Những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống rửa tiền
Ngày 2-7-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh số 05/2012/L-CTN công bố Luật Phòng, chống rửa tiền, đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 18-6-2012. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2013.Việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng, chống rửa tiền ở nước ta, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia. Đồng thời, việc ban hành Luật này cũng là hành động thực hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh chống lại hoạt động rửa tiền. Về tổng thể, cơ chế phòng, chống rửa tiền theo Luật PCRT được thực hiện chủ yếu thông qua việc thiết lập một cơ chế thu thập, xử lý các thông tin về nhận dạng khách hàng, thông tin về giao dịch bất thường, giao dịch có giá trị lớn để xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, sàng lọc, xác định các giao dịch có nguy cơ liên quan hành vi rửa...
Việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT) là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng, chống rửa tiền ở nước ta, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia. Đồng thời, việc ban hành Luật này cũng là hành động thực hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh chống lại hoạt động rửa tiền. Về tổng thể, cơ chế phòng, chống rửa tiền theo Luật PCRT được thực hiện chủ yếu thông qua việc thiết lập một cơ chế thu thập, xử lý các thông tin về nhận dạng khách hàng, thông tin về giao dịch bất thường, giao dịch có giá trị lớn để xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, sàng lọc, xác định các giao dịch có nguy cơ liên quan hành vi rửa tiền được thực hiện thông qua các giao dịch tại các tổ chức tài chính, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.
Việc ban hành Luật PCRT nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngăn ngừa hoạt động rửa tiền của tội phạm từ bên ngoài trong điều kiện khi gia nhập WTO, nước ta đã thực hiện tự do hóa giao dịch vãng lai và từng bước tự do hóa các giao dịch vốn, nới lỏng mức độ kiểm soát đối với các giao dịch chuyển tiền quốc tế. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để phòng, chống hoạt động rửa tiền trong nước khi hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã yêu cầu minh bạch hóa thu nhập, tài sản của một số cá nhân; khắc phục bất cập của các quy định pháp luật hiện hành đã nảy sinh trong thực tiễn, như thiếu quy định về tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả, áp dụng biện pháp nhận biết, áp dụng các biện pháp tăng cường đối với khách hàng là người nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, chủ sở hữu hưởng lợi… Việc ban hành luật này còn đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập và tuân thủ các cam kết, chuẩn mực quốc tế về PCRT.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật PCRT quy định về Các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCRT; và Hợp tác quốc tế trong PCRT. Các quy định của Luật PCRT cũng áp dụng đối với việc phòng, chống hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố.
Luật PCRT quy định rõ đối tượng áp dụng bao gồm: Tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân Việt Nam; người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có giao dịch tài chính, tài sản khác với tổ chức tài chính, cá nhân, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến PCRT.
Trên cơ sở các quy định của các Công ước quốc tế có liên quan, Luật PCRT định nghĩa rõ ràng, cụ thể hơn khái niệm rửa tiền so với Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 7-6-2005 về PCRT. Theo đó, rửa tiền được hiểu là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm: Hành vi được quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự (Tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có); trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; chiếm hữu tài sản mà tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.
Luật PCRT có quy định cụ thể các trường hợp tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan (sau đây gọi tắt là đối tượng báo cáo) phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng. Thông tin nhận biết khách hàng phải bao gồm ba nhóm thông tin gồm: thông tin nhận dạng khách hàng; thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi; thông tin về mục đích của khách hàng trong mối quan hệ với đối tượng báo cáo. Cùng với đó, Luật PCRT cũng quy định đối tượng báo cáo có trách nhiệm cập nhật thông tin nhận biết khách hàng trong suốt thời gian thiết lập quan hệ với khách hàng, bảo đảm các giao dịch khách hàng thực hiện phù hợp thông tin đã biết về khách hàng, về hoạt động kinh doanh, rủi ro, nguồn gốc tài sản của khách hàng.
Về phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro và áp dụng biện pháp đánh giá tăng cường, so với Nghị định 74 nói trên, Luật PCRT đã bổ sung thêm yêu cầu đối tượng báo cáo phải xây dựng quy định về phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro theo loại khách hàng, loại sản phẩm, dịch vụ, nơi cư trú, đặt trụ sở chính của khách hàng. Trên cơ sở phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro, đối tượng báo cáo có thể áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng ở mức độ thấp hơn đối với khách hàng có mức độ rủi ro thấp và phải áp dụng các biện pháp đánh giá tăng cường đối với khách hàng có mức độ rủi ro cao như trường hợp khách hàng là cá nhân có ảnh hưởng chính trị, quan hệ ngân hàng đại lý, các giao dịch liên quan đến công nghệ mới…
Về trách nhiệm báo cáo, thời hạn báo cáo, lưu giữ hồ sơ, Luật PCRT quy định đối tượng báo cáo phải có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện: Giao dịch có giá trị lớn; giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ; và giao dịch chuyển tiền điện tử có giá trị lớn.
Luật PCRT quy định thời hạn báo cáo cụ thể đối với từng loại giao dịch như sau: Đối với giao dịch có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điện tử, đối tượng báo cáo phải báo cáo hằng ngày đối với hình thức báo cáo gửi tệp dữ liệu điện tử; hoặc báo cáo trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày phát sinh giao dịch đối với hình thức báo cáo bằng văn bản hoặc các hình thức báo cáo khác. Đối với báo cáo giao dịch đáng ngờ, đối tượng báo cáo phải báo cáo trong thời gian tối đa là 48 giờ, kể từ thời điểm phát sinh giao dịch. Trường hợp phát hiện giao dịch do khách hàng yêu cầu có dấu hiệu liên quan tội phạm thì phải báo cáo ngay cho Ngân hàng Nhà nước và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về lưu giữ hồ sơ, báo cáo, Luật PCRT quy định thời hạn lưu giữ hồ sơ giao dịch, báo cáo của khách hàng tối thiểu là 5 năm kể từ ngày phát sinh giao dịch; hoặc kể từ ngày kết thúc giao dịch hoặc ngày đóng tài khoản hoặc ngày báo cáo.
Để bảo đảm hiệu quả trong hoạt động PCRT, Luật PCRT quy định đối tượng báo cáo phải ban hành quy định nội bộ về PCRT để bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hoạt động có nghi ngờ liên quan tới rửa tiền; phù hợp cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động và mức độ rủi ro về rửa tiền trong hoạt động của mình.
Theo quy định của Luật, sau khi thu thập, xử lý thông tin, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chuyển giao thông tin về PCRT. Khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch được nêu trong thông tin, báo cáo liên quan rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền; có trách nhiệm trao đổi thông tin với các bộ, ngành liên quan nhằm mục đích PCRT.
ĐỂ nâng cao hiệu quả công tác PCRT, Luật quy định cho phép đối tượng báo cáo áp dụng biện pháp tạm thời gồm: Trì hoãn giao dịch trong thời hạn không quá ba ngày làm việc khi các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen hoặc có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội. Trong trường hợp này, đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối tượng báo cáo phải thực hiện phong tỏa tài khoản hoặc áp dụng biện pháp niêm phong hoặc tạm giữ tài sản của các cá nhân, tổ chức khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và báo cáo việc thực hiện cho Ngân hàng Nhà nước.
Luật PCRT quy định thông tin, chứng từ và tài liệu khác liên quan các giao dịch phải báo cáo được bảo quản theo chế độ mật và chỉ được cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đối tượng báo cáo không được tiết lộ thông tin về việc đã báo cáo giao dịch đáng ngờ hoặc các thông tin có liên quan cho Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, Luật PCRT cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ báo cáo hoặc cung cấp thông tin theo quy định của Luật PCRT không bị coi là vi phạm các quy định của pháp luật về bảo đảm bí mật tiền gửi, tài sản gửi, thông tin về tài khoản, thông tin về giao dịch của khách hàng.
Luật PCRT quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về PCRT; Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về PCRT và là đơn vị đầu mối thu thập, phân tích, lưu giữ các báo cáo giao dịch đáng ngờ, báo cáo giao dịch có giá trị lớn. Các bộ: Công an, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và các bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước, các hoạt động khác theo quy định của pháp luật trong hoạt động PCRT.
Theo Nhandan
Ý kiến ()