần ngân sách, sự hỗ trợ quốc tế và nguồn cơ bản là từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 1,0% từ ngày 1-5-2013; 1,5% từ ngày 1-5-2016; 2,0% từ ngày 1-5-2019. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính của Quỹ cho các hoạt động PCTHCTL trên phạm vi toàn quốc.
Quỹ PCTHCTL sẽ góp phần quan trọng để bảo vệ sức khỏe người dân, giảm chi phí y tế vốn ngày càng tăng với nguồn kinh phí ổn định và không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Đó chính là giải pháp rất nhân văn, khắc phục được những khó khăn của cơ chế quản lý hiện hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cũng là điều mà nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang áp dụng.
Chương V quy định điều khoản thi hành bao gồm: hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Đáng chú ý là Điều 34: Điều khoản chuyển tiếp quy định: Bao, tút, hộp thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam theo quy định tương ứng của pháp luật về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trước ngày luật này có hiệu lực sẽ không được sử dụng sau sáu tháng kể từ ngày luật này có hiệu lực.
Như vậy, Luật PCTHCTL đã thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về PCTHCTL, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác PCTHCTL trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa Công ước khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam là thành viên, góp phần hạn chế bệnh tật, cứu sống tính mạng người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng, thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()