Thứ 3, 26/11/2024 15:21 [(GMT +7)]
Những ngôi trường "dân xây"
Thứ 5, 15/04/2010 | 14:28:00 [(GMT +7)] A A
Chúng tôi tới nhiều xã vùng sâu ở Cà Mau và không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp những ngôi trường khang trang, rộng rãi nằm bên bờ các kênh, xáng. Càng ngạc nhiên hơn khi được biết đó là “trường dân xây”. Cách gọi đầy trìu mến ấy, nay đã trở nên quen thuộc để nói về những ngôi trường do các hộ dân tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng trường học, nhằm tạo điều kiện để con em học hành tốt hơn.
Hiến đất xây trường
Tôi gặp bác Doãn Quang Minh, người đã tự nguyện hiến hơn 7 ha đất xây trường tiểu học và THCS tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) khi bác đang lúi húi nhổ cỏ ngoài vườn. Bác kể: “Sau khi rời quân ngũ, tôi về định cư tại thị trấn Sông Đốc. Nơi đây kênh rạch chằng chịt, con em người dân quanh khu vực và các xã lân cận khi đi học phải qua Sông Đốc bằng thuyền. Nếu đến trường huyện thì mất 29 km, trường gần nhất cũng mất 10 km, nên học sinh trong vùng bỏ học nhiều. Tham gia hai cuộc kháng chiến, tôi đã từng trong ranh giới của sự sống và cái chết, từng đau đớn chứng kiến cảnh đồng đội gục ngã trên tay mình. Nay hằng ngày chứng kiến con em phải đi học xa, nhiều cháu thất học, tôi cảm thấy xót xa vì trong đó cũng có con em các đồng đội của tôi ngày xưa, lòng thôi thúc tôi phải làm điều gì đó dù nhỏ nhoi thôi”.
Nghĩ là làm, bác Minh bàn bạc với gia đình tự nguyện hiến 3.000 m2 đất xây Trường tiểu học Sông Đốc 2. Tiếp đó bác hiến tiếp 4.413 m2 đất xây dựng Trường THCS Sông Đốc 2. Chị Nguyễn Thị Kim Toan, Phó Chủ tịch Công đoàn Sở GD-ĐT Cà Mau cho biết: “Khi hay tin có người dân nguyện hiến đất xây trường, chúng tôi không dám tin đó là sự thật, bởi đất ở khu vực thị trấn Sông Đốc rất có giá trị. Hơn nữa, bác Minh đã tự nguyện hiến đất mà không hề tính toán, đòi hỏi điều kiện gì cho mình”.
Còn ở huyện Thới Bình, ông Nguyễn Phong Trần, Trưởng ấp Bình Minh, xã Biển Bạch Đông, tự nguyện hiến hơn 3.000 m2 đất xây trường học khi có một tổ chức nước ngoài hỗ trợ ấp Bình Minh gần một tỷ đồng xây trường tiểu học. Đã gần một năm trôi qua mà huyện vẫn chưa mua được mặt bằng. Ông Trần thầm nghĩ, có kinh phí xây dựng, chỉ chờ mua được mặt bằng là con em trong xóm sẽ có ngôi trường khang trang để học, tiếc gì mà không hiến mảnh đất xây trường. Hôm dẫn chúng tôi ra thăm ngôi trường mọc lên ngay trên mảnh đất trước đó là vườn mía của ông, ông Trần bảo rằng ông rất vui, vì tình hình giáo dục ở xã bây giờ đã thay đổi nhiều lắm: “Muốn cho các cháu có chỗ học, chỗ vui chơi ổn định, kiên cố nên tôi quyết định hiến đất. Về bàn bạc trong gia đình, cả nhà ai cùng gật đầu cái rụp. Còn một số cây dừa gần phòng học và bên ngoài tôi cũng đốn luôn, sợ dừa rụng gây nguy hiểm cho các cháu. Có nền đất, Nhà nước đầu tư cất trường lớp khang trang như vầy, tương lai của tụi nhỏ sau này sáng sủa hơn thế hệ chúng tôi là cái chắc!”. Hiến 3.000 m2 đất để xây trường học, phần đất còn lại của ông không nhiều, tuy nhiên nhờ đó con em trong ấp Bình Minh đã có được ngôi trường khang trang, gần nhà để đi học. Giờ đây thói quen của ông là hai buổi sáng chiều ra ngõ ngồi nhìn lũ trẻ tung tăng đến trường. Ngắm các em chơi đùa trong giờ giải lao, niềm vui hiện rõ trên từng gương mặt thơ ngây, đó cũng là niềm vui của ông Trần.
Còn ông Lê Minh Thành, hiện sinh sống tại ấp 10, xã Khánh Tiến, huyện U Minh đã ba lần hiến gần 5.780 m2 đất để xây Trường tiểu học 2 Khánh Tiến và xây trường mẫu giáo tại ấp 10. Năm 1992, thấy học sinh trong ấp phải đi học xa nhà hàng chục cây số, ông Thành và gia đình đã hiến hơn 2.000 m2 đất mặt tiền để xây dựng năm phòng học cho Trường tiểu học 2 Khánh Tiến. Đến năm 1998, do số lượng học sinh tăng, ngành giáo dục có nhu cầu đất để mở rộng quy mô trường, gia đình ông Thành lại tiếp tục hiến 2.000 m2 đất liền kề với ngôi trường đã xây để xây dựng thêm phòng học mới. Vào đầu năm 2009, địa phương cần 1.700 m2 đất để xây dựng trường mẫu giáo tại ấp 10, ông Thành lại tiếp tục hiến toàn bộ diện tích đất nói trên cho Nhà nước. Với diện tích đất hiện nay của Trường tiểu học 2 xã Khánh Tiến đủ để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Ông tâm sự: “Ngày xưa mình không có điều kiện học, vì trường lúc đó xa nhà quá mà gia đình lại nghèo. Bây giờ nhìn thấy con em đi học xa nên cũng đau lòng, mình có điều kiện thì góp phần cùng lo cho việc học của xã nhà. Chỉ mong các em chăm chỉ học hành để mở mang tri thức, trưởng thành và trở về xây dựng quê hương”.
Nơi gặp gỡ của lòng nhân ái
Theo NGƯT Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, nếu không có sự đóng góp của nhân dân thì việc triển khai xây dựng một số điểm trường trong tỉnh sẽ trở nên khó khăn hơn. Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn giới hạn, một số điểm trường xây dựng mới còn phải huy động từ bên ngoài, việc người dân hiến một phần đất của gia đình để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục là một nghĩa cử cao đẹp. Điều đáng nói, phần lớn những hộ hiến đất còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng vì cảm thông cho con cháu trong xóm phải đi học xa hàng cây số nên họ nhường lại một phần đất sản xuất nuôi sống gia đình họ để xây dựng trường học.
Trường THCS Khánh Thới của xã Thới Bình, huyện Thới Bình khá khang trang với 20 phòng học và phòng chức năng, nhà hiệu bộ trong một khuôn viên rộng rãi. Trường hiện là nơi học tập của hơn 500 em học sinh thuộc các xã lân cận: Thới Bình, Hồ Thị Kỷ, Tân Lộc, Tân Lộc Bắc, thị trấn Thới Bình và xã Khánh An, Nguyễn Phích. Ít ai biết, trường có được như hôm nay là nhờ sự hiến tặng hơn 13.000 m2 đất để địa phương xây trường của cặp vợ chồng nông dân Lý Văn Dần và Tân Thị Ên. Điều này thật quý trọng khi lúc ấy gia đình ông bà rất khó khăn, hai vợ chồng chỉ làm ruộng nhưng có tới tám người con. Để cho các con được ăn, học, ông bà đã nai lưng ra làm, thậm chí phải đi làm thuê, làm mướn. Và nếu như không tính giá đất bây giờ thì vào thời kỳ ấy với những mét vuông đất đã hiến, hai ông bà có thể mở rộng chăn nuôi sản xuất, tăng thu nhập gia đình. Bà Ên thổ lộ: “Địa phương tôi ở hồi trước nghèo lắm, không có trường lớp, các cháu phải đi học rất xa. Đã nghèo mà không được học thì tội lắm, mai sau không biết làm gì. Do vậy, tôi đã lấy đất cha mẹ để lại tặng cho chính quyền xây trường cho các cháu học. Giàu gì mấy tấc đất. Sống ở đời, con người cố giúp nhau để có cái tình cái nghĩa mới vui. Hơn nữa, việc hiến đất làm đường cũng chính là giúp cho con, cháu được thuận lợi trong việc đi lại, học hành…”.
Những năm gần đây, Cà Mau có hàng trăm hộ dân đã hiến hơn 500.000 m2 đất xây dựng trường lớp, xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên, trở thành một trong những tỉnh, thành phố điển hình của cả nước về phong trào hiến đất xây dựng trường học. Phong trào này đang trở thành một mô hình đầy tính nhân văn nở rộ ở nhiều miền quê. Các huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân, U Minh có nhiều gia đình tham gia hiến đất với giá trị khá lớn. Tại huyện Đầm Dơi, người dân đã đóng góp đất đai, tiền của xây dựng hơn 100 căn nhà công vụ giáo viên, nhờ đó huyện đã giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho giáo viên. Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện U Minh Đoàn Việt Khoa cho biết: “Đến nay, có gần 100 nghìn mét vuông đất được người dân hiến để xây dựng trường học và nhà công vụ cho giáo viên. Có gia đình đã hiến trên 10 công đất mặt tiền, trị giá hơn 20 cây vàng để xây dựng trường THPT”.
Chuyện hiến đất xây trường ở Cà Mau ngày càng phổ biến. Xã An Xuyên, một xã vùng sâu sông nước của TP Cà Mau có bảy trường học, thì có đến năm trường điểm được nhân dân hiến đất xây dựng với 18.200 m2. Hiện nay hệ thống trường, lớp học của xã đã được xây dựng kiên cố hóa, nhiều điểm trường đang được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia như: Trường Tiểu học và Trường THCS An Xuyên 1; An Xuyên 2. Ông Huỳnh Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, sự thành công trong phát triển giáo dục của xã An Xuyên không chỉ nằm trong nhà trường mà còn ở ngoài xã hội. Ở đây, người dân rất quan tâm đến chuyện cho con em học tập, họ đã giám sát công tác giáo dục rất tốt. Hiện nay tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học đến trường hằng năm của xã đều đạt 100%, trong xã có rất nhiều gia đình hiếu học có từ 2-3 người con tốt nghiệp đại học, có người học cao học…
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()