Những nghệ nhân nặng lòng với di sản văn hóa
(LSO) – Bằng sự tâm huyết, trách nhiệm, những nghệ nhân và người am hiểu di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã và đang có những đóng góp to lớn, quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có 3 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND) và 18 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Đây là sự ghi nhận dành cho các nghệ nhân đã có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc trước nguy cơ ngày càng mai một.
Nghệ nhân nhân dân Nông Thị Lìm, biểu diễn tiết mục hát then tại lễ trao tặng danh hiệu NNND, NNƯT năm 2019
Ví dụ như: NNND Mông Thị Sấm và NNND Nông Thị Lìm (huyện Cao Lộc) với việc gìn lưu giữ, truyền bá hát then, đàn tính, thông qua các nghi lễ: cấp sắc, lễ cầu mùa, lễ cúng tổ tiên … NNƯT Ngô Văn Xuân (huyện Hữu Lũng) nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể: lễ hội Trò Ngô, nhờ những cống hiến của ông mà lễ hội Trò Ngô được gìn giữ và phát huy, vinh dự trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; NNƯT Ninh Xuân Nhật (huyện Hữu Lũng) với tục thờ “Ma Khô” của người Cao Lan; hay như NNƯT Tạ Bích Lộc đã có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy diễn xướng nghi lễ chầu văn trong tín ngưỡng thờ Tam, Tứ Phủ …
Được phong tặng các danh hiệu NNND, NNƯT là niềm vinh dự, tự hào đối với những người nắm giữ “hồn cốt” di sản văn hóa. Trong lễ đón bằng công nhận danh hiệu NNND, NNƯT ngày 10/6/2019 vừa qua chúng tôi gặp lại gương mặt rất quen thuộc trong nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, đó là Nghệ nhân Mỗ Thị Kịt (xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia) Mặc dù đã gần 100 tuổi nhưng niềm say mê với then của bà vẫn như thuở đôi mươi. Bà cho biết: “Được nhận danh hiệu NNND cao quý này tôi rất vui mừng, phấn khởi, các con cháu tôi cũng rất tự hào, tôi nguyện sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc để xứng đáng với danh hiệu cao quý đã được Nhà nước trao tặng”.
NNND Mỗ Thị Kịt đã dành nhiều tâm huyết sưu tầm, thể hiện đầy đủ và nguyên vẹn các nghi thức dân gian, ghi nhớ và thuộc lòng 20.000 câu thơ của cả hành trình then. Không chỉ vậy, bà Kịt còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dạy cho thế hệ sau. Ðến nay, đã có hàng trăm người được bà trao truyền những nét tinh hoa của dân tộc. Những cống hiến thầm lặng của bà góp phần quan trọng để nghi lễ then của dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn được gìn giữ và phát huy, vinh dự trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Cùng chung niềm vui khi được trao tặng danh hiệu cao quý, NNƯT Dương Hữu Cà (xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn) bộc bạch: “Tôi gìn giữ văn hóa truyền thống xuất phát từ niềm đam mê và trách nhiệm của mình, được nhận danh hiệu cao quý là động lực để chúng tôi tiếp tục phát huy trách nhiệm của mình trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ”.
Được biết, ông có khả năng khai thác, biểu diễn thuần thục các làn điệu hát then và biểu diễn thành thạo các làn điệu hát ví, hát quan làng, hát phong slư, hát ru của dân tộc Tày. Trong các ngày hội xuân, lễ tết, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ ở địa phương, tiếng đàn, tiếng hát của ông khiến lòng người say đắm. Bằng ngọn lửa đam mê và cái tâm của mình, ông mở lớp dạy hát then, đàn tính miễn phí cho anh em họ tộc, bà con trong bản, xã và các vùng lân cận. Nhiều học trò của ông nay đã trở thành hạt nhân trong các đội văn nghệ ở cơ sở. Họ đang nối tiếp đưa những làn điệu dân ca độc đáo của dân tộc đến với đông đảo người dân.
Đối với NNƯT Hoàng Thị Thúy (huyện Văn Lãng) cũng vậy, bà là người tâm huyết trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hát then, đàn tính với điệu múa chầu thành thục. Bà còn truyền dạy cho hơn 100 người sử dụng nhạc cụ dân tộc, các điệu múa truyền thống. Với danh hiệu NNƯT, Nghệ nhân Hoàng Thị Thúy tự hào vì có gần 30 năm tham gia công tác gìn giữ văn hóa dân gian của đồng bào mình.
Các nghệ nhân đều chung niềm thiết tha với di sản văn hóa quê hương. Họ nghiên cứu, gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ sau, góp phần quan trọng trong việc phát huy văn hóa truyền thống. Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội trên quê hương Xứ Lạng.
Ý kiến ()