Những người “góp nhặt ký ức”
– Bảo tàng tỉnh hiện là nơi lưu giữ rất nhiều tư liệu, hiện vật phản ánh lịch sử, văn hóa Lạng Sơn. Để có được nguồn tài liệu, tư liệu, hiện vật như vậy, bằng lòng yêu nghề, đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo tàng – những người “góp nhặt ký ức” đã vượt qua khó khăn, vật lộn với thời gian sưu tầm hiện vật, góp phần lưu giữ lại những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất Lạng Sơn.
Đến Bảo tàng tỉnh những ngày cuối tháng 3/2021, chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện với anh Nguyễn Gia Quyền, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng – người đã có thâm niên hơn 10 năm làm công tác sưu tầm hiện vật.
Tản mạn bên chén trà nóng, anh Quyền trải lòng: Đến với nghề từ năm 2010, trải qua nhiều thăng trầm, tôi thực sự yêu cái nghề “sống với những ký ức” này. Nghề của chúng tôi đâu kể thời gian, mưa nắng, mỗi đợt sưu tầm khảo sát thực địa, chúng tôi thường đi từ 3 đến 5 ngày liên tục. Ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa thì cực vất vả, thậm chí có những lúc không thể đi nổi vì gặp lũ lên bất thường ở các ngầm tràn, suối…
Cán bộ Bảo tàng tỉnh sưu tầm hiện vật khảo cổ học tại hang Đồng Hang, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng
Đi nhiều, vất vả nhiều nên anh cùng các đồng nghiệp có không ít lần đối mặt với hiểm nguy và những chuyến công tác đã trở thành kỷ niệm đáng nhớ với mỗi cán bộ sưu tầm hiện vật. Anh Quyền kể: Năm 2019, trong kế hoạch của bảo tàng, chúng tôi tiến hành khảo sát các địa danh và sưu tầm các tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ tại các huyện: Văn Lãng, Tràng Định, Cao Lộc… Do khoảng cách của các địa danh khá xa, chúng tôi phải đi bộ đường rừng từ 5 đến 7 km, thậm chí khi đi phải mang cả mỳ tôm, lương khô, thịt hộp để ăn. Gian khổ, thiếu thốn, nguy hiểm là vậy nhưng nghĩ đến trách nhiệm người làm nghề, chúng tôi vẫn luôn hăng say, tận tụy với công việc.
Nếu như các chú, các anh khi làm một cán bộ sưu tầm hiện vật đã khó khăn thì các cô, các chị làm nghề này càng phải đối mặt với những vất vả gấp bội. Chị Dương Thùy Linh, cán bộ Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh là một trong số đó. Công tác tại Bảo tàng tỉnh đã gần 7 năm, khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để chị Linh có nhiều trải nghiệm với nghề. Chị Linh cho biết: Vốn tốt nghiệp đại học ngành báo nên khi mới bước vào làm công tác sưu tầm hiện vật, tôi rất bỡ ngỡ. Nhiều lần theo các anh chị đi cơ sở để sưu tầm, tìm kiếm hiện vật, tôi thấm thía được phần nào sự vất vả của nghề. Những lần gửi con để đi quay phim tư liệu các loại hình văn hóa phi vật thể thâu đêm, những lần băng rừng, lội suối cùng đoàn, lần thì gặp rắn rết, lần thì lạc trong hang động chỉ với chiếc đèn pin nhỏ, chưa kể những khó khăn, thiếu thốn về nơi ăn chốn ở trong sinh hoạt khi phải bám cơ sở… Thế nhưng, qua những chuyến công tác như vậy, tôi thấy rất thú vị và muốn gắn bó với công việc này.
Anh Quyền, chị Linh chỉ là 2 trong 7 cán bộ chính đang đảm nhiệm công tác sưu tầm hiện vật tại Bảo tàng tỉnh. Công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi một bảo tàng, bởi tư liệu hiện vật giống như “xương sống” quyết định sự tồn tại và phát triển của bảo tàng. Do đó, các cán bộ sưu tầm có sứ mệnh đặc biệt, là những người đi tìm ký ức. “Hành lý” mang theo trên mỗi hành trình của họ là lòng đam mê và nhiệt huyết, không quản ngại khó khăn đến mọi bản làng trên mảnh đất Xứ Lạng để sưu tầm.
Nhờ đó, những năm qua, các cán bộ sưu tầm luôn nỗ lực, bằng nhiều giải pháp, kỹ năng nghiệp vụ thu thập về rất nhiều tư liệu, hiện vật cho bảo tàng, phục vụ công tác trưng bày, nghiên cứu. Chỉ tính từ năm 2014 đến năm 2016, các cán bộ của bảo tàng đã sưu tầm được hơn 1.000 hiện vật cổ sinh có niên đại khoảng 114.000 năm cách ngày nay, nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Tiêu biểu là các hiện vật tại hai di chỉ: hang Cốc Mười (xã Chí Minh, huyện Tràng Định) và hang Pác Đây (xã Trùng Quán, huyện Văn Lãng). Từ năm 2016 đến năm 2020, các cán bộ bảo tàng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn trung ương khảo sát, sưu tầm hiện vật thuộc các loại hình: lịch sử cách mạng, khảo cổ học (8 đợt) tại các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn… sưu tầm được gần 1.600 hiện vật, tài liệu.
Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu sưu tầm tại bảo tàng còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu cán bộ có chuyên môn sâu về nghiên cứu cũng như kinh phí để phục vụ nhiệm vụ được giao. Nhưng với tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, họ không quản ngại ngày đêm, mưa gió, khắc phục khó khăn, gian khổ, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần lưu giữ các giá trị lịch sử văn hóa của mảnh đất Lạng Sơn cho đời sau.
Có thể thấy, điểm chung của những cán bộ nghiên cứu, sưu tầm hiện vật chính là niềm đam mê mãnh liệt với nghề. Họ thật xứng đáng được gọi là những người “góp nhặt ký ức”. Mỗi hiện vật được sưu tầm chứa đựng trong đó hồn cốt, giá trị lịch sử, văn hóa của đất và người Xứ Lạng.
Đến hết tháng 2/2021, Bảo tàng tỉnh có khoảng 63.000 tài liệu, hiện vật thuộc các loại hình: mẫu tài nguyên khoáng sản, dân tộc học, lịch sử cách mạng, khảo cổ học…; hơn 7.000 ảnh tư liệu, tư liệu chữ viết… đang được lưu giữ trong kho cơ sở. Số lượng hiện vật sưu tầm hằng năm từ 250 đến 300 hiện vật. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ cán bộ, viên chức Bảo tàng tỉnh, đặc biệt là những cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm. |
Ý kiến ()