Những ngân hàng "di động" ở Bắc Cạn
Nông dân huyện Ba Bể phát triển vùng trồng cây dong riềng tập trung nhờ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Bắc Cạn là một tỉnh vùng núi cao, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, phân tán. Để tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với nguồn vốn vay phát triển kinh tế, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn tổ chức những tổ giao dịch lưu động đến tận cơ sở.Ngân hàng gần dânNgày 14 hằng tháng, kể cả trùng với các ngày nghỉ, ngày lễ, trụ sở xã Xuất Hóa (thị xã Bắc Cạn) nhộn nhịp người ra vào, vì đây là ngày Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Cạn tổ chức giao dịch lưu động tại xã. Tổ giao dịch lưu động bao gồm ba thành viên, do chị Đinh Mai Hương làm tổ trưởng. "Hành trang" mà tổ giao dịch mang theo là máy vi tính, máy in, tài liệu, tiền mặt để giải ngân các khoản cho vay mới, thu tiền gốc, tiền lãi, giải thích chủ trương, chính sách khi bà con chưa rõ.Chị Triệu Thị An, Chủ...
Nông dân huyện Ba Bể phát triển vùng trồng cây dong riềng tập trung nhờ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. |
Ngân hàng gần dân
Ngày 14 hằng tháng, kể cả trùng với các ngày nghỉ, ngày lễ, trụ sở xã Xuất Hóa (thị xã Bắc Cạn) nhộn nhịp người ra vào, vì đây là ngày Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Cạn tổ chức giao dịch lưu động tại xã. Tổ giao dịch lưu động bao gồm ba thành viên, do chị Đinh Mai Hương làm tổ trưởng. “Hành trang” mà tổ giao dịch mang theo là máy vi tính, máy in, tài liệu, tiền mặt để giải ngân các khoản cho vay mới, thu tiền gốc, tiền lãi, giải thích chủ trương, chính sách khi bà con chưa rõ.
Chị Triệu Thị An, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuất Hóa cho biết: “Hiện nay Hội Phụ nữ xã có 551 hội viên, trong đó có 470 hội viên đang vay 8,3 tỷ đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Nhờ có tổ giao dịch lưu động ngay tại xã, chị em chúng tôi không mất thời gian, chi phí đi lại mỗi khi cần vay vốn”. Chị Đinh Mai Hương tâm sự: “Mỗi lần giao dịch tại xã, chúng tôi thu – chi cả tỷ đồng với hàng trăm trường hợp, nhiều người tranh thủ lúc nghỉ trưa đến vay vốn, trả gốc, trả lãi. Để đáp ứng tất cả nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con, chúng tôi không có thời gian nghỉ giải lao. Anh thấy đấy, chúng tôi phải mang cơm ở nhà đi ăn trưa”.
Mặc dù tất cả các huyện trong tỉnh đều đã có chi nhánh của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng vẫn tổ chức các tổ giao dịch lưu động đến tất cả các xã vào một ngày cố định tại trụ sở xã. Điều này càng ý nghĩa hơn đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Từ trung tâm huyện Pác Nặm vào đến xã An Thắng mất nửa ngày, đường sá đi lại khó khăn, việc tổ giao dịch lưu động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội vào xã làm việc ngày 20 hằng tháng đã tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với nguồn vốn tín dụng được thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại.
Huyện Na Rì có 22 xã, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thành lập ba tổ giao dịch lưu động. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Cạn Trần Xuân Lễ tâm sự: “Tổ chức giao dịch lưu động tại xã thì chi phí của ngân hàng sẽ tăng lên, nhưng nhân dân được tạo điều kiện thuận lợi, tiếp cận với nguồn vốn vay dễ dàng ngay tại cơ sở, không phải đi lại mất thời gian”. Mặc dù chưa tổ chức được các tổ giao dịch lưu động đến tận xã, nhưng Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Cạn đã thường xuyên duy trì các điểm giao dịch lưu động đến cụm xã vào những ngày cố định. Nhờ đó cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn.
Tập trung vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Bắc Cạn Trần Xuân Hải cho biết: “Trong điều kiện nguồn vốn có hạn, nhu cầu vay lại lớn, nên trong thời gian qua, chúng tôi chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tập trung nguồn vốn cho các thành phần kinh tế vay phát triển sản xuất, trong đó ưu tiên cho vay các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh như trồng rừng, chế biến lâm sản, phát triển cây dong riềng, chăn nuôi đại gia súc, các cây hàng hóa đặc sản, để vừa tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế, vừa đẩy mạnh khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh”.
Năm 2011 diện tích cây dong riềng trên địa bàn tỉnh tăng gấp đôi so với năm 2010, trước nguy cơ dong riềng bị ứ đọng, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã cho vay hàng chục tỷ đồng để các cơ sở chế biến thu mua dong riềng dự trữ. Giám đốc Công ty TNHH Nhất Thiện Nguyễn Văn Thiện (ở xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể) thẳng thắn: “Sở dĩ công ty tôi tiêu thụ được hàng chục vạn tấn dong riềng cho bà con nông dân, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn là do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay vốn ban đầu gần năm tỷ đồng”.
Ngân hàng cho nông dân vay vốn trồng, chăm sóc cây dong riềng; cho doanh nghiệp, các cơ sở chế biến bột dong riềng, sản xuất miến dong, vay vốn để mua dự trữ dong riềng nguyên liệu, nhờ đó nông dân bán được củ dong riềng ngay tại chỗ với giá hợp lý, có lãi khoảng 120 triệu đồng/ha. Dong riềng là cây được tỉnh khuyến khích nhân ra diện rộng để xóa nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, trong đó các ngân hàng trên địa bàn cam kết sẽ đồng hành cùng nông dân để phát triển loại cây này với thủ tục cho vay nhanh, gọn nhẹ, bởi các tổ giao dịch lưu động đến tận cơ sở.
Tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đến nay là hơn 4.200 tỷ đồng (gần bằng tổng GDP của tỉnh), trong đó cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm gần 70% tổng dư nợ, góp phần tích cực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh đạt trung bình hơn 10%/năm trong những năm qua. Do các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, chú trọng công tác thẩm định các đối tượng vay, chú trọng huy động vốn tự có để cùng nguồn vốn tín dụng tập trung phát triển kinh tế, cho nên tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,69% tổng dư nợ cho vay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()