Những người mẹ đỡ đầu mang sắc phục công an nhân dân
- Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho trẻ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong Công an Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó đã góp phần lan tỏa ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình “Mẹ đỡ đầu”, chương trình “Ngày mai tươi sáng” và phong trào “Nụ cười chiến sĩ” trong Công an Lạng Sơn.
Hoài Thương ở thôn Bản Chu, xã Thái Bình, huyện Đình Lập mới 15 tuổi đã phải trải qua nỗi đau quá lớn khi chỉ trong một năm em mất đi cả cha lẫn mẹ. Vắng bóng cha, mẹ, 2 chị em Hoài Thương, Phúc Lý ở cùng ông bà. Trong tận cùng của khó khăn, những người “Mẹ đỡ đầu” là các hội viên Hội Phụ nữ Công an huyện Đình Lập đã xuất hiện hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, chia sẻ, động viên và giúp đỡ các em và gia đình có cuộc sống ổn định hơn.
Trung úy Nông Thị Tố Loan, hội viên Hội Phụ nữ Công an huyện Đình Lập chia sẻ: Trước hoàn cảnh éo le đó, Hội Phụ nữ Công an huyện đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thái Bình nhận đỡ đầu 2 em với mong muốn hỗ trợ được phần nào về vật chất và tinh thần để các em và gia đình vơi bớt khó khăn, có tương lai tươi sáng hơn.
Em Chu Văn Mạnh và Chu Thị Trà My ở thôn Bắc Đông 2, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cũng có một tuổi thơ không trọn vẹn khi hơn 10 năm thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc của mẹ. Rồi một ngày, người cha - chỗ dựa duy nhất của các em cũng qua đời. Căn nhà lụp xụp thiếu đủ thứ nay thiếu cả cha, lẫn mẹ. Khi được các “mẹ đỡ đầu” thuộc phòng Quản lý Xuất nhập cảnh Công an tỉnh quan tâm, chăm sóc, các em đã có thêm chỗ dựa, thêm sự sẻ chia, quan tâm, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều. Ngôi nhà có bàn tay các mẹ giờ đủ đầy, ấm áp hơn. Các mẹ luôn quan tâm, dạy bảo các em nhiều điều hay, lẽ phải, động viên các em quyết tâm vươn lên trong học tập, nỗ lực để có tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
Là những nữ chiến sỹ công an dũng cảm trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự nhưng các chị cũng rất gần gũi, dịu dàng khi trở thành những người mẹ thứ hai của những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dẫu biết rằng không thể thay thế hoàn toàn cha mẹ các em nhưng những người mẹ đỡ đầu đã đến và trao cho các con một điểm tựa về tinh thần, một vòng tay dang rộng yêu thương, để từ đó các em có cơ hội phát triển một cách toàn diện.
Thượng úy Hoàng Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh chia sẻ: Khi biết về hoàn cảnh của Mạnh và Trà My, đơn vị đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ tiền sinh hoạt phí hằng tháng, nhu yếu phẩm, quần áo, đồ dùng học tập và thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, dạy các con học tập và hướng dẫn những kỹ năng trong cuộc sống. Do vậy, các con ngày càng gắn bó, sẻ chia niềm vui, những băn khoăn, lo lắng trong cuộc sống và coi những nữ chiến sỹ công an như người mẹ thứ hai của mình.
Bên cạnh quan tâm đến hoàn cảnh của những trẻ mồ côi, những người mẹ đỡ đầu còn mang đến sự yêu thương, chăm sóc và giúp đỡ những em nhỏ là con của can, phạm nhân trong trại giam, trở thành người mẹ nhân ái của những đứa trẻ đặc biệt.
Thượng úy Chu Thị Kim Oanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: Trong quá trình công tác những cán bộ quản giáo đã được tiếp xúc với nhiều trường hợp can, phạm có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có những trường hợp nữ bị tạm giữ, tạm giam đã mang thai trước khi vào trại hoặc mang theo con nhỏ (trường hợp đặc biệt, bất khả kháng) được chăm sóc trong khu vực giam riêng (đảm bảo vệ sinh, đủ điều kiện chăm sóc cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ). Do đó Hội Phụ nữ đơn vị đã tham mưu triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” quyên góp trong cán bộ chiến sỹ để mua sữa, bánh kẹo, các đồ dùng thiết yếu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng các em nhỏ là con của các can, phạm nhân. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục để can, phạm nữ phấn đấu cải tạo tốt để sớm được trở về với gia đình và xã hội, nuôi dạy con ở môi trường tốt hơn.
Đại úy Nguyễn Thị Hiền, Trưởng ban Phụ nữ Công an tỉnh chia sẻ: Bằng sự nỗ lực, linh hoạt trong cách làm, sau hơn 2 năm triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp hội phụ nữ trong Công an Lạng Sơn đã trực tiếp nhận hỗ trợ, nuôi dưỡng 22 cháu mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ trung bình hằng tháng từ 200.000đồng đến 500.000 đồng/trẻ với thời gian từ 5 năm hoặc đến khi các em 18 tuổi. Dù số tiền không lớn nhưng việc nhận đỡ đầu đã góp phần chia sẻ, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Tiếp nối ý nghĩa từ chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Ban Phụ nữ Công an tỉnh đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh triển khai chương trình “Ngày mai tươi sáng”, kinh phí thực hiện bằng nguồn huy động xã hội hoá. Theo đó, ngoài hướng đến giúp đỡ trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, chương trình đã giúp đỡ, quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ có nguy cơ vi phạm pháp luật, giúp các em có cuộc sống tốt hơn.
Sau gần 1 năm thực hiện Chương trình “Ngày mai tươi sáng” đã hỗ trợ được 25 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ có nguy cơ vi phạm pháp luật, đồng thời gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật, an sinh xã hội, phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an và toàn xã hội trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.
Đại tá Triệu Tuấn Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Việc triển khai thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” và chương trình “Ngày mai tươi sáng” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần giúp đỡ các gia đình neo đơn, các cháu có hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống ổn định và tương lai tươi sáng hơn. Qua đó cũng góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sỹ công an - vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của Nhân dân. Trong thời gian tới, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Phụ nữ phối hợp với các đơn vị, công an các huyện, thành phố, huy động sự vào cuộc, ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp và Nhân dân để triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình này với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ý kiến ()