Những nhà giáo giữa đời thường
Về hưu vẫn làm… giáo dục
Từ giáo viên bình thường, trở thành cán bộ cấp phòng rồi giữ chức Giám đốc Sở GD&ĐT giai đoạn 1979-1991- giai đoạn khó khăn nhất của giáo dục Lạng Sơn; được nghỉ hưu, song tâm trí ông Lã Thanh Thủy luôn hướng về sự phát triển của giáo dục. Năm 2001, ông tham gia Hội Khuyến học tỉnh và giữ chức Chủ tịch hội 12 năm liền.
Bước vào tuổi 70, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Yên có hơn một phần ba thế kỷ gắn bó với giáo dục với những cương vị khác nhau, từ giáo viên đến Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã. Được tặng giải thưởng khoa học vì miền núi và nhiều huân huy chương, song không có vinh dự nào bằng niềm tin, sự nể trọng của các thế hệ giáo viên và học sinh Lạng Sơn dành cho bà vì đã có những cống hiến lớn trong sự nghiệp “chấn hưng giáo dục” giai đoạn 1983-2002, tạo đà cho giáo dục Lạng Sơn “cất cánh”. Về hưu nhưng bà vẫn còn đau đáu một nỗi niềm là làm sao chất lượng giáo dục Lạng Sơn phải được nâng cao để có nhiều nhân tài phục vụ cho địa phương và đất nước. Vì vậy, bà đã có nhiều ý kiến đóng góp cho ngành trong công tác đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết của Đảng về các vấn đề: nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, về phân luồng sau cấp trung học cơ sở, vấn đề dạy nghề và hướng nghiệp trong trường phổ thông.
Các cựu giáo chức nhận kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của Cựu giáo chức Việt Nam”
Với 8 nhà giáo ưu tú, 10 người nguyên là giám đốc, phó giám đốc sở, 5 người nguyên là chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn ngành, 15 người nguyên là trưởng, phó phòng, ban cơ quan sở… Với bề dày công tác, sự am hiểu sâu về giáo dục của đất nước nói chung và Lạng Sơn nói riêng, các cựu giáo chức cơ quan Sở GD&ĐT Lạng Sơn luôn dành những ý kiến tâm huyết dựa trên thực tế và sự phát triển để đóng góp cho giáo dục.
Khi nhà giáo làm… trưởng thôn
Bà con khối 7, phường Hoàng Văn Thụ vẫn gọi Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thời, nguyên Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố Lạng Sơn) – Bí thư Chi bộ khối mình với cái tên trìu mến: bà giáo Thời. Nghỉ hưu nhưng đâu có nghỉ, làm Bí thư Chi bộ khối, “cái sự thường” của muôn mặt cuộc sống khiến bà luôn tự đổi mới mình: gần dân, nắm tâm tư nguyện vọng của họ, đề xuất với Chi bộ những công việc cụ thể để cải thiện đời sống mọi mặt của người dân. Đã 3 khóa làm bí thư, bà có đóng góp lớn trong xây dựng cơ sở đảng khối 7 (phường Hoàng Văn Thụ) thành một khối đoàn kết, vững mạnh, lãnh đạo nhân dân đoàn kết phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, giữ gìn phát triển nền văn hóa. Đưa khối 7 thành khu vực dân cư mạnh toàn diện của phường Hoàng Văn Thụ.
Về hưu năm 2009, song chị Trần Thị Trang (khối 3, phường Vĩnh Trại) chưa có được một ngày nghỉ ngơi. Với các chức vụ phó bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận khối, tổ trưởng tổ dân phố… chị luôn bận bịu với công việc “vác tù và hàng tổng”. Chị nói rằng, bà con, tổ chức tín nhiệm, lẽ nào mình lại “an phận thủ thường”.
Trong hơn 70 cựu giáo chức của chi hội, có trên 1/3 cựu giáo chức tham gia công tác chính trị xã hội ở địa phương. Dù ở vị trí nào, các thầy, các cô cũng làm tốt công việc của mình. Trao đổi với chúng tôi, các thầy, cô đều có chung một suy nghĩ: Nhân cách người thầy vừa do nhà trường sư phạm đào tạo nên, vừa là sự hội tụ của truyền thống “tôn sư trọng đạo” của nhân dân. Trong những năm còn đứng trên bục giảng, làm công tác quản lý, nhân cách đó được phát huy và bổ sung; khi về hưu, sống giữa đời thường với những người còn đang lo “gánh nặng áo cơm”, song cũng có nhiều người đang tất bật làm giàu, nhân cách người thầy của những “ông giáo, bà giáo” đã tỏa sáng.
Ý kiến ()