Những nguyên tắc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước
Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong ba lĩnh vực quan trọng nhất để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Để quá trình tái cấu trúc DNNN thực hiện thành công, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đất nước, cần quán triệt bốn nguyên tắc cơ bản.Tái cấu trúc DNNN ở Việt Nam là một quá trình mở, có nội hàm ngày càng rộng và toàn diện, bao quát sự thay đổi cả về số lượng, quy mô, phạm vi, mô hình tổ chức, mục tiêu và nguyên tắc hoạt động. Trên thực tế, quá trình này đã được khởi phát với tên gọi đổi mới và sắp xếp lại các DNNN từ đầu thập niên 1990, với chủ trương buộc giải thể, cho thuê, sáp nhập một số DNNN hoạt động kém hiệu quả; tiến hành cổ phần hóa (CPH) một bộ phận lực lượng DNNN (thí điểm từ năm 1993 và tăng tốc mở rộng từ năm 1996); xây dựng các tổng công ty (90 và 91) năm 1994, ban hành Luật DNNN năm 1995, thí điểm tổ...
Tái cấu trúc DNNN ở Việt Nam là một quá trình mở, có nội hàm ngày càng rộng và toàn diện, bao quát sự thay đổi cả về số lượng, quy mô, phạm vi, mô hình tổ chức, mục tiêu và nguyên tắc hoạt động. Trên thực tế, quá trình này đã được khởi phát với tên gọi đổi mới và sắp xếp lại các DNNN từ đầu thập niên 1990, với chủ trương buộc giải thể, cho thuê, sáp nhập một số DNNN hoạt động kém hiệu quả; tiến hành cổ phần hóa (CPH) một bộ phận lực lượng DNNN (thí điểm từ năm 1993 và tăng tốc mở rộng từ năm 1996); xây dựng các tổng công ty (90 và 91) năm 1994, ban hành Luật DNNN năm 1995, thí điểm tổ chức tập đoàn kinh tế nhà nước năm 2005, v.v… Đến nay, khu vực DNNN đã giảm nhanh về số lượng (từ khoảng 12 nghìn DN vào năm 1991 giảm còn khoảng 1.500 DN hiện nay); quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu tăng lên hàng chục lần so thời kỳ đầu trước khi tổ chức lại. Cả nước có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước (KTNN) đang hoạt động, với nguồn vốn chủ yếu dựa vào NSNN (chuyển cơ chế giao vốn sang cơ chế đầu tư vốn)…
Tuy nhiên, tính đến thời điểm 1-7-2010, khi Luật DNNN hết hiệu lực, mục tiêu tổ chức sắp xếp lại DNNN đề ra đã không đạt được, tiến trình CPH bị chậm lại. Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp ngày 15-2-2011 cho thấy, tính đến cuối năm 2010, quy mô vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 540.701 tỷ đồng (tăng 11,75% so với năm 2009); tổng lợi nhuận trước thuế là 70.778 tỷ đồng; chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt khoảng 13,1%, thấp hơn nhiều so lãi suất vay ngân hàng thương mại trong năm 2010. Đặc biệt, có đến 80% tổng số lợi nhuận trước thuế đến từ bốn tập đoàn: dầu khí, viễn thông quân đội, bưu chính – viễn thông và cao-su (như vậy, ở các tập đoàn, TCT còn lại, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu còn thấp hơn nữa). Trong quản lý DNNN vẫn còn sự nhập nhằng giữa mục tiêu lợi nhuận và phi lợi nhuận, quản trị kém hiệu quả và chưa đảm nhận được vai trò can thiệp mang tính chủ đạo của lực lượng kinh tế nhà nước ngay cả trong cung cấp hàng hóa và dịch vụ công cộng và các ngành kinh tế có hiệu quả sinh lời thấp, nhưng cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa, như cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, thị trường bất động sản thứ cấp, ứng dụng và phát triển công nghiệp công nghệ cao…
Nguyên nhân của tình trạng trên được giải thích bởi đầu tư không hợp lý, thiếu tập trung và dứt điểm cho các công trình trọng điểm có khả năng lan tỏa, dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế; bởi cơ chế quản lý kém, thiếu minh bạch, khép kín, nạn tham nhũng, lợi ích cục bộ, địa phương, sự nể nang cảm tính và tư duy nhiệm kỳ; thiếu kiểm soát và chế tài kịp thời, nghiêm khắc, trách nhiệm chưa rõ ràng và nhất là do thiếu phối hợp đồng bộ các chính sách, các cấp, ngành và các bên hữu quan trên cơ sở Luật Đầu tư công còn thiếu vắng ở nước ta.
Cả về lý thuyết, cũng như thực tiễn cho thấy, để quá trình tái cấu trúc DNNN thật sự góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN nói riêng, hiệu quả kinh tế-xã hội đất nước nói chung, cần quán triệt một số nguyên tắc sau:
Thứ nhất, tái cấu trúc DNNN trên cơ sở tôn trọng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường, xem nhu cầu thị trường, cơ chế thị trường và hiệu quả, lợi ích là căn cứ chính để quyết định việc phân bổ các nguồn lực cho phát triển; đồng thời, có biện pháp tích cực ngăn ngừa và khắc phục những hạn chế, mặt trái của cơ chế thị trường. Yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững đòi hỏi Nhà nước không bao cấp rủi ro cho doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình. Một nghịch lý là, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế chưa cao là do sự can thiệp của Nhà nước, ở nhiều cấp chính quyền khác nhau, không phù hợp với sự vận động của thị trường; Nhưng mặt khác, Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra. Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng Luật Quản lý vốn Nhà nước hoặc Luật Đầu tư công, tạo cơ sở pháp lý cần thiết điều chỉnh bằng Luật đối với các hoạt động đầu tư công, trong đó có đầu tư của các DNNN.
Đặc biệt, cần phân định rõ thẩm quyền, nghĩa vụ của từng cấp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác. Các bộ được giao làm đại diện chủ sở hữu tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Thứ hai, cần khẩn trương xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để tái cấu trúc tổ chức và quản lý DNNN, khắc phục tình trạng trì trệ hoặc lạm dụng, trục lợi, thậm chí tái cấu trúc kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong phân công chủ quản và “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong chỉ đạo, điều hành… Tiếp tục đẩy mạnh CPH, kể cả CPH toàn Tổng công ty, giảm, thu hẹp tỷ trọng và giảm số lượng doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối, chỉ duy trì DN 100% vốn nhà nước trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần độc quyền, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế và các lĩnh vực mà doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân không hoặc chưa muốn, chưa có khả năng tham gia; Ưu tiên xây dựng các mô hình tập đoàn kinh tế đa sở hữu, với vai trò nòng cốt là DNNN, đảm nhận vai trò chủ lực trong nền kinh tế, được vận hành theo đúng quy luật kinh tế, trên cơ sở sự tự nguyện thỏa thuận liên kết, hợp tác giữa các pháp nhân độc lập.
Thứ ba, trong quá trình tái cấu trúc DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, phải kiên quyết chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính và tập trung phát triển DNNN trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân, chủ yếu thuộc các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, dịch vụ công, ổn định kinh tế vĩ mô; Nghiên cứu chỉnh sửa giảm tỷ trọng xuống dưới 10%, thậm chí bãi bỏ sớm quy định hiện nay về cho phép DNNN được phép đầu tư “trái ngành” tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư…
Thứ tư, trước mắt, cần sửa đổi ngay những quy định không phù hợp liên quan vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp, chọn đối tác chiến lược, bán cổ phần ưu đãi cho người lao động… Đồng thời, làm rõ hơn vai trò của chủ sở hữu hoặc người đại diện chủ sở hữu; quyền chủ động điều hành sản xuất, kinh doanh của tập đoàn với yêu cầu đầu tư của Nhà nước vì lợi ích chung; vai trò và cơ chế trách nhiệm, quyền lợi của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên. Đặc biệt, sự phân cấp quản lý cần thống nhất và rõ ràng, gắn với chịu trách nhiệm liên đới của từng tổ chức, cá nhân trong quản lý DNNN; Công khai các thông tin, quy trình, thủ tục, danh mục dự án, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các dự án đầu tư của DNNN; Bên cạnh hệ thống giám sát nhà nước, cũng cần xem xét bổ sung quy định các hoạt động đầu tư công chịu sự giám sát của cộng đồng, xác lập quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong vai trò giám sát đối với các hoạt động đầu tư của DNNN…
Theo Nhandan
Ý kiến ()