Những người kết nối yêu thương
(LSO) – Những năm gần đây, hoạt động nhân đạo, từ thiện vì cộng đồng đã trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút các cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân tham gia giúp đỡ người nghèo, đối tượng yếu thế. Có được hiệu ứng tích cực đó, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ tình nguyện viên thuộc các hội, nhóm, câu lạc bộ (CLB), nhà hảo tâm từ thiện trên địa bàn tỉnh.
Dù chỉ có thu nhập ít ỏi từ công việc bán bánh mì buổi sáng nhưng 11 năm qua, anh Trần Văn Thuận, chủ xe bánh mì Như Ý tại sân vận động Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn đã trích ra một phần thu nhập làm từ thiện để giúp các đối tượng khó khăn, người yếu thế trong cộng đồng. Mỗi năm, anh đều phối hợp với Thành đoàn Lạng Sơn dành tặng từ 20 triệu đồng để mua xe đạp, sách, vở trao cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Anh Thuận chia sẻ: Tuy cuộc sống gia đình còn khó khăn, nhưng sau mỗi lần góp một chút tấm lòng của mình đến với các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các em học sinh nghèo, tôi thấy vui và có thêm động lực để lao động.
Câu lạc bộ Tóc Lạng Sơn trao tiền hỗ trợ cho người thân gia đình chị Nông Thị Như, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng bị tai nạn giao thông
Em Đoàn Văn Hội, xã Hoàng Đồng thành phố Lạng Sơn (được nhận xe đạp của anh Thuận trao tặng từ năm 2019) cho biết: Năm 2019, năm học lớp 9, em được nhận xe của chú Thuận trao tặng, cho đến nay chiếc xe đạp vẫn theo em trên các hành trình như: đi học, đi lại phụ giúp công việc gia đình… Chiếc xe như một người bạn đồng hành cùng em hằng ngày và giúp em di chuyển thuận tiện hơn. Em hứa sẽ cố gắng học tập trở thành người có ích cho xã hội.
Còn đối với CLB Tóc Lạng Sơn, tuy mới được thành lập cuối năm 2020, nhưng CLB đã có những hoạt động thiện nguyện thiết thực, sẻ chia với các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đơn cử như trong 2 tháng đầu năm 2021, CLB đã hỗ trợ 24,5 triệu đồng cho gia đình chị Lường Thị Chanh, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn xây nhà tình nghĩa; hỗ trợ hơn 42 triệu đồng cho gia đình chị Nông Thị Như, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng bị tai nạn giao thông…
Anh Phạm Văn Huy, thành viên CLB Tóc Lạng Sơn, Chủ tiệm Salon Tóc Sáng Huy, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Cuối năm 2020, có 5 tiệm làm tóc trên địa bàn thành phố xuất phát từ lòng hảo tâm, muốn được chia sẻ khó khăn với những đối tượng yếu thế, chúng tôi đã quyết định thành lập CLB để thực hiện các hoạt động thiện nguyện. Ngoài ra, tiệm tóc Sáng Huy của tôi cũng thường xuyên tổ chức các đợt cắt tóc miễn phí cho học sinh các trường tiểu học, THCS ở các xã vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tổ chức cắt tóc gây quỹ từ thiện để mua những suất quà tặng cho người nghèo vào các dịp lễ, tết trong năm.
Trên đây chỉ là hai trong số hàng chục CLB, nhóm thiện nguyện, cá nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh nhiệt tình với các hoạt động thiện nguyện, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cho các đối tượng nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Theo thống kê chưa đầy đủ của các cấp hội chữ thập đỏ trong tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 20 nhóm, CLB, hội tự phát thường xuyên tổ chức các hoạt động thiện nguyện vào các dịp lễ, tết trong năm hoặc tổ chức kêu gọi, vận động ủng hộ tiền, hỗ trợ đột xuất cho các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn… Tính riêng trong năm 2020, thông qua các hội, CLB, nhóm tự phát đã hỗ trợ cho trên 1.000 lượt người nghèo, người yếu thế, với các hình thức hỗ trợ như: Xây nhà tình nghĩa, thăm, tặng quà, trao sổ tiết kiệm, hỗ trợ đột xuất, hỗ trợ vùng dịch, thiên tai, hỏa hoạn… với tổng trị giá đạt trên 1 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Trong những năm qua, công tác từ thiện, nhân đạo trong tỉnh đã ngày càng tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng. Các hình thức hỗ trợ, giúp đỡ ngày càng đa dạng, thiết thực nhằm chia sẻ kịp thời đến với các đối tượng yếu thế. Có được kết quả trên, một phần nhờ ý thức của các tầng lớp Nhân dân đối với công tác thiện nguyện và sự hưởng ứng tích cực và nhiệt tình trong hoạt động thiện nguyện của các nhóm, tổ chức, CLB thiện nguyện trong tỉnh. Qua đó, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh đã được giúp đỡ, sẻ chia ngày càng nhiều và có thêm động lực, điều kiện vươn lên dần ổn định cuộc sống.
Nhìn chung, các thành viên trong nhóm, hội, CLB thiện nguyện thuộc nhiều thành phần, tuổi tác, nghề nghiệp và mỗi hội, nhóm, CLB đều có những quy chế hoạt động, hình thức giúp đỡ, đối tượng hướng đến khác nhau. Song ở họ đều có chung tinh thần “sẻ chia yêu thương” và mong muốn qua những việc mình làm lan tỏa tình yêu thương, đùm bọc, hướng đến một xã hội văn minh, giàu đẹp.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()