Những người chọn ở lại
Bất chấp tình trạng “chảy máu chất xám” kỷ lục xảy ra ở Sri Lanka sau cuộc khủng hoảng kinh tế, một bộ phận trí thức vẫn quyết tâm ở lại để chung tay nỗ lực phục hồi đất nước.
Theo Nikkei Asia, khi Sri Lanka chìm sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế, nha sĩ Lakmal Kulasekara đã chứng kiến nhiều người làm việc trong lĩnh vực của mình thu dọn đồ đạc và rời đi. Dù cho mọi thứ trở nên tồi tệ, anh vẫn quyết tâm ở lại. Chia sẻ về hệ thống giáo dục công miễn phí của quốc gia, anh Kulasekara cho biết: “Việc học tập của tôi được người dân Sri Lanka, bao gồm cả những người nghèo, trả tiền và nếu tôi không trả lại, tôi không phải là đàn ông. Đúng vậy, đất nước gặp khủng hoảng. Nhưng nếu như tất cả mọi người lựa chọn rời đi vì điều này, vậy chuyện gì sẽ xảy ra?”. Là Giám đốc sáng lập của Danthaja Premium Dental Chambers, nơi cung cấp các dịch vụ nha khoa tại một trung tâm mua sắm sang trọng ở thủ đô Colombo, anh Kulasekara đã tìm ra cách riêng của mình để hỗ trợ nền kinh tế của đất nước. Đó là thu hút các khách hàng nước ngoài và thúc đẩy du lịch nha khoa.
Kể từ năm ngoái, khi Sri Lanka vỡ nợ và các cuộc biểu tình buộc ông Gotabaya Rajapaksa phải từ chức tổng thống, hơn 300.000 người dân nước này đã quyết định không thể chờ đợi. Từ các chuyên gia đến người lao động chân tay đã ra nước ngoài để thoát khỏi lạm phát cao, tăng thuế và thiếu hụt trầm trọng nhiên liệu, thực phẩm cũng như thuốc men. Giờ đây, tình trạng “chảy máu chất xám” chưa từng có này đặt ra một thách thức cấp bách đối với chính quyền của người kế nhiệm ông Rajapaksa-Tổng thống Ranil Wickremesinghe. Đây là cuộc chạy đua với thời gian khi các lĩnh vực quan trọng của Sri Lanka như y tế và công nghệ thông tin (CNTT) đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân sự.
Anh Lakmal Kulasekara và các nhân viên của mình tại phòng khám nha khoa ở thủ đô Colombo, Sri Lanka. Ảnh: Nikkei Asia
Chỉ riêng năm 2022, hơn 700 bác sĩ và 125 chuyên gia tư vấn y tế đã rời Sri Lanka. Con số này có vẻ không lớn so với khoảng 20.000 bác sĩ và 2.800 chuyên gia tư vấn ở nước này. Tuy nhiên, cuộc di cư nhanh chóng trong một thời gian ngắn gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với ngành y tế. Tiến sĩ Dharshana Sirisena, Chủ tịch Hiệp hội Nhân viên y tế Sri Lanka cho biết, các bệnh viện do chính phủ điều hành, chủ yếu phục vụ người nghèo và tầng lớp trung lưu, đang phải chịu sức ép lớn.
Ông Sirisena nêu rõ: “Trong hai năm qua, 23 trong số 30 bác sĩ trực thuộc khoa cấp cứu tại các bệnh viện công đã rời khỏi đất nước. Ít nhất 5 bác sĩ thần kinh trong số 29 bác sĩ đã rời đi và trong số 8 người ra nước ngoài để đào tạo, chỉ có 2 người quay trở về”. Ông Sirisena nhấn mạnh, không dễ thay thế những nhân lực này vì phải mất khoảng 7 năm để đào tạo một bác sĩ và ít nhất 10 năm để đào tạo một chuyên gia. Trong khi đó, ngành CNTT ở Sri Lanka cũng đã mất đi rất nhiều nhân tài sau cuộc khủng hoảng kinh tế. Theo Hiệp hội Máy tính Sri Lanka, ít nhất 10.000 kỹ sư CNTT đã rời khỏi nước này.
Bất chấp những áp lực ngày càng lớn do thiếu nhân lực, một số bác sĩ đã ở lại Sri Lanka mà không hề hối tiếc. Cô Yasuni Manikkage, bác sĩ tiết niệu tại Bệnh viện Đa khoa Sri Jayewardenepura ở thủ đô Colombo, cho biết: “Tôi đã nhận được lời đề nghị từ các nước phương Tây. Dù mức lương cao hơn nhưng hạnh phúc cá nhân và sự hài lòng trong công việc thì ít hơn”. Ngành CNTT cũng có các câu chuyện tương tự về những người quyết tâm ở lại. Khi Sri Lanka gặp khó khăn, doanh nhân công nghệ Beshan Kulapala, cựu giám đốc và đồng sáng lập công ty sản xuất thiết bị điện tử Vega Innovations không cân nhắc đến chuyện rời đi.
Anh Kulapala là một trong những người Sri Lanka đã ra nước ngoài học tập, làm việc và quay trở lại để góp sức phát triển kinh tế đất nước. Từng có 9 năm làm việc tại Tập đoàn Intel ở Mỹ, Kulapala chia sẻ anh không bao giờ có cảm giác như ở nhà mặc dù nhận được mức lương rất cao. Một lý do khác là anh không muốn các con mình bị ngắt kết nối với cội nguồn. Theo anh, dù không trở về, những người Sri Lanka ở nước ngoài vẫn có thể đóng góp cho đất nước. Anh Kulapala nhận định: “Người Ấn Độ sống ở Mỹ đã mang các dự án về Ấn Độ. Vì vậy, chúng ta cũng có thể làm điều đó”.
Để phục hồi nền kinh tế, Tổng thống Wickremesinghe đang nỗ lực tái cơ cấu nợ của Sri Lanka, đồng thời thúc đẩy quan hệ với các đối tác quan trọng của nước này như Ấn Độ và Pháp. Nikkei Asia nhận định, một “chìa khóa” khác cho sự hồi sinh nền kinh tế của Sri Lanka có thể là những người quyết định ở lại và gắn bó với nước này, cho dù vì nghĩa vụ hay những lý do khác.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/nhung-nguoi-chon-o-lai-737613
Ý kiến ()