Những người đón Xuân trên tuyến đầu chống dịch COVID-19
Mai vàng, đào thắm đã nở, nhiều bác sỹ cũng gạt nước mắt nhớ mâm cỗ cúng Giao thừa bên gia đình. Mùa Xuân chỉ đến với họ khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Tết Nguyên đán đã hiện diện khắp mọi nơi, nhưng ở nhiều bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19, dường như đội ngũ y bác sỹ không còn khái niệm Tết. Với họ, nhịp độ khẩn trương, hối hả vẫn thường trực, đặc biệt khi các ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt.”
Xuyên ngày đêm vì người bệnh
Nhiều tháng nay, khi số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 trên cả nước gia tăng, đội ngũ y bác sỹ đã phải gồng mình, quay cuồng chiến đấu với tử thần, giành giật sự sống cho người bệnh.
Đặc biệt trong tháng 11, 12 (năm 2021), lượng bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội, các tỉnh miền Bắc và phía Nam tăng rất nhanh. Mỗi ngày trên toàn quốc đều có hơn 15.000 ca bệnh và hơn 200 trường hợp tử vong. Dù hơn 90% F0 được điều trị tại nhà và các cơ sở tầng 1 nhưng áp lực bệnh nhân tăng nhanh cũng khiến số ca phải chuyển điều trị lên tầng 2-3 tăng theo.
Trước tình hình ấy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) đã chuyển đổi hoàn toàn công năng thành Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô 500 giường ICU. Đây là cơ sở điều trị nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch nhất miền Bắc từ trước tới nay. Trong tình huống bệnh nhân quá nặng tăng nhanh, bệnh viện sẽ tận dụng mọi vị trí, điều kiện, để “cơi nới” lên thành 600 giường ICU.
Thạc sỹ Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết khoảng 2 tháng gần đây, số ca nặng luôn cao nhất từ trước tới nay khiến Khoa phải triển khai, mở rộng quy mô đến 200% công suất giường so với kế hoạch.
Theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp – Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện cả 560 giường thường xuyên kín bệnh nhân nên ngày thường cũng như ngày Tết, Bệnh viện phải duy trì đủ nhân lực cho gần 600 giường bệnh.
Hiện, bệnh viện có 570 nhân viên y tế có kinh nghiệm 2 năm điều trị COVID-19 từ nhẹ đến nguy kịch. Ngoài ra, nơi đây còn có một lượng học viên sau đại học của Đại học Y Hà Nội thực tập tại bệnh viện, các bác sĩ nội trú, các đơn vị/tỉnh khác cử học viên về học chuyên môn/kỹ thuật; một nhóm tình nguyện viên có chuyên môn y khoa cũng đang hỗ trợ. Như vậy, tổng cộng, tại bệnh viện có khoảng 700 nhân viên y tế và tình nguyện viên thường xuyên có mặt để chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo bác sỹ Cấp, bệnh nhân đông và trong tình trạng nặng khiến nhân viên y tế làm việc hoàn toàn không có khái niệm thời gian, ngày nghỉ hay lễ Tết. Những ngày Tết Dương lịch vừa qua, khi vẫn có 500 F0 tầng 3 đang điều trị, 700 thầy thuốc, tình nguyện viên vẫn miệt mài làm việc, không được bên cạnh gia đình, con cái. Cán bộ y tế cũng làm việc liên tục các ngày trong tuần, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình giờ lao động mỗi tuần theo quy định và chắc chắn với Tết Nguyên đán, cường độ làm việc sẽ vẫn như vậy.
Qua “3 cái Tết” mới về nhà
Ở một góc khác, mấy tháng gần đây, nhiều bệnh viện ở Hà Nội vẫn liên tục cử các đoàn y bác sỹ vào chi viện các tỉnh phía Nam phòng chống dịch COVID-19.
Ngày 11/12/2021, đoàn y bác sỹ của Bệnh viện Nhi Trung ương từ Hà Nội vào Trung tâm hồi sức COVID-19 ở Vĩnh Long để cùng đội ngũ nơi đây chăm lo cho người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch.
Thạc sỹ Nguyễn Trọng Dũng, Trưởng đoàn công tác cho hay tại Trung tâm có hơn 110 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Hiện có 66 y bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, 10 điều dưỡng của Bệnh viện Nội tiết Trung ương “3 cùng” với khoảng 60 đồng nghiệp tại Vĩnh Long chiến đấu giành sự sống cho người bệnh.
Bác sỹ Dũng chia sẻ cường độ công việc lớn, áp lực đè nặng lên vai cùng nguy cơ lây nhiễm cao khiến nhiều lúc các y bác sĩ không tránh khỏi có những phút giây tưởng muốn kiệt sức. Họ động viên nhau cố gắng gấp đôi, gấp 3… để thấy bệnh nhân hồi phục và coi đó liều thuốc tinh thần vô cùng hữu hiệu tiếp thêm động lực và niềm tin.
Phó giáo sư Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đến nay đã có khoảng 150 “chiến binh” áo trắng vững tay nghề, liên quan đến điều trị hồi sức, chăm sóc người bệnh hồi sức của Bệnh viện Nhi Trung ương lần lượt vào làm việc tại Trung tâm hồi sức COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, chưa kể đến đội ngũ hậu cần, công tác xã hội…
Khi nói về việc phải đón Tết xa nhà, bác sỹ Dũng cho hay trước ngày nhận nhiệm vụ, cả đoàn đều xác định chuyến công tác phải ít nhất 8 đến 10 tuần mới về. Cả đội bảo phải đón “3 cái Tết” phương Nam xong mới về Hà Nội, đó là Tết dương lịch, Tết âm lịch và Tết nguyên tiêu – Rằm tháng Giêng.
Trong thời gian qua, Việt Nam đang phải đối mặt với đợt dịch vất vả bởi sự quay trở lại của đại dịch toàn cầu COVID-19 với sự lây nhiễm của biến chủng Delta ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội và thách thức hệ thống y tế. Áp lực này chồng chất nỗi lo khác, nhưng các thầy thuốc không đầu hàng vì sức khỏe của người dân. Mỗi một bệnh nhân được cứu sống với họ là trách nhiệm, là y đức, là món quà tinh thần, là điểm tựa để họ tiếp tục chặng đường gian lao phía trước.
Mai vàng, đào thắm đã nở, nhiều bác sỹ cũng gạt nước mắt nhớ mâm cỗ cúng Giao thừa bên gia đình. Nhưng với họ, niềm vui ấy sẽ là vô nghĩa khi ngoài kia tử thần vẫn đang rình rập cướp đi sinh mạng của bệnh nhân. Mùa Xuân chỉ đến với họ khi dịch bệnh được đẩy lùi. Bởi vậy, họ chọn mùa Xuân ở lại nơi tuyến đầu chống dịch…/.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()