Những người biến sỏi đá thành cơm…
(LSO) – Đó là những người dân bình dị, chất phác ở thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập. Bằng đôi bàn tay cần cù chịu khó và ý chí mãnh liệt, quyết tâm thay đổi cuộc sống, họ đã vượt qua những khó khăn, trở ngại, vươn lên làm giàu. Những mảnh đất cằn cỗi, trơ đá sỏi nơi đây giờ đã được thay thế bằng những đồi chè, những vườn cây ăn quả sum suê… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hầu hết họ đều là người miền xuôi lên đây lập nghiệp và họ đều coi nơi đây thực sự là quê hương thứ hai của mình…
Thị trấn Nông trường Thái Bình được thành lập từ năm 1973 với tổng số 530 hộ (1.830 nhân khẩu). Trước đây, thị trấn Nông trường Thái Bình được biết đến là vùng đất khó khăn, với địa hình chủ yếu là đồi đất đá sỏi, diện tích canh tác lúa, hoa màu ít… nên không đảm bảo cuộc sống cho người dân. Nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, người dân nơi đây đã biến khó khăn thành lợi thế để phát triển sản xuất. Về Nông trường Thái Bình ngày hôm nay sẽ thấy bạt ngàn màu xanh của đồi chè, của rừng thông, của vườn cây ăn trái… tất cả góp phần ổn định cuộc sống ngày càng ấm no, giàu đẹp.
Người dân thị trấn Nông trường Thái Bình thu hái búp chè
Ông Đỗ Đức Định, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Hiện nay, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, đa số người dân đã biết tận dụng, khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Với 80% dân số là người miền xuôi lên đây sinh sống, làm ăn, bà con đều rất yên tâm sinh sống và cống hiến hết mình, coi đây thực sự là quê hương thứ hai của mỗi người.
Đến thăm gia đình ông Đỗ Văn Đồng (khu Đoàn Kết, thị trấn Nông trường Thái Bình), trước mắt chúng tôi là cơ ngơi khang trang nằm bên cạnh xưởng sản xuất chè với nhiều máy móc hiện đại. Bên ấm trà xanh và qua câu chuyện ông kể, chúng tôi hiểu rằng để có được thành quả như ngày hôm nay là cả quá trình phấn đấu, dựng xây.
Ông Đồng chia sẻ: Tôi quê ở Hưng Yên. Sau những năm tháng đóng quân trong miền Nam, đến năm 1978 tôi lên đây theo diện công nhân quốc phòng. Hồi đó, cơm không đủ ăn, gia đình phải khai hoang trồng chè, khoai, sắn… để lo ăn qua ngày. Đã có lúc tôi thấy nản lòng, muốn xin về quê chứ không thể tiếp tục sống ở đây nữa….
Nhưng dường như cái duyên giữa ông với mảnh đất này quá bền chặt nên ông quyết chí làm đến cùng. Đến ngày hôm nay, sau khoảng thời gian học hỏi kinh nghiệm và sự giúp đỡ của chính quyền, xưởng chè của gia đình ông đã có chỗ đứng riêng và cho thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động tại đây.
Không chỉ tận dụng thế mạnh phát triển, chế biến sản phẩm từ cây chè, người dân Nông trường Thái Bình còn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo đất để quy hoạch thành vườn cây ăn quả. Sắp bước sang tuổi 70 nhưng cựu chiến binh Nguyễn Công Tiệm (khu I, thị trấn Nông trường Thái Bình) vẫn nhanh nhẹn và hoạt bát, sôi nổi tham gia phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Chúng tôi ấn tượng hơn nữa khi biết cả vạt chè xanh ngát trên đồi, bảy ao cá xung quanh nhà và vườn cây ăn quả nào mít, nào cam, nào ổi,… đều do hai bàn tay của đôi vợ chồng ông gây dựng nên.
Ông Tiệm chia sẻ: Tôi tham gia hơn 20 năm quân ngũ, cũng vào Nam ra Bắc, rồi tham gia chiến đấu trên đất bạn Lào. Năm 1989, trở về thành thương, bệnh binh, ở dưới xuôi đất chật người đông nên khi Nhà nước phát động làm kinh tế mới, cả gia đình quyết tâm lên đây lập nghiệp… Hồi mới lên khổ không từ nào diễn tả hết, rừng núi âm u mù mịt, đi mỏi chân mới gặp lán có người ở, cơm thì bữa đói bữa no… Trải qua bao năm tháng khó khăn đến nay mới gọi là tạm ổn. Nhìn thành quả đạt được sau bao công sức, mồ hôi đổ xuống, tôi lấy đó làm nguồn động lực, niềm vui, tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục gắn bó với quê hương thứ hai này.
Tiếp nối truyền thống cần cù, yêu lao động của cha ông, chị Phạm Thị Sâm (khu Đoàn Kết, thị trấn Nông trường Thái Bình) cũng quyết định phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất này. Đôi bàn tay thoăn thoắt hái chè, chị Sâm cho biết: Quê gốc của tôi ở Thái Bình nhưng đến nay thì mảnh đất này chẳng khác gì quê hương của tôi. Càng gắn bó với nó, tôi lại càng thấy yêu quý và khát khao được cống hiến, đem sức mình góp phần xây dựng thị trấn ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.
Đó chỉ là ba trong số nhiều người dân thị trấn Nông trường đang vươn lên làm giàu trên quê hương Xứ Lạng, luôn được xem là quê hương thứ hai trong trái tim của họ. Để tiếp tục xây dựng thị trấn Nông trường ngày càng giàu đẹp, ông Đỗ Đức Định, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Thái Bình cho biết thêm: Thời gian tới, thị trấn sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, tạo điều kiện giúp đỡ người dân tham gia các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nhằm áp dụng thực tế, vận động bà con phát triển các thế mạnh trên địa bàn… để xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp phát triển.
Lại một mùa xuân mới đang về trên khắp mọi miền tổ quốc, chúng tôi tin rằng, với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, sự giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, những người miền xuôi lên lập nghiệp, bén duyên với mảnh đất nơi này sẽ còn tiếp tục góp phần đưa thị trấn Nông trường Thái Bình ngày càng phát triển hơn nữa.
Ý kiến ()