Những năm tháng người đi tìm đường cứu nước
LSO- Cách đây đúng 104 năm, ngày 5/6/1911, tại bến Nhà Rồng - bến cảng Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với ý chí mãnh liệt, lòng thương yêu dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi, thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách đô hộ của thực dân, đế quốc. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại.
Trên chiếc tàu Pháp La-tút-sơ Tơ-rê-vin này, năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tên lúc đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước Ảnh: TƯ LIỆU
Bằng sự hiểu biết của bản thân, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường do những người trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc. Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn, nhưng tìm ra một con đường mới, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, đưa dân tộc đến độc lập, tự do là một điều còn khó khăn hơn rất nhiều. Vào thời điểm đó, tình hình đất nước, vận mệnh của dân tộc đen tối như không có đường ra. Không ai biết rằng tương lai của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người, mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt phi thường ấy. Với sự mẫn cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang Nhật, mà Người sang Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị… để xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào mình. Bác ra đi, hành trang chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, quyết tâm tìm đường cứu dân, cứu nước. Sau thời gian ở Pháp, Người tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều châu lục khác. Trên suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ không làm Người chùn bước, trái lại càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Người tranh thủ mọi thời cơ để học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Chính chủ nghĩa yêu nước cùng với năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế, người thanh niên Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc. Người đã sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười đã mở ra. Người đã khám phá ra chân lý “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên toàn thế giới khỏi ách nô lệ”. Năm 1917, Nguyễn Ái Quốc trở lại Pháp, sống ở Pari, tham gia hoạt động của Đảng Xã hội Pháp, tham gia trong hoạt động của những người yêu nước Việt Nam tại Pháp và đặc biệt, khi tiếp cận được với Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa thì đích Người cần tìm đã đạt được. Luận cương của Lê-nin đã chỉ ra những điều mà Người đang tìm. Đến mùa Xuân năm 1930, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh của Đảng đề ra mục tiêu rõ ràng: làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập để tiến tới xã hội cộng sản.
Sau 30 năm bôn ba, ngày 28/1/ 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Giữa núi rừng Pác Bó (Cao Bằng), tức cảnh, Người viết:
Non xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lênin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà.
Theo sáng kiến của Người, ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân ta đang rên xiết trong cảnh một cổ hai tròng, vận mệnh dân tộc đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng. Sự thành lập và hoạt động của Việt Minh đã trở thành nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngày 2/9/1945, Người đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Người đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không làm nô lệ”. Kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp bằng thắng lợi Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” vào ngày 7/5/1954. Điện Biên Phủ trở thành niềm tự hào và làm vẻ vang dân tộc Việt Nam. Bạn bè quốc tế ngưỡng mộ khi nhắc đến Việt Nam – Hồ Chí Minh – Điện Biên Phủ – Võ Nguyên Giáp. Và với cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Người đã chỉ ra rằng: trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thực tế đã chứng minh sự lựa chọn đó là sự lựa chọn lịch sử, sự lựa chọn duy nhất đúng, khôn thể có sự lựa chọn thứ hai.
Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam đã vững bước trên con đường mà Người đã chọn. Đó là con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Đưa đất nước ta thoát khỏi nước kém phát triển, từng bước tiến lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại. Đất nước và dân tộc Việt Nam đã sinh ra Hồ Chí Minh và chính Người đã làm rạng rỡ, vẻ vang dân tộc và đất nước Việt Nam. Ngày nay, mỗi người chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình là tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh. Xây dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp, trước mắt cần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng những lời dạy và tư tưởng của Người luôn là di sản vô cùng quý báu và có ý nghĩa lớn đối với hoạt động thực tiễn của chúng ta hôm nay.
Mai Tùng
Ý kiến ()