Những người kết nối bảo tàng với công chúng
– Đối với mỗi bảo tàng, để khách tham quan có thể hiểu và những hiện vật, tư liệu “sống lại” truyền tải được thông điệp quá khứ, không thể không kể đến vai trò của đội ngũ thuyết minh viên. Họ được xem là sợi dây kết nối bảo tàng với công chúng bằng những câu chuyện lịch sử.
Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 2 bảo tàng chính gồm: Bảo tàng tỉnh (thành phố Lạng Sơn) và Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn); có 5 nhà trưng bày, nhà lưu niệm tại các huyện: Chi Lăng, Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn. Đây là những nơi lưu giữ các hiện vật, tư liệu, tài liệu hình ảnh về mảnh đất, con người Xứ Lạng theo suốt chiều dài lịch sử.
Thuyết minh viên của Bảo tàng tỉnh giới thiệu về các hiện vật tại nhà trưng bày đến khách tham quan
Đến Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn một ngày giữa tháng 5/2022, chúng tôi chứng kiến chị Lương Thúy Hồng, cán bộ Phòng Nghiệp vụ bảo tàng đang say mê giới thiệu giá trị của trống đồng Na Dương đến các học sinh Trường THPT Hội Hoan, huyện Văn Lãng. Gắn bó với công việc thuyết minh bảo tàng đến nay đã được hơn 9 năm nhưng mỗi lần nhận nhiệm vụ tiếp đoàn khách tham quan, chị Hồng lại không khỏi xúc động và tự hào.
Chị Hồng cho biết: Tôi vốn đam mê tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán của các dân tộc từ nhỏ nên tôi đã lựa chọn học tại Khoa Bảo tàng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, trở về quê hương, may mắn tôi được về công tác đúng chuyên ngành. Mỗi hiện vật, tài liệu, tư liệu ở đây là một bài học lịch sử sống động giúp tôi thêm hiểu về mảnh đất và con người Xứ Lạng. Vì lẽ đó, khi thực hiện công việc thuyết minh, tôi đều cố gắng truyền tải hết ý nghĩa, câu chuyện ẩn chứa sau mỗi hiện vật đến với khách tham quan.
Không giống như chị Hồng, chị Phạm Thị Thanh Hà, Thuyết minh viên Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Bắc Sơn là một người “tay ngang”, không được đào tạo chuyên môn sâu về lĩnh vực bảo tàng, di sản. Tuy nhiên, bằng lòng nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, hơn 3 năm qua, chị Hà vẫn từng ngày chuyển tải những thông điệp của quá khứ ẩn chứa trong mỗi hiện vật đến với du khách gần xa.
Chị Hà chia sẻ: Trung bình mỗi năm, bảo tàng đón hơn 7.000 lượt khách tham quan, do vậy, để tạo sự hài lòng giúp du khách được trải nghiệm tốt nhất khi tới bảo tàng, tôi không chỉ áp dụng các kiến thức qua các lớp tập huấn mà còn không ngừng tự học hỏi, nâng cao trình độ, mỗi đối tượng khách đến tham quan bảo tàng, tôi lại đổi mới cách thuyết minh để phù hợp. Sau mỗi lần thuyết minh, nhận được những lời khen, động viên là tôi như được tiếp thêm động lực để gắn bó, yêu nghề hơn.
Chị Hồng, Chị Hà chỉ là hai trong số 8 thuyết minh viên tại các bảo tàng, nhà trưng bày, khu lưu niệm trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ này chính là những người hướng dẫn, giải thích, tạo sự liên kết đầy đủ, chính xác giữa những hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng giúp khách tham quan hiểu rõ hơn giá trị của mỗi hiện vật, hình ảnh. Hiện nay, 100% thuyết minh viên làm việc tại các bảo tàng, nhà trưng bày, khu lưu niệm có trình độ cao đẳng trở lên và đều có chứng chỉ nghề. Được biết, tại một số điểm, ngoài đội ngũ thuyết minh viên còn có sự tham gia của đội ngũ cộng tác viên. Đơn cử như tại di tích Nhà số 8 phố Chính Cai vào những đợt cao điểm hoặc các ngày lễ lớn có nhiều du khách, ban quản lý đã huy động thêm giáo viên Trường Tiểu học, Trường THCS Hoàng Văn Thụ tham gia giới thiệu.
Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên, mỗi năm 1 hoặc 2 lần, các đơn vị cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng truyền đạt, thuyết minh phục vụ khách tham quan hoặc tổ chức cho cán bộ đi tham quan, học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các bảo tàng bạn… Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Bên cạnh sự nỗ lực của các thuyết minh viên, để những cán bộ này thành thục hơn trong chuyên môn và tác phong, thời gian qua, sở đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng như: tổ chức các hội thi thuyết minh viên giỏi; tổ chức tập huấn; cấp chứng chỉ đối với những người đủ tiêu chuẩn; đưa thuyết minh viên học tập kinh nghiệm thực tế tại các tỉnh bạn như: Quảng Ninh, Lào Cai… Từ đó, giúp các thuyết minh viên phát huy được khả năng của bản thân và thêm nhiệt huyết với nghề.
Có thể thấy, điểm chung của những thuyết minh viên bảo tàng chính là niềm đam mê mãnh liệt với nghề. Họ thật xứng đáng được gọi là những người kết nối bảo tàng với công chúng, là những “sứ giả” kể câu chuyện của quá khứ. Mỗi câu chuyện chứa đựng trong đó lịch sử, văn hóa, những danh nhân anh hùng của đất và người Xứ Lạng.
Ý kiến ()