Những người lính "đi dân nhớ, ở dân thương"
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) cùng cán bộ khuyến nông xã Chí Đàm, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) trao đổi kỹ thuật chăm sóc lúa. Mặc dù gặp không ít khó khăn, song những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 (Quân khu 2) đã phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mà còn tích cực tham gia giúp dân, xây dựng nông thôn mới.Truyền thống là động lựcChúng tôi đến công tác tại Sư đoàn 316 vào những ngày cuối tháng tám, đúng dịp tuổi trẻ đơn vị đang sôi nổi thực hiện đợt thi đua cao điểm "Huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao", đồng thời tích cực hưởng ứng phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới". Thượng tá Nguyễn Văn Tiệp, Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn, giới thiệu: Sư đoàn đã từng tham gia chiến đấu trên khắp mọi miền đất nước, 13 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào, kề vai sát cánh cùng quân đội và nhân dân...
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) cùng cán bộ khuyến nông xã Chí Đàm, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) trao đổi kỹ thuật chăm sóc lúa. |
Truyền thống là động lực
Chúng tôi đến công tác tại Sư đoàn 316 vào những ngày cuối tháng tám, đúng dịp tuổi trẻ đơn vị đang sôi nổi thực hiện đợt thi đua cao điểm “Huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) cao”, đồng thời tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Thượng tá Nguyễn Văn Tiệp, Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn, giới thiệu: Sư đoàn đã từng tham gia chiến đấu trên khắp mọi miền đất nước, 13 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào, kề vai sát cánh cùng quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào anh em. Với thành tích nêu trên, Sư đoàn cùng nhiều đơn vị, cá nhân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được Nhà nước Lào tặng thưởng hai Huân chương It-xa-la và Bộ Chỉ huy tối cao Quân giải phóng nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng nhất… Truyền thống vẻ vang đó luôn là động lực thôi thúc cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn hôm nay tiếp nối và phát huy trong thời kỳ mới.
Được biết, là đơn vị đóng quân phân tán, chủ yếu ở địa bàn miền núi, đường giao thông đi lại khó khăn. Nơi đây, đời sống của đồng bào các dân tộc tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều gian khổ… Trước thực tế nêu trên, Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, đi đôi làm tốt công tác dân vận, tích cực tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện “đi dân nhớ, ở dân thương”, từ năm 2009 đến nay, Sư đoàn đã đưa gần 50 lượt đại đội, với hơn 3.700 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng địa bàn, giúp dân “thoát nghèo”. Nổi bật là, thực hiện trồng rừng cao-su theo dự án di dân phục vụ xây dựng thủy điện Sơn La, đơn vị đã huy động 853 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp địa phương hơn 23 nghìn ngày công để đào hố và trồng được 874 ha cao-su; tu sửa 7,5 km đường giao thông liên thôn; làm cây cầu rộng 1,4 m, dài 11 m, trị giá hơn 37 triệu đồng. Phối hợp Ban dự án trồng rừng của tỉnh Lai Châu đưa hàng trăm cán bộ, chiến sĩ giúp hơn 4.200 ngày công để phát thực bì 210 ha rừng. Huy động cán bộ, chiến sĩ lao động giúp dân hàng nghìn ngày công để chuyển đổi cơ cấu, cây trồng (trồng cây cao-su) tại huyện Sìn Hồ, Mường Tè (Lai Châu), huyện Mộc Châu (Sơn La)…
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị trong Sư đoàn đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương các huyện: Yên Sơn, Sơn Dương, TP Tuyên Quang (Tuyên Quang); Yên Bình (Yên Bái); Đoan Hùng, Thanh Sơn (Phú Thọ), đưa hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện dã ngoại, kết hợp lao động giúp nhân dân phát triển kinh tế. Các đơn vị đã phối hợp cùng địa phương triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực: xây dựng, củng cố đường giao thông liên thôn; đào đắp, khơi thông kênh mương thủy lợi; tu sửa trường học, xây dựng nhà văn hóa ở khu dân cư, bể nước sinh hoạt…
Bà con biết ơn bộ đội
Chúng tôi đến thôn Đám 1, xã Chí Đám, một xã miền núi của huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đúng lúc 150 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 của Sư đoàn cùng đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên và bà con địa phương nạo vét tuyến kênh mương nội đồng. Mặc dù, thời tiết nắng nóng, nhưng không khí làm việc của bộ đội và nhân dân diễn ra sôi động, khẩn trương. Nhiều cựu chiến binh, nông dân tuy tuổi cao nhưng không quản ngại vất vả, trực tiếp cầm cuốc, xẻng để nạo vét bùn, đất. Tranh thủ phút nghỉ giải lao, Phó Chủ tịch xã Chí Đám Phạm Quang Trung, cho biết: Đây là tuyến mương tưới và tiêu nước trọng điểm của xã dài hơn ba km. Việc hoàn thành hai tuyến mương này sẽ phục vụ hiệu quả việc tưới, tiêu nước cho gần 100 ha lúa và hoa màu.
Trung tá Nguyễn An Phong, Chính ủy Trung đoàn 98, cho biết, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn coi việc giúp dân xây dựng nông thôn mới là vinh dự, trách nhiệm của mỗi người lính. Từ đầu năm đến nay, Trung đoàn đã phối hợp Huyện ủy Đoan Hùng xây dựng và triển khai kế hoạch đưa hơn bảy trăm lượt cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện dã ngoại, kết hợp lao động giúp nhân dân các xã trên địa bàn đóng quân với hơn năm nghìn ngày công để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, còn giúp hơn 50 gia đình chính sách, gia đình khó khăn tu sửa nhà cửa trước mùa mưa bão. Từ nay đến cuối năm, Trung đoàn 98 dự kiến đưa ba đợt cán bộ, chiến sĩ về giúp xã Chí Đám xây dựng nông thôn mới. Các chiến sĩ trẻ Lương Văn Hữu, Trần Văn Kế, Bàn Văn Hợp, ở đại đội 2, Tiểu đoàn 7, tâm sự: Công việc giúp dân vất vả, nhưng được đóng góp công sức nhỏ bé vào xây dựng nông thôn mới, cho nên ai cũng phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Phượng Hùng 1, cho biết: Việc nạo vét tuyến kênh mương nội đồng không chỉ bảo đảm cho hàng trăm ha lúa và hoa màu của nhân dân địa phương không bị ngập úng trong mùa mưa bão mà còn tạo thuận lợi để địa phương kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng. Bà con trong thôn, xã, ai cũng phấn khởi và cảm ơn bộ đội nhiều lắm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()