LSO-Báo Lạng Sơn, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Lạng Sơn - tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Lạng Sơn, ra số báo đầu tiên ngày 1 tháng 5 năm 1964, đến nay vừa tròn 46 năm (1/5/1964-1/5/2010). 46 năm xây dựng, tuy ở từng thời kỳ sự trưởng thành của tờ báo có khác nhau, nhưng có thể nói, 46 năm qua là một chặng đường Báo Lạng Sơn không ngừng được xây dựng, trưởng thành lớn mạnh về mọi mặt. Đặc biệt, đối với đội ngũ những người làm báo Lạng Sơn được hình thành và phát triển rõ nét, thế hệ đầu tiên là đội ngũ những người làm báo thời kỳ 1964-1975, làm báo trong điều kiện hoàn cảnh vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc-vừa đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thế hệ thứ hai, là đội ngũ những người làm báo thời kỳ 1976-1985, làm báo với 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ thứ ba, là đội ngũ những người làm báo thời kỳ từ năm 1986 trở lại đây, làm báo trong sự...
LSO-Báo Lạng Sơn, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Lạng Sơn – tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Lạng Sơn, ra số báo đầu tiên ngày 1 tháng 5 năm 1964, đến nay vừa tròn 46 năm (1/5/1964-1/5/2010).
46 năm xây dựng, tuy ở từng thời kỳ sự trưởng thành của tờ báo có khác nhau, nhưng có thể nói, 46 năm qua là một chặng đường Báo Lạng Sơn không ngừng được xây dựng, trưởng thành lớn mạnh về mọi mặt. Đặc biệt, đối với đội ngũ những người làm báo Lạng Sơn được hình thành và phát triển rõ nét, thế hệ đầu tiên là đội ngũ những người làm báo thời kỳ 1964-1975, làm báo trong điều kiện hoàn cảnh vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc-vừa đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thế hệ thứ hai, là đội ngũ những người làm báo thời kỳ 1976-1985, làm báo với 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ thứ ba, là đội ngũ những người làm báo thời kỳ từ năm 1986 trở lại đây, làm báo trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
|
Lãnh đạo Báo Lạng Sơn chỉ đạo thiết kế đổi mới mặt báo Ảnh: Khánh Ly |
Thế hệ chúng tôi, là thế hệ đội ngũ những người làm báo thứ hai. Như chúng ta biết, tháng 4 năm 1976 tỉnh Lạng Sơn được hợp nhất với tỉnh Cao Bằng thành tỉnh Cao Lạng. Tỉnh lỵ Cao Lạng đặt tại thị xã Cao Bằng. Báo Lạng Sơn cũng được hợp nhất với Báo Cao Bằng thành Báo Cao Lạng. Cán bộ, phóng viên Báo Lạng Sơn cùng với tài sản cơ quan tập kết lên trụ sở Báo Cao Bằng tại phố Vườn Cam, thị xã Cao Bằng. Sau 3 năm hợp nhất tỉnh, tháng 12 năm 1978 Hội đồng Nhà nước quyết định tách tỉnh Cao Lạng thành tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng. Báo Cao Lạng lại được tách thành Báo Lạng Sơn và Báo Cao Bằng. Đội ngũ những người làm báo thời kỳ này, một số ít cán bộ, phóng viên từ Báo Cao Lạng trở về, một số ít từ báo Trung ương và quân đội tăng cường. Phần đa là cán bộ, công nhân viên chức các ngành của tỉnh chuyển về làm báo, chưa ai có bằng đại học báo chí hoặc bằng đại học các chuyên ngành khác, chúng tôi làm báo chỉ bằng lòng nhiệt tình, kinh nghiệm và trách nhiệm. Cơ sở vật chất sau khi tách tỉnh trở về hầu như không có gì, tòa soạn được bố trí ở tạm tại khu nhà kho Trường Văn hóa quân đội, Bộ Quốc phòng (khu Tòa soạn hiện nay). Tòa soạn không có ô tô, xe máy, chúng tôi đi cơ sở chủ yếu bằng xe ca nhà nước và xe đạp, giấy bút thì mua phân phối theo sổ mua hàng của cơ quan, có lúc được ưu tiên phân phối thêm mỗi người một quyển sổ công tác hoặc một chiếc bút Hồng Hà. Tôi nhớ mãi, lần đầu tiên đi dự hội nghị quản lý, bảo vệ rừng của huyện Đình Lập, trên đường đi bị mưa ướt hết. Tôi xin đồng chí Nguyễn Minh Quát, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Đình Lập giấy giới thiệu của Văn phòng Huyện ủy để sang Công ty thương mại huyện xin mua giấy, đồng chí cười và bảo Chánh văn phòng Huyện ủy đưa tôi hai thếp giấy kẻ. Đây mới chỉ là một kỷ niệm trong 1001 chuyện làm báo dưới thời bao cấp của phóng viên chúng tôi. Ngoài nhiệm vụ viết tin, bài, chụp ảnh đăng báo, còn phải lao động sản xuất tự túc lương thực. Còn báo thời kỳ này in ti-pô, xuất bản 5 ngày một kỳ, 4 trang khổ 27x39cm, vào các ngày mùng 5, 10, 15, 20, 25, 30 hàng tháng. Do máy móc của Xí nghiệp in đã cũ kỹ, thường xuyên hỏng hóc, tờ báo in ra vừa xấu lại sai sót nhiều. Báo in xuất bản chậm kéo dài triền miên, có lúc chậm tới 1 tháng, rồi 2 tháng so với ngày ghi trên măng –xét báo. Thế hệ, đội ngũ những người làm báo thời kỳ này, cho đến nay chỉ còn một số rất ít vẫn đang còn làm báo.
Thế hệ thứ ba, đội ngũ những người làm báo có thể tính từ lớp đào tạo làm báo cấp tốc năm 1984 của Tòa soạn, nay nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ nòng cốt của Tòa soạn, ngoài ra còn được bổ sung thêm nhiều anh, chị em có bằng đại học các chuyên ngành khác cho đội ngũ những người làm báo thời kỳ này. Từ chỗ các thế hệ làm báo trước, chưa có ai có bằng đại học báo chí, cho đến nay, 100% phóng viên có bằng đại học báo chí, hoặc bằng đại học các chuyên ngành, nhiều đồng chí đã có 2 bằng đại học và một số ít đã có bằng cao học báo chí. Trụ sở tòa soạn được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, phương tiện làm báo hiện đại, xuất bản nhiều kỳ trong tuần với nhiều tin, bài phong phú, hấp dẫn, in ấn đẹp, phát hành kịp thời phủ khắp trên địa bàn toàn tỉnh; đời sống vật chất của những người làm báo bước đầu cũng được nâng lên…
Nhân dịp 46 năm kỷ niệm ra số báo Lạng Sơn đầu tiên, tôi xin được ôn lại một số kỷ niệm về một thời những năm tháng làm báo không thể nào quên đối với thế hệ những người làm báo của chúng tôi.
Ngọc Thông
Ý kiến ()