Những người truyền lửa
Tiếng chiêng hòa quyện ngọn lửa trên cao nguyên.
Trẻ em Chu Ru làm quen với nhạc cụ dân tộc.
Với các tộc người bản địa Tây Nguyên, bếp lửa trong mỗi mái nhà sàn hay dưới bóng cây nêu giữa sân buôn làng đã trở thành một biểu tượng của sự sống, lay thức mỗi trái tim về nguồn cội và tình cảm cố kết cộng đồng. “Giữ ấm bếp hồng” chính là giữ mối dây kết nối thế hệ, là tâm huyết trao truyền những giá trị văn hóa của tổ tiên đến với con cháu mai sau. Trong những chuyến điền dã, tôi đã thấy, đã gặp, đã trò chuyện với rất nhiều những người “giữ lửa” giữa buôn làng. Nhờ họ mà sợi dây kết nối cộng đồng bớt phần lơi lỏng; nhờ họ mà nhịp cồng chiêng, điệu dân ca vẫn ngân, bước chân vòng xoang vẫn rạo rực bên bếp lửa trong những mùa lễ hội; nhờ họ mà ngôn ngữ tộc người vẫn được lưu giữ để ông bà, cha mẹ vẫn có thể giao tiếp và kể cho con cháu nghe những câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa. Để từ đó, nuôi dưỡng trong tâm hồn những người trẻ niềm tự hào, trao cho họ trách nhiệm bảo tồn và phát huy những di sản quý báu mà cha ông từng sáng tạo, đắp bồi qua nhiều thế hệ…
Nhạc sĩ Krajan Plin là một trong những người như vậy. Quen biết anh gần ba chục năm nay, chưa bao giờ tôi thấy người đàn ông Cơ Ho tràn đầy năng lượng này nguôi niềm khắc khoải với văn hóa tộc người. Anh lo lắng, bất an với những giá trị truyền thống đang có nguy cơ nhạt phai, dần rời bỏ cộng đồng. Anh cũng là người cố gắng từng chút một góp sức cùng mọi người níu giữ những gì còn có thể cứu vãn. Âm nhạc của Plin là thứ giai điệu chắt lọc từ thanh âm hồn cốt của núi rừng, là tiếng gọi tha thiết đồng bào trở về với cội nguồn văn hóa tộc người. Hơn 20 năm trước, nhạc sĩ Krajan Plin cùng những người đồng tộc tâm huyết thành lập ban nhạc “Những người bạn Lang Bian” với khao khát được làm cái “bếp lửa” sưởi ấm những buôn làng dưới chân núi Mẹ bằng những giai điệu cất lên từ thanh âm của núi rừng. Đó cũng chính là cái “tổ” ban đầu dưỡng nuôi trưởng thành những giọng hát như Liêng hót Uyên Ly, Cil Glè, Panting Sally; rồi hai dì cháu cùng là ca sĩ Krajan Út, Cil Pơi từng lọt vào vòng chung kết giải Sao Mai năm 2003. Đặc biệt, Krajan Plin cũng là người thầy dạy dỗ và viết ca khúc “Lang Bian S’ning” (Nghĩ về Lang Bian) cho cô học trò Bonuer Trinh hát, đã giúp nữ ca sĩ này đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Không chỉ vậy, đến bây giờ, Plin vẫn từng ngày cặm cụi sưu tầm, ghi chép những câu luật tục, những lời hát dân ca mà tổ tiên truyền lại. Người cháu của Plin, nhạc sĩ Krajan Dick cũng chung niềm đồng cảm với cậu của mình trong công việc “giữ lửa”. Dick chia sẻ cùng tôi: “Mỗi tộc người Tây Nguyên đều có bản sắc văn hóa riêng, chúng tôi luôn tự hào. Thế nhưng những nét đẹp ấy đang ngày càng mai một do ảnh hưởng của xã hội hiện đại. Công việc của chúng tôi là cố làm chút gì đó để giữ lại, trao truyền cho thế hệ mai sau những di sản văn hóa quý giá mà tổ tiên nhiều đời hình thành, sáng tạo”. Nói là làm, vừa rời nhiệm vụ Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật Lâm Đồng, Dick trở về với buôn làng nơi chân núi và cùng Plin và những người đồng tộc sưu tầm, ký âm, ký tự nhằm bảo tồn những bài chiêng, những điệu ca cổ. Anh cũng mang những giá trị đó đến với lớp trẻ cộng đồng, bằng những buổi biểu diễn, những cuộc giao lưu, trao đổi và cả lan tỏa qua mạng xã hội. Nữ nghệ nhân cồng chiêng Cil Ka, một người cùng huyết thống với Plin và Dick. Bà Cil Ka nói: “Thằng Plin, thằng Dick nó lo lắng, nó làm thì bà già cũng phải góp phần cùng chúng nó”. Chiều hôm đó, tôi được chứng kiến bà Cil Ka dạy các cô gái trẻ như Cil Gluyến, Panting Benziên những điệu chiêng cổ và bài hát dân ca…
Bây giờ thì ông K’Điệp được bầu là người có uy tín ở xã Tam Bố, huyện Di Linh, Lâm Đồng, nhưng mười mấy năm trước ông là đồng nghiệp của chúng tôi khi còn công tác ở Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng. Nghỉ hưu trở về sống với buôn làng Cơ Ho của mình nhưng K’Điệp chưa một ngày nghỉ ngơi việc làm người giữ và truyền lửa. Từng đi nhiều, tiếp xúc nhiều, ông càng hiểu hơn những vốn quý văn hóa tộc người, đặc biệt là tiếng nói, trang phục, các nghi lễ, lễ hội, dân ca, dân nhạc, dân vũ. K’Điệp nói: “Lớp trẻ bây giờ lo làm kinh tế, ít quan tâm tới văn hóa. Nhiều cháu không thể giao tiếp được bằng tiếng nói của dân tộc mình; đồng dao, dân ca thì càng ít cháu biết…”.
Từ năm 2010, được mời tham gia biên soạn cuốn tài liệu “Dạy và học tiếng Cơ Ho”, ông K’Điệp đã dốc hết vốn liếng ngôn ngữ mà ông bà cho, những tinh túy mà ông có được trong những năm tháng trải nghiệm, sống và làm việc, với mong muốn gìn giữ và phát triển ngôn ngữ của dân tộc mình. Với sự chung tay của ông và những người tâm huyết, trách nhiệm với công tác dân tộc, cuốn tài liệu đã được đưa vào giảng dạy; giúp cho nhiều cán bộ, công chức và nhiều người trẻ tiếp cận với ngôn ngữ của một tộc người có tỷ lệ dân số đông ở tỉnh Lâm Đồng. Nhắc tới câu chuyện văn hóa bản địa, ông K’Điệp phấn chấn khác thường. Ông kể với chúng tôi về những lúc tỉ tê trò chuyện với người cao tuổi trong xã để nghe và ghi lại vô số câu chuyện từ kho tàng tri thức bản địa, rồi những buổi tham mưu với chính quyền và vận động đồng bào tham gia công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Bởi tấm lòng đau đáu với tộc người, K’Điệp thường được mời nói chuyện về văn hóa truyền thống ở các trường học trong và ngoài xã. Ông coi việc được truyền ngọn lửa tình yêu và sự lan tỏa văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến với mọi người, nhất là lớp trẻ, được họ lắng nghe, chia sẻ và trân trọng là điều hạnh phúc…
Công việc của ông K’Điệp và những người tâm huyết đã mang lại rất nhiều ý nghĩa, mà điều quan trọng nhất là không để đứt gãy dòng chảy văn hóa. Nhiều người trẻ đã ý thức về việc tiếp nối, về trách nhiệm với giá trị truyền thống. Cũng ở Di Linh của ông K’Điệp, 10 năm nay, được sự hỗ trợ của chính quyền và ngành văn hóa, các già làng và nghệ nhân đã mở chín lớp truyền dạy cồng chiêng với 216 học viên là người trẻ trong buôn làng tham gia, trong đó có rất nhiều bạn nữ. Già làng K’Tiếu, người đang giữ trọng trách chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng xã Đinh Lạc nói: “Ngoài việc truyền dạy các bài chiêng thường tấu trong các dịp lễ hội, chúng tôi còn truyền đạt kiến thức, ý nghĩa của từng bài chiêng”. Còn ở thị trấn Đinh Văn của huyện Lâm Hà, hàng chục năm qua, ngôi nhà của nghệ nhân Duôm Dai Bát như là trụ sở một câu lạc bộ, một không gian thu nhỏ của văn hóa Cơ Ho. Ông là người “cầm trịch” trong việc tổ chức, truyền dạy cho hàng trăm thanh niên địa phương về cồng chiêng, chế tác và sử dụng các nhạc cụ. Cuối năm ngoái, người truyền lửa Duôm Dai Bát rời xa trần gian mãi mãi, nhiều đội chiêng với hàng chục nghệ nhân trẻ do ông truyền dạy đã tấu lên những bài chiêng buồn tiễn đưa người thầy tâm huyết về với rừng Yàng…
Hiện tại, cùng với Di Linh, Lâm Hà, nhiều huyện tại Lâm Đồng như Cát Tiên, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Đơn Dương và Đam Rông cũng đang tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng. Đó là tín hiệu tốt, nói lên ý thức sâu rộng về sự trao truyền, tiếp nối.
Dòng chảy thời gian tiếp nối, những tác động của đời sống hiện đại đang làm mờ phai dần những giá trị văn hóa cổ truyền. Bởi vậy, mỗi ý nghĩ, lời nói, việc làm góp phần níu giữ vốn quý tộc người đều đáng ghi nhận. Những già làng, trí thức, nghệ nhân luôn nhận trách nhiệm cao nhất, họ ngày đêm đau đáu với việc giữ gìn truyền thống. Tôi đã thấy ông Ya Loan dắt tay từng cháu nhỏ vô lớp dạy tiếng nói của dân tộc Chu Ru. Tôi đã thấy bà Ma Bio, bà Ma Tham hồi sinh những vũ điệu Tamya Ariya, T’rumpô, trống Ginăng hay kèn Lơkér bằng cách dạy cho con cháu của mình. Đi qua các buôn làng, tâm trạng vui khi được chứng kiến những hình ảnh đời thường giản dị mà ý nghĩa. Đó có thể là người mẹ dân tộc Cơ Ho tên là Ha Boong ở buôn Bneur C (Lạc Dương) dạy những đứa con gái pha sợi dệt thổ cẩm. Đó có thể là người cha Chu Ru tên Tou Prông Dương ở Pró (Đơn Dương) dạy mấy đứa con trai thổi lửa nung gốm. Đó có thể là người chị Ka Uyên ở thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà) đang truyền bí quyết ủ rượu cần cho mấy đứa em…
Như bài hát “Giữ ấm bếp hồng” của nhạc sĩ Krajan Plin, những già làng, trí thức, nghệ sĩ, nghệ nhân và cả những người dân trong mỗi làng buôn đau đáu với văn hóa truyền thống là những người giữ và truyền “lửa”. Họ không phải là thần Prômêtê mang sứ mệnh cao cả thắp sáng tâm hồn và trí tuệ nhân loại, họ chỉ là những người bình thường sống giữa miền rừng núi, cần mẫn mỗi tháng ngày thổi những ngọn lửa nhỏ của tình yêu di sản tổ tiên làm ấm áp thêm cho cộng đồng thân thiết của mình và trao truyền tình yêu ấy cho thế hệ cháu con.
Bạn của tôi là người dân tộc Kinh, giáo viên Ngữ văn – Văn hóa học của Trường cao đẳng Sư phạm Lâm Đồng, đồng thời cũng là thầy giáo dạy tiếng Cơ Ho tại địa phương kể: Mới đây, một nữ sinh viên người dân tộc Cơ Ho nhờ anh dạy cho cô chính ngôn ngữ của dân tộc mình. Thầy giáo hỏi: “Tại sao em là người Cơ Ho lại học tiếng Cơ Ho?”. Nữ sinh trả lời: “Em đã quên gần hết nên muốn học lại cho bài bản”. Thầy: “Mục đích học của em là gì?”. Trò: “Để hiểu dân tộc mình hơn, để khám phá sâu hơn về văn hóa của tộc người mình.” Nếu ai đó nói, mất ngôn ngữ là mất văn hóa, thì đây là một câu chuyện cho thấy một tín hiệu tốt nhưng xét ở một khía cạnh nào đó cũng phản ánh hiện thực rất đáng lo ngại cần suy nghĩ.
Ý kiến ()