Những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng tính năng định vị
Đi xe công nghệ, mua sắm trực tuyến hay chia sẻ địa điểm cho bạn bè, người thân… chúng ta đều sử dụng tính năng định vị. Ngoài những lợi ích tuyệt vời mà tính năng này đem lại thì bên cạnh đó nó cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi khi dữ liệu vị trí rò rỉ, người dùng có thể phải chịu thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần.
Thói quen dễ dàng chia sẻ định vị
Khái niệm GPS – hệ thống định vị toàn cầu đã trở nên quen thuộc với mỗi chúng ta bởi hệ thống này được áp dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Hiểu một cách cụ thể, thì khi bạn đang ở đây, GPS có thể xác định được vị trí của bạn, đi kèm với các loại điện thoại di động. Mặc dù là một công cụ phổ biến mang lại nhiều tiện ích song các chuyên gia an ninh mạng lại cảnh báo tính năng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người dùng.
Chị Ngô Thị Thái (Thanh Xuân, Hà nội) là người thường xuyên bật tính năng định vị để phục vụ cho việc mua sắm trực tuyến hay gọi xe công nghệ. Tuy nhiên chị Thái gặp không ít những băn khoăn liệu khi mình bật tính năng này, một số người khác mà mình không mong muốn có biết được thông tin về vị trí của mình hay không. Và nếu biết thì có vấn đề gì không? “Trong một ngày tôi bật tính năng định vị rất nhiều lần, khi thì mua hàng online, khi thì đặt xe công nghệ, thậm chí hẹn hò bạn bè cũng bật để họ tìm thấy mình nhanh nhất. Điều tôi lo ngại liệu những người tôi không muốn họ có biết được vị trí của mình hay không?”, chị Thái bày tỏ sự lo lắng.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, nỗi băn khoăn của chị Thái cũng như nhiều người khác là hoàn toàn có cơ sở. Tính năng định vị hoạt động dựa trên hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS hay trên tín hiệu Wifi, Bluetooth mà điện thoại đang truy cập. Các thiết bị có tính năng định vị hiện nay đều kết nối đến máy chủ từ xa. Khi bạn cho phép một ứng dụng biết vị trí của mình, ví dụ như Google Maps hay Grab, ứng dụng đó sẽ biết bạn đang ở đâu, trong khoảng thời gian bao lâu. Dữ liệu vị trí của bạn sẽ được thu thập một cách chi tiết, có đầy đủ các mốc thời gian. Một số ứng dụng khác thậm chí vẫn tiếp tục theo dõi bạn ngay cả khi bạn không sử dụng chúng.
Người dùng sẽ không biết những dữ liệu vị trí của mình đã được người nào biết đến. Đôi khi các ứng dụng bạn không cài đặt trên thiết bị của mình cũng biết được các thông tin về nơi bạn đang ở, thời gian bạn rời khỏi nhà, bạn đã đi đâu trong vòng bao lâu và hơn thế nữa.
Trong một số trường hợp, những kẻ lạ mặt sẽ khai thác vị trí, quãng đường di chuyển của bạn thông qua dịch vụ định vị trên smartphone. Chúng sẽ biết được đâu là thời điểm và địa điểm thích hợp để tấn công nạn nhân. Với các dữ liệu vị trí, bọn trộm sẽ biết được địa điểm và thời điểm khi bạn rời khỏi nhà. Chúng sẽ lên một kế hoạch hoàn hảo để cuỗm đi mọi thứ trong căn nhà của bạn. Ngoài ra còn rất nhiều những mối nguy hiểm khác tiềm ẩn đòi hỏi mỗi chúng ta phải sử dụng tính năng này một cách thông minh nhất.
Không chỉ những thói quen bật định vị hàng ngày mà việc cài đặt ứng dụng thoải mái trên điện thoại của mình cũng có rất nhiều nguy cơ mà không phải ai cũng biết. Thực tế các ứng dụng trên điện thoại mà bạn cài đặt không hề miễn phí như mọi người tưởng. Bởi, mỗi ứng dụng miễn phí là do chúngcó chứa quảng cáo và một số có thể nhận được các quyền của người dùng (chẳng hạn như thông tin vị trí, quyền truy cập vào album và một số thông tin sổ địa chỉ).
Nói về những thói quen này, anh Nguyễn Công Tám (Trần Quý Kiên, Cầu Giấy) cho biết: “Cứ mỗi lần cài đặt ứng dụng gì trên điện thoại là tôi thấy họ hỏi có cho phép cài đặt vị trí hay không, có cho phép truy cập album ảnh không?… Thực sự tôi cũng không hiểu để làm gì, có hại gì không nên cũng đồng ý. Thậm chí khi cài đặt các ứng dụng xong, mỗi lần mở ra thì lại đầy quảng cáo, nhìn rất khó chịu”.
Theo các chuyên gia, đây không phải là hiện tượng cá biệt mà thực tế có rất nhiều ứng dụng yêu cầu người dùng vượt quá thẩm quyền của chức năng. Không khó để hình dung rằng cơ sở để các nhà quảng cáo đặt quảng cáo chính là thông tin cá nhân được ứng dụng (App) thu thập.
Anh Lý Bá Tuyền, kỹ sư công nghệ thông tin cho biết: “Khi người dùng đồng ý để ứng dụng truy cập thông tin vị trí riêng họ, ứng dụng sẽ cung cấp cho người dùng một dịch vụ dựa trên vị trí (LBS, Location Based Service), chẳng hạn như điều hướng bản đồ hoặc chỉ dẫn vị trí, hướng đi cụ thể dựa trên các ứng dụng map. Những gì đang nói ở đây chỉ là thông tin có được bằng cách sử dụng thông tin vị trí. Người dùng càng cấp nhiều quyền thì nhà quảng cáo càng hiểu rõ hơn về người dùng, được gọi là “chân dung người dùng” trong biệt ngữ. Ứng dụng dành cho thiết bị di động thu thập thông tin người dùng không chỉ có thể được sử dụng để đặt quảng cáo một cách chính xác. Mặt khác, còn có thể sử dụng thông tin người dùng để cải thiện AI (trí tuệ nhân tạo) của ứng dụng, nghĩa là khi bạn mở quyền và sử dụng ứng dụng, bạn cũng trở thành nhân công miễn phí cho các công ty Internet”.
Một mặt, tiến bộ công nghệ đã thực sự làm cho cuộc sống của chúng ta thuận tiện hơn và chân dung người dùng chính xác cũng có thể cho phép các doanh nghiệp cung cấp cho người dùng các dịch vụ được cá nhân hóa và tùy chỉnh theo nhu cầu. Nhưng mặt khác, để sử dụng ứng dụng, chúng ta thường phải mở nhiều quyền cho đơn vị cung cấp, điều này khiến người dùng phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ rò rỉ quyền riêng tư.
Nói về vấn đề này, anh Lý Bá Tuyền cũng cho rằng, người sử dụng điện thoại thường bị “dụ” để cài đặt những ứng dụng độc hại, không chính thống. Khi đó những ứng dụng này đã “dụ” người dùng cho phép thực hiện quyền truy cập vào vị trí cũng như các nguồn dữ liệu nhạy cảm trên điện thoại. Chính vì vậy nên ngay cả khi chúng ta không bật tính năng định vị trên điện thoại lên, chúng ta không cầm điện thoại thì ứng dụng đó vẫn có thể chạy ngầm. Và vì nó đã được cấp quyền nên nó vẫn có thể kích hoạt được tính năng định vị cũng như các nguồn dữ liệu khác và âm thầm gửi những dữ liệu đó về máy chủ của kẻ xấu. Từ đó, kẻ xấu có thể lấy dữ liệu của chúng ta để thực hiện các hành vi trục lợi.
Theo tiết lộ của anh Tuyền, khách hàng của anh đã có nhiều người bị mất thông tin cá nhân, mất hình ảnh “bí mật” trên điện thoại mà không biết nguyên nhân. Tuy nhiên sau khi kiểm tra thì anh Tuyền phát hiện nguyên nhân chính là họ đã chia sẻ vị trí của mình khi cài đặt ứng dụng. “Đã có nhiều trường hợp bị mất thông tin cá nhân mà không hề hay biết. Nhiều người tự hỏi tại sao các dịch vụ như bất động sản, chứng khoán… lại biết được số điện thoại của mình, địa chỉ của mình mà họ liên hệ mời chào? Thậm chí nhiều người còn bị truy cập vào cả tài khoản ngân hàng, sau đó mất trắng tiền. Rồi những hình ảnh nhạy cảm của chúng ta lưu trên điện thoại cũng bị lộ ra ngoài. Đó chính là việc điện thoại của chúng ta đã bị theo dõi, bị mất thông tin cá nhân”, anh Tuyền cho biết thêm.
Cần sử dụng tính năng định vị an toàn
Đã có rất nhiều người bị mất thông tin cá nhân, những dữ liệu quan trọng trong điện thoại của mình mà không biết tại sao. Theo các chuyên gia thì nguyên nhân chính là dữ liệu vị trí bị xâm phạm hoặc rò rỉ. Đặc biệt, người dùng chia sẻ thông tin về vị trí hay lịch trình của mình lên mạng xã hội.
Khi cài đặt các ứng dụng và cho phép quyền truy cập định vị hay các dữ liệu nhạy cảm, người dùng phải hết sức cẩn trọng. Cần ghi nhớ, chỉ tải các ứng dụng từ các nguồn chính thống để tránh bị trục lợi và lộ lọt dữ liệu cá nhân ra bên ngoài. Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Công ty cổ phần An toàn thông tin Cyradar chia sẻ với truyền thông, kể cả khi cài trên các kho chính thống thì trước khi cài đặt chúng ta nên kiểm tra ứng dụng đó của nhà cung cấp có uy tín hay không, có bao nhiêu lượt tải, bao nhiêu lượt đánh giá tốt… “Trước khi cài các ứng dụng đòi hỏi quyền thì chúng ta nên dành vài phút đọc kỹ để xem ứng dụng đó yêu cầu truy cập vào những nguồn tài nguyên nào của điện thoại. Ví dụ, một ứng dụng chụp ảnh yêu cầu lấy danh bạ thì rõ ràng là không cần thiết… Khi mua những thiết bị điện tử, cần tìm mua những thiết bị rõ nguồn gốc. Không mua những thiết bị trôi nổi, nhập lậu, vì rất có thể bên trong thiết bị đó có gắn các module mà có khả năng định vị vị trí”, anh Đức cho hay.
Trong khi đó, anh Lý Bá Tuyền cũng đưa ra cảnh báo, những phương tiện đi lại hàng ngày của chúng ta cần thường xuyên kiểm tra xem có những gì bất thường hay không. Ví dụ như có một mẩu dây nối bất thường hay có vật gì đó nằm ở trong ba lô, túi xách mà chúng ta hoàn toàn không biết. Rất có thể đó là những thiết bị định vị mà các đối tượng xấu gài vào vật dụng để theo dõi.
“Người dùng có thể vào phần cài đặt để tắt tính năng định vị của ứng dụng. Hoặc khi cài đặt ứng dụng, có câu hỏi có định vị vị trí khi đang sử dụng hay không, người dùng có thể từ chối nếu không cần thiết. Đặc biệt mọi người không nên chia sẻ vị trí thực khi đang ở trong một không gian nhỏ hẹp trong nhà, ví như một cửa hàng trong siêu thị. Hầu hết các ứng dụng bản đồ số đều không được thiết kế để dùng cho những không gian trong nhà, do đó thường dẫn tới việc hoạt động không chính xác. Cha mẹ cần nhắc nhở con cái không chia sẻ vị trí thực của chúng với người lạ hoặc những kẻ bắt nạt”, anh Tuyền đưa ra lời khuyên.
Nguồn:https://antg.cand.com.vn/Khoa-hoc-Ky-thuat-hinh-su/nhung-nguy-co-tiem-an-khi-su-dung-tinh-nang-dinh-vi-i705622/
Ý kiến ()