Những nạn nhân lớn nhất của cuộc xung đột tại Sudan
Trong một bài viết mới đây, Tân Hoa xã cho biết trẻ em là những nạn nhân lớn nhất của cuộc xung đột tại Sudan. Cậu bé Muaz Noureddine, 15 tuổi, ở thủ đô Khartoum chính là một trong số đó.
“Cháu đang đi chợ thì nhà cháu bị pháo kích. Chạy vội về, nhìn qua khói bụi mù mịt, cháu thấy mẹ vừa lao ra khỏi nhà, vừa gào thét đau đớn”, Noureddine kể lại trong nước mắt về bi kịch xảy ra với gia đình cậu bé vào tháng 9-2023.
Cách đây 4 năm, bố Noureddine đã qua đời. Vụ pháo kích càng khiến nỗi đau thêm chồng chất khi cướp đi sinh mạng 4 người thân của cậu bé, trong đó có người em trai và chị gái. Cho đến nay, gia đình Noureddine vẫn đang phải vật lộn để vượt qua đau thương. Mặc dù mẹ của Noureddine đã được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần kể từ sau bi kịch hồi năm ngoái, song bà không được điều trị do thiếu vắng cơ sở y tế chuyên khoa trong bối cảnh giao tranh hiện tại. Cùng với đó, gia đình Noureddine còn thường xuyên rơi vào cảnh thiếu ăn.
Theo Tân Hoa xã, chiến sự đã khiến Noureddine và hàng triệu trẻ em Sudan khác không được đến trường, đánh cắp tuổi thơ, đập tan ước mơ, làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của các em, để lại những nỗi ám ảnh không thể nào quên. "Cháu đã mất đi những người thân trong gia đình. Mẹ lại bị bệnh. Cháu nghĩ không có gì tồi tệ hơn có thể xảy ra với gia đình mình nữa vì chúng cháu chẳng còn gì cả. Cháu cũng không thấy hồi kết cho giao tranh hiện nay”, Noureddine chia sẻ.
Trong một tuyên bố chung, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) khẳng định tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Sudan đã “ở mức khẩn cấp”. Liên hợp quốc ước tính đã có hơn 4 triệu trẻ em Sudan buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột. Tân Hoa xã dẫn số liệu cập nhật của Liên hợp quốc cho biết, kể từ khi bùng phát vào giữa tháng 4-2023, giao tranh giữa quân đội Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đã cướp đi sinh mạng của hơn 15.500 người. Hơn 8,8 triệu người Sudan đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trên phạm vi toàn quốc hoặc chạy sang các nước láng giềng.
Ý kiến ()