Chủ nhật, 24/11/2024 02:56 [(GMT +7)]
Những người đánh thức và gieo mầm thiện
Thứ 5, 02/08/2012 | 08:48:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Đã nhiều năm làm công tác giáo dục, cải tạo, hướng thiện cho phạm nhân, bao lần tiếp nhận đối tượng phạm tội vào trại rồi lại chứng kiến ngày họ được đặc xá, ra tù thế nhưng đến khi được đọc những câu chữ xuất phát từ trái tim của phạm nhân về “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, đại tá Hoàng Quang Vọ- Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Lạng Sơn vẫn không giấu nổi sự xúc động. Như những người lặng lẽ lái đò qua sông, chân thành và bình dị- chính tình người nơi đây đã giúp các phạm nhân dần xoá đi mặc cảm lỗi lầm và phục thiện.
Văn nghệ là một trong những hoạt động hướng thiện cho phạm nhân
Trại tạm giam Công an tỉnh hiện giam giữ gần 400 can phạm và 150 phạm nhân với đầy đủ thành phần và các loại tội phạm: từ ma túy, cố ý gây thương tích, buôn bán phụ nữ và trẻ em cho đến những tội phạm nghiêm trọng khác. Trong số đó có những người là đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng mắc các căn bệnh xã hội và cả người nhiễm HIV nên công tác quản lý vô cùng khó khăn, vất vả. Để phục vụ tốt cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cải tạo người lầm lỗi trở thành công dân có ích cho xã hội, Trại tạm giam Công an tỉnh luôn thực hiện tốt nội dung của Thông tư số 16 về công tác cảnh sát quản giáo, thực hiện 4 biết: biết mặt, biết họ tên, biết lý lịch, tội danh, biết diễn biến tư tưởng để từ đó có biện pháp phù hợp. Công tác giáo dục can, phạm nhân được đặc biệt coi trọng. 100% can, phạm nhân khi vào trại được học tập về nội quy, quy chế trại giam, pháp lệnh về thi hành án phạt tù và quy định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù. Các chế độ đối với phạm nhân như ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh, thăm gặp gia đình, xét tha, xét giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn được thực hiện đúng quy định.
Là một trong những cán bộ gắn bó lâu năm với Trại Tạm giam Công an tỉnh, trung tá Dương Thời Khang- cán bộ giáo dục phân trại cải tạo chia sẻ: Với những phạm nhân mới vào, chúng tôi phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu lý lịch, quá trình phạm tội cũng như hoàn cảnh gia đình của họ để có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp. Những người mới vào tư tưởng thường chưa ổn định, lúc nào cũng hoang mang, lo sợ nên việc thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với sự chân thành giúp họ xóa đi mặc cảm, động viên họ yên tâm cải tạo tốt để nhận được được chính sách khoan hồng của Nhà nước được thực hiện tốt. Bên cạnh chú trọng công tác giáo dục, Trại cũng thường xuyên tổ chức cho phạm nhân được học kỹ năng sống, học nghề trong lao động cải tạo để khi các phạm nhân mãn hạn tù có thể vận dụng vào cuộc sống và trang bị kiến thức để tái hoà nhập cộng đồng. Nhiều phạm nhân khi ở gia đình được nuông chiều nên chỉ biết chơi bời lêu lổng, lúc vào đây còn vụng về, lóng ngóng thế mà nay cuốc đất, trồng trọt và chăn nuôi thành thạo như những người nông dân thực thụ. Biết tự tay sửa cho mình chiếc áo bị hỏng và còn biết gói bánh chưng trong dịp lễ tết. Ngoài ra phạm nhân được tiếp nhận các kiến thức về nghề điện tử, may mặc…qua đó đã đem đến cho phạm nhân một niềm tin về tương lai ổn định, tươi sáng hơn, kiếm tiền từ sức lao động chân chính của mình.
Trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân được trại chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần như được đọc sách, báo, xem ti vi, nghe đài; sinh hoạt văn hóa- văn nghệ, thể dục thể thao; ngày lễ, ngày tết phạm nhân còn được tham gia các trò chơi dân gian như: cờ tướng, kéo co, giao lưu thể thao. Qua đó xoá bỏ mặc cảm, cố gắng tu dưỡng, rèn luyện và phục thiện. Thượng tá Nông Văn Lung- phó giám thị Trại tạm giam khẳng định: Để cải tạo phạm nhân trở thành người lương thiện, trước hết người cán bộ quản giáo cần có một tấm lòng bao dung, không định kiến. Chính điều này đã làm cho phạm nhân yên tâm cải tạo tốt, được đặc xá và mãn hạn tù để trở về với gia đình cộng đồng, có công ăn việc làm và không tái phạm.
Đại uý Nông Quốc Thắng- người trực tiếp làm công tác quản giáo và lao động cải tạo cho biết: cái khó của công tác này là có nhiều đối tượng nghiện ma tuý và phạm nhân còn dao động về tư tưởng, do vậy tinh thần lao động cải tạo rất yếu, không tích cực. Đặc biệt như trường hợp của Nguyễn Văn Kiên ở Hà Nội phạm tội “mua bán, vận chuyển tiền giả”. Do người quen rủ rê, Kiên đã tham gia vận chuyển tiền giả, bị xử 3 năm tù giam. Cảm giác bị oan sai và không bằng lòng với mức án, thời gian đầu Kiên bị hoảng loạn về tâm lý, thường xuyên bỏ ăn, suy nhược cơ thể, có biểu hiện u uất nhiều lần đòi tự sát. Nắm bắt được hoàn cảnh và tâm lý của phạm nhân, các quản giáo đã dành nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ với Kiên, phân tích để Kiên nhận ra lỗi lầm và trách nhiệm của mình.
Bằng tấm lòng nhân ái, gần gũi, thấu hiểu và chia sẻ, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh đã cảm hóa được phạm nhân, đánh thức mầm thiện trong tâm hồn những con người tội lỗi. Nhìn các phạm nhân đang từng ngày thay đổi, có ý thức cải tạo, phấn đấu, ai nấy cũng đều vui mừng. Rất nhiều phạm nhân cải tạo tốt, sau khi ra tù đã hướng thiện, làm lại cuộc đời và thành công trong cuộc sống, từ năm 2010 đến nay chưa có trường hợp nào tái phạm phải quay trở lại trại. Đối với những người làm công tác quản giáo thì đó chính là niềm hạnh phúc ý nghĩa nhất
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()