Những người “đa nghi” nhất tòa soạn
(LSO) – Sau một ngày dài làm việc ở tòa soạn, dù muộn, nhưng tôi có thói quen cố hữu là la cà dăm chục phút ở quán nước vỉa hè cạnh cơ quan. Ấy là khoảng thời gian để xem lại những trang báo sớm mai sẽ xuất bản (trên điện thoại thông minh), tổng kết lại việc đã làm trong ngày và suy nghĩ về phần việc của hôm sau. Qua cả nghìn những chiều muộn “tổng kết” ấy, tôi nhận ra điểm rất thú vị của cán bộ Phòng Thư ký Tòa soạn: Họ là những người “đa nghi” nhất của Báo Lạng Sơn.
Tôi có khoảng 10 năm làm phóng viên, quản lý phòng phóng viên. Quãng thời gian ấy việc xử lý thông tin cũng đã tương đối phức tạp. Đối với phóng viên, việc tiếp nhận thông tin khá đa dạng, từ mạng xã hội, báo cáo của các ngành, từ quan sát, phỏng vấn, từ cơ sở… Việc tìm hiểu, sàng lọc, xác thực các nguồn thông tin ấy và cân nhắc thể hiện trong tác phẩm là cả một quy trình đầy cẩn trọng.
Cán bộ Phòng Thư ký Toà soạn trao đổi nghiệp vụ về trình bày báo. Ảnh: ĐỖ HOẠT
Quản lý phòng có từ 7 đến 10 phóng viên, việc xử lý nhân lên bằng ấy lần. Việc tiếp nhận và xử lý thông tin mà phóng viên đưa về đã phải rất “đa nghi”. Đa nghi bởi người quản lý tiếp nhận thông tin qua thực tiễn, góc nhìn của một chủ thể khác. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: nó có đúng với thực tiễn không? Đúng thực tiễn rồi, thể hiện thế đúng chủ trương chưa?… Không phải là không tin phóng viên, nhưng để đảm bảo chính xác, khách quan, buộc quản lý phải “vặn vẹo”, tra đi, hỏi lại từng chi tiết, bởi người quản lý không thể đến tận nơi để thẩm định từng con số, từng chi tiết trong tác phẩm được.
Phòng phóng viên đã thế, đến Phòng Thư ký Tòa soạn, sự “đa nghi” ấy nhân lên gấp bội. Trước hết, về lượng thông tin, mỗi ngày bộ phận thư ký tòa soạn, tiếp nhận rất nhiều thông tin (khó có thể lượng hóa) từ bốn phòng phóng viên dồn về và lượng không nhỏ thông tin từ bạn đọc, cộng tác viên. Tất nhiên, những thông tin ấy đã qua xử lý của quản lý phòng phóng viên, nhưng không thể không “đa nghi”, bởi tất cả đều là thông tin thứ cấp. Nguồn thông tin ấy ít nhất đã qua hai lăng kính, hai góc nhìn (của phóng viên và quản lý phòng phóng viên). Bởi vậy, việc trao đổi, xác thực để đảm bảo tính chính xác là công việc thường xuyên; những con số, những chi tiết bất thường cần được làm rõ một cách cẩn trọng. Đây là khâu rất quan trọng là công đoạn “kiểm soát” cuối cùng trước khi đến lãnh đạo Ban Biên tập duyệt và vài tiếng đồng hồ nữa những thông tin này sẽ đến tay cả ngàn bạn đọc.
Thứ hai, Phòng Thư ký Tòa soạn, Báo Lạng Sơn chỉ có hai kỹ thuật viên trình bày; hai biên tập viên và hai quản lý. Tất nhiên biên tập viên và quản lý đều được Ban Biên tập lựa chọn từ những phóng viên có bề dày kinh nghiệm, nhưng mỗi người cũng chỉ thạo một số lĩnh vực nhất định. Trong khi đó, lượng thông tin phải xử lý rất lớn và đa dạng. Đối với việc xử lý thông tin trong lĩnh vực không phải sở trường, ngoài việc phải tự tra cứu, học hỏi thì một trong những yếu tố quan trọng nhất vẫn là… “đa nghi”, trao đổi để chắc chắn độ chính xác, khách quan, đúng định hướng của mỗi tác phẩm.
Đa nghi nhiều sinh ra lắm “tật”: hỏi nhiều, hỏi dai, khó tính và nhiều lúc… cáu nhặng xị. Chúng tôi cũng biết cái “tật” của mình làm nhiều người trong tòa soạn khó chịu lắm. Cũng có lần dặn lòng, bớt “đa nghi” chút ít. Ấy thế mà mới chỉ nghĩ là bớt thôi, sáng hôm sau đã nhận được phản hồi có thông tin đăng tải chưa chính xác, lại hì hụi thẩm tra, rồi trả lời, có trường hợp phải tham mưu viết đính chính. Chỉ mẩu đính chính bé tẹo ấy thôi nhưng hệ lụy rất nhiều.
Có người ví von: Phòng Thư ký Tòa soạn như những người “bày cỗ” hay “đầu bếp”. Nguyên liệu các phòng phóng viên cung cấp rồi, anh phải làm thế nào tạo được nhiều món ngon, hấp dẫn để phục vụ công chúng. Ví thế thì càng phải “đa nghi”, vì nguồn gốc, chất lượng của các nguyên liệu ấy rất quan trọng, không kiểm soát được thì “ngộ độc” ngay.
Có người lại ví: Thư ký Tòa soạn như người đi trên dây, điều này thì tôi không đồng tình. Bộ phận thư ký tòa soạn mà cứ chông chênh như làm xiếc thế thì làm sao mà tham mưu cho Ban Biên tập để tòa soạn báo ổn định, phát triển được. Mà muốn không chông chênh thì phải “đa nghi”. Bộc bạch một phần đặc thù của bộ phận thư ký tòa soạn như vậy, mong các đồng nghiệp thông cảm, “đa nghi” không thể bớt hay bỏ đi được!
Ý kiến ()