Những người thợ lao động giỏi của Thủ đô
Những năm qua, phong trào thi đua sáng tạo, cải tiến kỹ thuật của công đoàn các công ty trên địa bàn Thủ đô như "Năng suất, chất lượng, an toàn, tiến bộ và hiệu quả", "Tiết kiệm, hạ giá thành sản phẩm..." đã thu hút đông đảo công nhân lao động hưởng ứng tham gia. Ngày càng xuất hiện nhiều cánh chim đầu đàn là công nhân giỏi có nhiều sáng kiến thiết thực, làm lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp.Đến Công ty CP Môi trường đô thị Hà Đông, hỏi thăm anh Nguyễn Trọng Xuân, người vừa được đề cử công nhân giỏi thành phố, chúng tôi được nhiều người vui vẻ chỉ vào phía xưởng: 'Anh nào đội mũ, lấm lem dầu mỡ nhất là anh Xuân'. Quả thật, không mấy khó khăn khi nhận ra anh. Anh Xuân hào hứng kể chuyện đời, chuyện thợ. Tốt nghiệp trung cấp, Xuân xung phong lên công tác ở Xí nghiệp vận tải 500 xe, thuộc Tổng công ty thủy điện Hòa Bình, phục vụ đắp đập và chở vật liệu xây dựng Nhà máy thủy điện. Mới ra trường, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng với lòng yêu...
Đến Công ty CP Môi trường đô thị Hà Đông, hỏi thăm anh Nguyễn Trọng Xuân, người vừa được đề cử công nhân giỏi thành phố, chúng tôi được nhiều người vui vẻ chỉ vào phía xưởng: 'Anh nào đội mũ, lấm lem dầu mỡ nhất là anh Xuân'. Quả thật, không mấy khó khăn khi nhận ra anh. Anh Xuân hào hứng kể chuyện đời, chuyện thợ. Tốt nghiệp trung cấp, Xuân xung phong lên công tác ở Xí nghiệp vận tải 500 xe, thuộc Tổng công ty thủy điện Hòa Bình, phục vụ đắp đập và chở vật liệu xây dựng Nhà máy thủy điện. Mới ra trường, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng với lòng yêu nghề, Xuân kiên trì học hỏi, sửa chữa thuần thục các loại xe tải hạng nặng. Nghị lực của một công nhân thích tìm tòi, ham học hỏi càng thúc đẩy anh vượt khó. Trước đây, anh chủ yếu sửa xe đời cũ, nay công ty trang bị xe đời mới hiện đại, đòi hỏi việc sửa chữa phải tỉ mẩn hơn. Mỗi khi gặp vướng mắc dù chỉ một chi tiết nhỏ, anh miệt mài tìm tòi để sửa xong mới yên tâm. Đặc thù công ty có nhiều xe đặc chủng, khi hỏng, không được sửa chữa kịp thời ảnh hưởng cả dây chuyền sản xuất. Do đó, phải kiểm tra, thay dầu, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên góp phần nâng cao tuổi thọ của xe. Một kỷ niệm trong đời thợ anh không thể nào quên là lần sửa xe chở nước bị chết máy tại cầu Hà Đông. Loại xe đặc chủng này lắp hệ thống phanh đời mới, nếu một phanh hỏng lập tức bị bó chặt, không thể di chuyển được. Giữa trưa, trời nắng gắt 40 độ, anh nằm dưới gầm xe khắc phục sự cố. Bằng kinh nghiệm đúc rút từ những ngày sửa xe tải ở thủy điện Hòa Bình, hơn 40 phút sau, Xuân tháo được bầu phanh để tạm thời lái xe về cơ quan, tránh ùn tắc trên đường. Chiếc xe sau đó được sửa chữa thành công trong sự thán phục, khen ngợi của đồng nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Canh đã 31 năm gắn bó với phân xưởng cơ khí, luôn được xếp trong 'top' thợ giỏi Công ty TNHH Một thành viên Điện Cơ Thống Nhất. Chị kể, những ngày đầu cơ sở vật chất công ty còn trăm bề khó khăn, thiếu thốn. Nay công ty nhập máy móc thiết bị hiện đại hơn, công việc đỡ khó khăn nhưng đòi hỏi tay nghề người thợ phải tinh xảo hơn nhiều, các thao tác thực hành độ chính xác cao, bảo đảm tối đa chất lượng đầu ra của sản phẩm. Tiện phá rô, tinh rô, tiện trục, tiện cán ren… việc nào chị cũng thuần thục. 'Trăm hay không bằng tay quen', năng suất lao động của chị luôn vượt mức, chi tiết gia công đúng quy trình công nghệ, yêu cầu kỹ thuật, sản phẩm xuất xưởng đều đạt loại A. Chị tâm sự, mình làm thợ, chịu khó học hỏi, tìm tòi áp dụng sáng kiến, công việc sẽ thuận lợi, đỡ vất vả hơn. Trong quá trình sản xuất, chị áp dụng cải tiến thay đổi công nghệ gia công ren trục quạt 650/750 từ công nghệ tiện trên máy tiện sang công nghệ cán nguội ren, bảo đảm chất lượng, tăng năng suất khâu tạo ren quạt 650/750. Bình thường, khi tiện trục phải dùng hai dao, nhưng chị Canh cải tiến chỉ cần dùng một dao vẫn bảo đảm yêu cầu sản phẩm. Chị Canh tâm sự, làm tổ trưởng tổ tiện, mình phải dám nhận việc khó, khi có máy mới về làm mẫu vận hành, sau đó hướng dẫn lại cho tổ viên. Công nhân trong tổ tay nghề không đều, chị hướng dẫn, chỉ bảo tận tình công nhân trẻ từ cách mài dao, đứng máy đúng góc độ… Danh hiệu Công nhân lao động giỏi cấp cơ sở và cấp ngành Công thương Hà Nội ba năm liền 2008 – 2010 là phần thưởng xứng đáng với nữ công nhân 'giỏi việc nước, đảm việc nhà' Nguyễn Thị Canh.
Đến Công ty Điện Stanley Việt Nam làm việc cách đây 10 năm, từ một công nhân trẻ, thiếu kinh nghiệm, Trịnh Quang Thành đã được bổ nhiệm làm Trưởng phòng cải tiến, ba năm liền được giải lao động giỏi, sáng kiến của thành phố. Ngay từ nhỏ, Thành thích mày mò, tỉ mẩn sửa xe đạp, vật dụng trong nhà. Cần cù, chịu khó, ham mê học hỏi, không ngừng sáng tạo… Những tố chất ấy đã hun đúc nên hình ảnh người thợ trẻ năng động. Thành tâm sự, phía sau những sáng kiến là sự nỗ lực bản thân mà còn có sự ủng hộ, giúp đỡ hết mình của đồng nghiệp và tập thể công ty. Mô hình giảm hàng tồn trong kho do Thành đề xuất đã góp phần giảm chi phí kho bãi, trông coi gắn kết chặt chẽ giữa các công nhân trong dây chuyền sản xuất. Thành công nối tiếp thành công. Nguyên liệu keo dính giữa pha và bề mặt đèn xe phải nhập khẩu đắt, trong khi hàng ngày lượng dư thừa sau sản xuất phải thải bỏ, mất công đi hủy. Sau nhiều ngày trăn trở, cuối cùng Thành cải tiến một khay chứa để không bị bụi bám vào, từ đó có thể tái sử dụng toàn bộ keo thải bỏ. Với sáng kiến này, mỗi năm tiết kiệm cho công ty 700 triệu đồng.
Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường, để giữ vững được thương hiệu đòi hỏi phải nỗ lực không ngừng, tạo môi trường làm việc năng động, dân chủ và công bằng, phát huy tinh thần sáng tạo, chung sức đồng lòng của cán bộ, công nhân viên. Công đoàn các công ty kịp thời nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, từ đó xây dựng và đổi mới phương thức hoạt động, đề ra các biện pháp tổ chức vận động CNLĐ tháo gỡ khó khăn, hoàn thành kế hoạch và chỉ tiêu đề ra. Bình bầu lao động được thực hiện công khai, dân chủ, thưởng phạt nghiêm minh góp phần tạo đà khí thế thi đua sản xuất sôi nổi.
Thực tế, nhiều sáng kiến cải tiến các sản phẩm đã khẳng định những tiện ích, công dụng vượt trội, đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Nhiều hoạt động công đoàn ngày càng thiết thực hơn, phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Các cuộc thi 'Đơn vị quản lý giỏi', 'công nhân giỏi', 'giỏi một nghề biết nhiều việc', phong trào thi đua 'lao động giỏi', 'người tốt việc tốt', 'xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp' đã tạo sự thi đua giữa các cá nhân, đơn vị, được người lao động nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới đã góp phần tiết kiệm hàng tỷ đồng. Điểm mấu chốt là biết trân trọng sự sáng tạo, chất xám của người lao động, khuyến khích, động viên kịp thời để họ mạnh dạn đề xuất ý tưởng. Đầu tư cho con người, tạo điều kiện cho người lao động sáng tạo, tự chủ trong lao động cùng với đổi mới thiết bị, công nghệ và cơ sở vật chất chính là bí quyết thành công của không ít doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.
Theo Nhandan
Ý kiến ()