Những người trẻ đam mê văn hóa dân tộc
Mang tinh thần trẻ trung, sáng tạo, những bạn trẻ đam mê tìm hiểu văn hóa và nghệ thuật dân tộc là sinh viên Trường đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng công nghệ, số hóa các hoa văn zèng trên thổ cẩm của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế). Việc tích hợp hoa văn zèng với đồ họa kỹ thuật số vừa lan tỏa nét đẹp truyền thống, vừa góp phần bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống thổ cẩm zèng bằng các phương tiện hiện đại.
Thu hút giới trẻ bởi các hình thức nghệ thuật cùng chuỗi hoạt động trải nghiệm sinh động trực quan, dự án GenZ dệt ZènG- Từ sợi dệt đến vệt số của nhóm sinh viên ở lứa tuổi thế hệ “GenZ” chuyên ngành quản trị truyền thông đa phương tiện của Trường đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa hoa văn trên các tấm thổ cẩm truyền thống của người Tà Ôi khi dệt zèng với thẩm mỹ thiết kế hiện đại, triển khai trên nền phong cách bitmap và pixel.
“Dệt” zèng trên nền tảng số
Số hóa di sản đang là xu hướng để giới trẻ lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc. Lựa chọn hoa văn, họa tiết trên tấm zèng của đồng bào Tà Ôi để số hóa, trưởng nhóm dự án Đào Khánh Linh chia sẻ: “Là người trẻ, chúng em nhận thấy các bạn cùng lứa đang có xu hướng hội nhập cuộc sống hiện đại mà quên đi các giá trị truyền thống.
Vì vậy, em cùng các bạn Lại Thị Diệu Thùy, Đặng Thị Thanh Hoa, Nguyễn Trần Thiên Thanh ứng dụng công nghệ để có thể đưa văn hóa đến gần lớp trẻ. Với dự án này, chúng em mong muốn xóa nhòa ranh giới vô hình giữa hoa văn trên zèng và thiết kế hiện đại cũng như khoảng cách về không gian, đem từng mũi dệt lan tỏa đến các bạn cùng thế hệ, giúp những giá trị tốt đẹp của nghề dệt zèng xuất hiện nhiều hơn trong thời đại số.
Ngoài ra, hy vọng dự án GenZ dệt ZènG góp phần nâng cao nhận biết của các bạn trẻ về bảo tồn di sản, đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa dệt thổ cẩm của người Tà Ôi nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung”.
Thực địa nhiều chuyến tại xã A Ngo và xã A Đớt, huyện A Lưới, gặp gỡ những người phụ nữ Tà Ôi còn dệt zèng, nhóm bạn trẻ đón nhận sự ủng hộ nhiệt tình của đồng bào nơi đây. Được chạm tận tay, nhìn tận mắt và bị thu hút bởi những dải màu bắt mắt, hệ thống hoa văn trên zèng, từng nét dệt tinh tế trên tấm zèng, nhóm thực hiện dự án hiểu hơn về nghề dệt tồn tại hàng trăm năm nay. Mỗi câu chuyện trên về zèng là một dấu ấn về cuộc sống chân chất, in đậm văn hóa được điểm lên từ mỗi hạt cườm và từng sợi chỉ mềm mại.
Dệt zèng là một trong những kỹ thuật dệt truyền thống độc đáo trong hệ thống nghề dệt thổ cẩm tại Việt Nam, đòi hỏi phải có tay nghề cao, sự công phu và tỉ mỉ. Để dệt ra một tấm zèng, cùng một thao tác, người làm phải vừa dệt hoa văn chỉ, vừa chèn cườm, vừa luồn sợi mà không có bất cứ bức phác thảo nào.
Trong những chuyến khảo sát thực tế, cả nhóm đã quan sát, ghi chép quy trình dệt, khám phá cách kết hợp màu sắc để tạo ra hoa văn từ các sợi ngang, dọc cũng như tính logic trong nghệ thuật dệt. Achoa Pâl Luuch là hoa văn chỉ cổ xưa nhất, dùng để ngăn cách các hoa văn cườm và là hoa văn có những gam màu đẹp nhất.
Còn hoa văn Măt Ku Boal mang vẻ đẹp uy nghiêm, được quan niệm là mắt của những vị thần mà đồng bào Tà Ôi thờ cúng với mong muốn được các vị thần che chở, bảo vệ. Trong quá trình phân tích, nghiên cứu và đưa vào số hóa nhóm lựa chọn phong cách bitmap chuyển hóa hoa văn thành dạng lưới ảnh với các ô pixel vuông nhỏ, vừa sử dụng tốt trên hoa văn cườm đơn sắc vừa dễ ứng dụng trong các ấn phẩm truyền thông đương đại.
Làm văn hóa theo cách “GenZ”
Trong quá trình đi thực địa, nhóm dự án nhận thấy, nhiều bạn trẻ người Tà Ôi đã rời quê nhà lên các thành phố lớn làm việc. Vì vậy, khi thấy nhóm sinh viên thực hiện dự án, đồng bào ở các thôn, làng rất phấn khởi vì họ hiểu được mục tiêu của dự án. Nhiệt tình giúp đỡ nhóm tìm hiểu nghề, người dân đồng thời bày tỏ mong muốn các bạn trẻ sẽ giúp lan tỏa rộng rãi hơn những giá trị của zèng.
Anh Ra Pát Ngọc Hà, thôn A Đớt, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới cho biết, lớp trẻ là người sẽ kế thừa và góp phần phát triển nghề dệt, vì vậy anh mong nghề dệt được lan tỏa rộng rãi đến các bạn trẻ. Còn chị A Kơ Pi Nghe, người Tà Ôi, thành viên của nhóm Ethnicity, một dự án cộng đồng tiên phong trong việc số hóa các hoa văn thổ cẩm tham gia hỗ trợ, cố vấn nhóm GenZ dệt ZènG chia sẻ: “Dệt zèng là một phần cuộc sống của người Tà Ôi, vì vậy tôi mong muốn mang niềm tự hào của dân tộc mình, mang những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống kết nối với các bạn trẻ để chia sẻ, quảng bá loại thổ cẩm độc đáo này”.
Làm cầu nối giữa văn hóa và kỹ thuật số, website và fanpage của dự án “GenZ dệt ZènG” cũng đã tích cực chia sẻ về văn hóa dệt thổ cẩm của người Tà Ôi. Nhằm tăng mức độ nhận biết và thu hút sự chú ý của những người trẻ, các bài đăng đan xen với những nội dung bắt trend, thú vị, thu hút, nhưng không đánh mất giá trị bản sắc văn hóa.
Chuỗi câu chuyện “Hồi xưa” và “GenZ tả ZènG, từ A đến Z” cung cấp những thông tin thu thập từ các chuyến đi thực tế về huyện A Lưới, những câu chuyện về con người và vùng đất, tín ngưỡng, tập quán… để mọi người có thể khám phá nghề dệt qua nền tảng số. Khi số hóa hoa văn thành công, nhóm đăng tải họa tiết, hoa văn số hóa gốc và hình ảnh số hóa hoa văn được “dệt” trên nền tảng số lên thư viện số GenZ dệt ZènG. Đây là kho tàng thông tin số hóa đa dạng về họa tiết, hoa văn zèng.
Thời gian tới, những nhà thiết kế đương đại sẽ mở bán các sản phẩm ứng dụng hoa văn thổ cẩm zèng được số hóa và phát triển những thiết kế hiện đại, mục tiêu là có thể truyền tải thông điệp thông qua sản phẩm làm ra cũng như lan tỏa nét đẹp truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.
Đề cao tính ứng dụng của hoa văn số hóa và truyền tải thông điệp dự án hiệu quả hơn, nhóm sẽ ra mắt video âm nhạc Dệt lối em về với thể loại rap kết hợp vocalist, một thể loại thịnh hành với GenZ hiện nay; tổ chức workshop “Vệt số Zèng” để bạn trẻ hiểu rõ hơn về quy trình số hóa hoa văn dân tộc thông qua các hoạt động tương tác và trải nghiệm trực tiếp.
Ngoài ra, triển lãm số “Khám phá hoa văn zèng” qua lăng kính công nghệ số trưng bày các họa tiết hoa văn trên zèng được số hóa, phát triển và đưa vào sản phẩm minh họa bằng nhiều hình thức khác nhau. Để việc bảo tồn văn hóa dệt zèng được lan tỏa và biết đến nhiều hơn, dự án tiếp tục với hoạt động Trại sáng tạo số dưới hình thức trực tuyến và hoàn thiện thước phim hành trình người trẻ lưu giữ và lan tỏa nghề dệt zèng.
Ý kiến ()