Những “nhịp cầu” dẫn vốn đến người dân
– Cùng với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), những tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở thôn, bản đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chương trình tín dụng chính sách. Nhờ có đội ngũ này mà việc cho vay, thu nợ, giám sát việc sử dụng vốn được thực hiện xuyên suốt, liên tục và đóng góp vào chất lượng các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Một buổi chiều cuối năm 2021, cùng cán bộ NHCSXH huyện Hữu Lũng, chúng tôi đến thăm gia đình bà Vi Thị Ngoan, thôn Minh Lễ, xã Minh Tiến. Trước đây, gia đình bà có hoàn cảnh rất khó khăn, nhờ được vay vốn của NHCSXH để phát triển sản xuất, gia đình bà đã thoát nghèo. Năm 2015, gia đình bà được vay 50 triệu đồng của NHCSXH để chăm sóc một phần rừng bạch đàn đã trồng và trồng mới 2 ha. Nhờ sử dụng hiệu quả đồng vốn, đầu năm 2019, một số diện tích đã cho khai thác, giúp gia đình bà có thu nhập trên 200 triệu đồng.
Tổ trưởng tổ TK&VV thực hiện nộp lãi tại điểm giao dịch thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng
Bà Ngoan chia sẻ: “Trong lúc gia đình khó khăn, không có vốn để phát triển sản xuất, tôi được bà Vi Thị Bảo, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Minh Lễ hướng dẫn và giới thiệu làm thủ tục vay vốn của NHCSXH. Số tiền đó với người khác có thể không lớn, nhưng với gia đình tôi, đó là một cơ hội để thay đổi cuộc đời. Sau khi vay vốn, tổ trưởng tổ TK&VV thường xuyên hỏi thăm, hướng dẫn tôi đầu tư nguồn vốn sao cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Nhờ đó, nguồn vốn phát huy hiệu quả, hiện gia đình tôi đã thoát nghèo và xây dựng được nhà cửa khang trang hơn, đồng thời có vốn tiếp tục đầu tư trồng rừng mới sau khai thác”.
Không chỉ bà Ngoan, hiện nay, với dư nợ hơn 1,6 tỷ đồng, Tổ TK&VV thôn Minh Lễ do bà Bảo quản lý có 30 hộ đang sử dụng nguồn vốn ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế. Gần 60 tuổi, nhiều phụ nữ đã “ngại” việc lớn, việc nhỏ nhưng bà Bảo vẫn cần mẫn làm tổ trưởng tổ TK&VV để góp sức giúp bà con trong thôn thoát nghèo. Chính vì làm việc từ trái tim nên bà đã gắn bó với công việc này gần 20 năm nay. Khi được hỏi về bất kỳ thành viên nào trong tổ, không cần giở sổ sách hay tài liệu, bà Bảo có thể kể rõ thông tin về hộ: vay bao nhiêu, từ khi nào, lãi gốc ra sao, điều kiện gia đình, khả năng trả nợ, số dư tiết kiệm…
Bà Bảo chia sẻ: “Để các hộ sử dụng vốn hiệu quả, tôi thường xuyên đến tận nhà tổ viên hướng dẫn họ đầu tư phù hợp, đúng mục đích. Hằng năm, khi có các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đều mời thành viên tổ mình tham dự. Nhờ đó, đến nay, tổ tôi quản lý không còn hộ nghèo, có hơn 20 hộ vươn lên thành hộ khá giả nhờ nguồn vốn vay”.
Trong mô hình hoạt động đặc thù của NHCSXH, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải vốn chính sách đến với người dân và tổ trưởng tổ TK&VV được ví như những “nhịp cầu” dẫn vốn đến người dân, nơi mà người dân duy trì quan hệ thường xuyên với NHCSXH. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.107 tổ TK&VV đang hoạt động với hơn 81 nghìn lượt hộ trên địa bàn tỉnh được sử dụng vốn của NHCSXH để phát triển sản xuất với dư nợ trên 3.250 tỷ đồng.
Để giúp người dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, các tổ trưởng tổ TK&VV tích cực tuyên truyền về các chương trình vốn, quy định về thời hạn vay, mức vay, lãi suất, hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn, thực hiện bình xét công khai, dân chủ. Trong quá trình sử dụng vốn, tổ trưởng là người thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn, nợ quá hạn. Những vướng mắc, khó khăn được báo cáo kịp thời cho tổ chức hội trực tiếp quản lý và cán bộ tín dụng phụ trách xã giải quyết.
Hằng tháng, tại các buổi giao dịch cố định tại xã, các tổ trưởng tổ TK&VV còn tham gia giao ban với ngân hàng để kịp thời nắm bắt chương trình, chính sách mới và phổ biến cho người dân, thông tin kịp thời những khó khăn, tồn tại của tổ và các hộ vay để có hướng xử lý. Qua đó, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tỷ lệ thu lãi của NHCSXH tỉnh hiện đạt 99%; huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ đạt trên 121 tỷ đồng; số tổ TK&VV xếp loại khá, tốt chiếm 99,3%.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, hằng năm, chi nhánh NHCSXH tỉnh luôn quan tâm củng cố, kiện toàn các tổ, thay thế các tổ trưởng có năng lực yếu, kém, không nhiệt tình. Theo đó, đến nay số tổ TK&VV giảm 85 tổ so với năm 2020 do sáp nhập, đảm bảo mỗi tổ có từ 60 thành viên trở xuống. Cùng đó, công tác kiểm tra giám sát được ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp quan tâm triển khai hằng năm, tính đến hết năm 2021, Ban Đại diện cấp tỉnh đã kiểm tra tại 11 huyện, thành phố với 22 tổ TK&VV; ban đại diện cấp huyện kiểm tra được 241 tổ TK&VV. Qua kiểm tra cho thấy hầu hết các tổ trưởng tổ TK&VV đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có tình trạng xâm tiêu, góp phần quản lý hiệu quả nguồn vốn vay.
Nhờ có sự góp sức của những tổ trưởng tổ TK&VV, các hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh sử dụng hiệu quả đồng vốn ưu đãi phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân 3%/năm.
“Tổ trưởng tổ TK&VV là những người nắm rõ tên tuổi, hoàn cảnh gia đình, mục đích vay vốn của tổ viên. Do đó, từ khâu bình xét cho vay, kiểm tra, đôn đốc các hộ sử dụng vốn vay, trả nợ, lãi luôn kịp thời. Nhờ đó, trong thời gian qua, NHCSXH đã chuyển hàng nghìn tỷ đồng vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến tay người thụ hưởng nhanh chóng, thông suốt, đảm bảo công khai, dân chủ”. Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh |
Ý kiến ()