Những ngôi nhà nghĩa tình ở Cần Thơ
Lễ công bố hoàn thành những căn nhà Đại đoàn kết quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Chúng tôi đến các gia đình vừa nhận nhà đại đoàn kết ở quận Bình Thủy và huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) đúng vào lúc cả thành phố chìm trong màn mưa trắng xóa. Con đường dẫn chúng tôi đến những ngôi nhà mới xây được lát gạch sạch sẽ.Bà Trần Thị Kiều Oanh, tổ 14KV, Bình Dương, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, mời chúng tôi thăm căn nhà vừa được xây dựng còn thơm mùi vôi với vẻ mặt hân hoan. Nhớ lại những ngày tháng qua, bà tâm tình: "Gia đình tôi có bốn người con, nhà nghèo nheo nhóc, phải ở nhờ nhà mẹ đẻ. Tôi ở trong góc bếp của mẹ, mùa hè nóng như đổ lửa, mùa mưa ẩm thấp, ruồi muỗi nhiều vô kể". Hằng ngày, đi làm thuê, kiếm bữa ăn qua ngày, cuộc sống vất vả nên bà bị gai đôi cột sống, thấp khớp, chạy chữa nhiều nơi bệnh vẫn không giảm. Nhận được tin Ủy ban MTTQ thành phố Cần Thơ phối hợp cùng các đoàn thể tặng nhà "Đại đoàn...
Lễ công bố hoàn thành những căn nhà Đại đoàn kết quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. |
Bà Trần Thị Kiều Oanh, tổ 14KV, Bình Dương, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, mời chúng tôi thăm căn nhà vừa được xây dựng còn thơm mùi vôi với vẻ mặt hân hoan. Nhớ lại những ngày tháng qua, bà tâm tình: “Gia đình tôi có bốn người con, nhà nghèo nheo nhóc, phải ở nhờ nhà mẹ đẻ. Tôi ở trong góc bếp của mẹ, mùa hè nóng như đổ lửa, mùa mưa ẩm thấp, ruồi muỗi nhiều vô kể”. Hằng ngày, đi làm thuê, kiếm bữa ăn qua ngày, cuộc sống vất vả nên bà bị gai đôi cột sống, thấp khớp, chạy chữa nhiều nơi bệnh vẫn không giảm. Nhận được tin Ủy ban MTTQ thành phố Cần Thơ phối hợp cùng các đoàn thể tặng nhà “Đại đoàn kết” cho gia đình bà, ngôi nhà xây cấp 4, rộng 49,5 m2, đầy đủ công trình phụ, sạch sẽ, thoáng mát, bà mừng quá, cả đêm không ngủ được. Bà Oanh xúc động: “Tôi lo cái ăn hằng ngày còn khó, nói gì đến chuyện tiết kiệm xây nhà, tôi chưa bao giờ dám mơ ước được ở trong căn nhà khang trang như thế này, không còn phải lo mưa, nắng thất thường”.
Tại ngôi nhà đại đoàn kết của gia đình chị Huỳnh Thị Tuyết cũng ở quận này, chúng tôi được nghe chị bày tỏ nỗi niềm khi có căn nhà mới. Cả gia đình chị thu nhập chưa đầy hai triệu đồng/tháng, chồng làm phụ hồ, bị bệnh hen bẩm sinh, cứ thời tiết thay đổi là phải nghỉ làm nằm một chỗ. Bản thân chị bị thấp khớp nặng, đi lại khó khăn, con gái sắp đến tuổi đi học, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn mọi bề, ăn còn không đủ thì làm sao mơ ước có nhà để ở. “Ngôi nhà này là vô giá, bởi ngoài số tiền Nhà nước, Ủy ban MTTQ, các cấp, các ngành, nhà hảo tâm trợ giúp, còn lại bà con họ hàng, thôn xóm, người giúp công, giúp sức, người góp tiền, tre, ngói, gạch… và giá trị hơn cả đó là những tấm lòng sẻ chia, đùm bọc của mọi người dành cho gia đình tôi” – Đã hai tháng ở trong ngôi nhà mới khang trang, sạch sẽ, chị Tuyết vẫn không giấu được niềm hạnh phúc.
Đến thăm căn nhà chị Bùi Thị Tuyết Mai, ngụ ấp Bình Thạnh, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, niềm vui thể hiện qua ánh mắt, nụ cười của gia chủ. Chị cho biết: “Lập gia đình cách đây 10 năm, vợ chồng tôi không có đất canh tác, không có tài sản gì, ngoài nền nhà ông ngoại cho, vợ chồng tôi cất căn nhà lá để ở, gió thổi đằng trước lùa ra đằng sau, mưa hắt vào tận giường. Nhiều đêm nghĩ tủi, thương chồng thương con, chẳng mấy khi có được giấc ngủ yên lành. Chồng tôi làm nghề phụ hồ, thu nhập được 120.000 đồng/ngày. Chi phí cho cuộc sống ngày càng tăng, mặc dù đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn vất vả, làm lụng quanh năm “đầu tắt mặt tối” cũng không đủ đắp đổi qua ngày, làm sao tích cóp được tiền để sửa chữa nhà, chứ nói gì đến xây nhà. Tôi không dám nghĩ đến có căn nhà chắc chắn, sạch sẽ thế này…”.
Phó Chủ tịch UB MTTQ quận Bình Thủy Nguyễn Thúy Hằng cho biết, quận Bình Thủy là quận ngoại thành nên còn nghèo, nhiều hộ dân ở đây đi làm thuê như phụ hồ, giúp việc gia đình, bán vé số… Cái nghèo hiện hữu ngay trong cuộc sống hằng ngày, họ chẳng bao giờ dám mơ đến có được một căn nhà để có thể “an cư, lạc nghiệp”.
Theo Bí thư Huyện ủy Phong Điền Lê Bá Phước, năm 2012, UBND huyện Phong Điền triển khai xây dựng 400 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo. Mỗi căn nhà có diện tích 40,5 m2, trị giá 25 triệu đồng. Kinh phí chủ yếu được hỗ trợ từ nguồn vận động của thành phố hơn 10 tỷ đồng, huyện vận động được 400 triệu đồng, ngoài ra còn có sự đóng góp của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm và sự giúp đỡ của bà con lối xóm, họ hàng, cũng góp phần đáng kể trong việc xây dựng nhà đại đoàn kết. Đến nay, huyện Phong Điền đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gần 300 căn nhà đại đoàn kết trong tổng số 400 căn, đạt hơn 71% chỉ tiêu thành phố giao, 113 căn còn lại đang trong quá trình xây dựng.
Nói về cuộc vận động này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Lê Hùng Dũng cho biết: Năm 2012, TP Cần Thơ tiếp tục triển khai xây dựng nhà đại đoàn kết với số lượng nhiều hơn và chất lượng được nâng cao từng bước, trị giá mỗi căn nhà từ 25 đến 30 triệu đồng. Đến nay, các quận, huyện đã hoàn thành 1.645 căn nhà đại đoàn kết, nhiều hộ đã có nơi ở ổn định. Ngoài 2.000 nhà đại đoàn kết đã và đang được xây dựng, trong năm nay, TP Cần Thơ còn vận động các cấp, các ngành, các đơn vị, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm,… hỗ trợ khoảng 27 tỷ đồng xây thêm 1.000 nhà đại đoàn kết cho người nghèo ở các vùng nông thôn, triển khai các giải pháp dạy nghề, tạo việc làm, giúp các hộ nghèo có thu nhập ổn định, nhanh chóng thoát nghèo.
Để đạt được những kết quả trên, đó là nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ thống nhất từ tỉnh, huyện đến cơ sở, biết khơi dậy truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, hiện thành phố còn hơn 22 nghìn hộ nghèo, trong đó có gần bốn nghìn hộ nghèo cần sự giúp đỡ của chính quyền và cộng đồng để xây dựng nhà ở.
Có thể nói, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân bằng chính sức mạnh của lòng dân. Ý nghĩa to lớn của cuộc vận động không chỉ là ở số kinh phí hàng tỷ đồng, hàng chục nghìn ngày công lao động giúp đỡ người nghèo, mà còn thể hiện được tình cảm sâu sắc, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng dân cư.
Theo Nhandan
Ý kiến ()