Những năm tháng không thể nào quên
Ngày 7-1-1979 đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử Campu-chia: Ngày đưa đất nước thoát khỏi họa diệt chủng, bước vào một kỷ nguyên mới của độc lập, tự do, hồi sinh và phát triển, đồng thời mở ra một trang mới trong quan hệ láng giềng giữa Việt Nam và Cam-pu-chia. 35 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức về một thời bi hùng của truyền thống đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, của tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Campu-chia vẫn còn sáng mãi.
Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 Trần Văn Măng nhớ lại: Tôi vinh dự tham gia làm nghĩa vụ tại nước bạn từ năm 1977 đến năm 1983 thì về nước. Vùng chiến đấu của đơn vị chúng tôi rộng khắp Cam-pu-chia. Trên đường ra trận, chúng tôi đau lòng và căm phẫn bắt gặp thảm họa chết chóc do tập đoàn Pôn Pốt gieo rắc khắp nơi. Chúng lấy chảo nấu đường mía của đồng bào để rang trẻ con, trói trẻ vứt xuống giếng, mổ bụng moi gan người… vô cùng man rợ. Thực tế đó khiến chúng tôi càng mài sắc quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng vượt mọi gian khó, hy sinh để giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước. Ngoài những thắng lợi giành được cần phải kể đến một trong những nhiệm vụ vẻ vang mà sư đoàn đã hoàn thành là việc mở đường 56. Từ đó, quân giải phóng mới tập hợp được dân chạy nạn vào rừng, núi đưa về hậu cứ, giữ được địa bàn và vùng giải phóng của Cam-pu-chia. Để đạt được thành tích này, sư đoàn đã phải vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ. Tại vùng đồi Gà, đồi Khỉ, trời mưa bị cắt đường, quân địch lại mai phục, bộ đội ta đã hy sinh nhiều. Nhưng sự hy sinh đó không thể cản trở quân đội ta hoàn thành nhiệm vụ. Giai đoạn khó khăn nhất là quyết giữ được vùng giải phóng Báttam-boong và chúng tôi đã vượt qua.
Với Thiếu tướng Phạm Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Cựu quân tình nguyện Quân đoàn 4, niềm vinh dự được tham gia quân tình nguyện đập tan bè lũ diệt chủng, đáp ứng lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Đoàn kết Cam-pu-chia vẫn còn nguyên vẹn. Ông kể: Trên thế giới, việc quân đội nước này giúp nước khác thì có nhiều, nhưng hành động chiến đấu dũng cảm hy sinh của bộ đội Việt Nam giúp Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng với tinh thần “giúp bạn như giúp mình” là điều hiếm có. Lúc bấy giờ, tận mắt chứng kiến cảnh các cháu bé bị tàn sát dã man, tôi và các đồng đội thuộc Quân đoàn 4 sục sôi lòng căm thù giặc và quyết tâm chiến đấu, cho dù có phải hy sinh, để tiêu diệt tận gốc bè lũ Pôn Pốt. Cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, thế nhưng, với sự đồng lòng gắn bó, sự quyết tâm cao độ không quản hy sinh của quân, dân Việt Nam và Cam-pu-chia, cuối cùng chúng ta đã đánh bại kẻ thù. Nhớ lại những ngày tháng ấy tôi vô cùng xúc động và càng thấy thấm thía hơn tình cảm thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc chúng ta.
Trong hơn mười năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Cam-puchia, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi với đồng đội Cam-pu-chia, cùng nhau chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, bước đầu xây dựng cuộc sống mới. Tình đoàn kết của quân và nhân dân hai nước là nguồn sức mạnh và là nhân tố quan trọng giúp hai nước chúng ta vượt qua mọi trở lực, làm nên thắng lợi vĩ đại của nhân dân mỗi nước. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia, Chủ tịch Hội Hữu nghị Cam-pu-chia – Việt Nam Men Xam On hào hứng kể: Năm 1979, đơn vị của chúng tôi thuộc Sư đoàn 201 và 203 có nhiệm vụ giải phóng ba tỉnh Công Pông Chàm, Công Pông Thom và Xiêm Riệp. Phó Thủ tướng Men Xam On bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự ủng hộ giúp đỡ to lớn, quý báu, kịp thời và có hiệu quả mà Việt Nam đã dành cho Cam-pu-chia trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Cam-pu-chia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt và bắt tay vào sự nghiệp tái thiết, xây dựng, bảo vệ đất nước; khẳng định không có sự giúp đỡ quý báu đó của Việt Nam, Campu-chia không có được như ngày hôm nay. Bà khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ Hoàng gia và nhân dân Campu-chia sẽ làm hết sức mình để giữ gìn thành quả ngày 7-1-1979 và không ngừng vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam – Cam-pu-chia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả tại nước bạn Cam-pu-chia, trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người lính năm xưa có một cương vị công tác và đời sống riêng khác nhau. Năm tháng qua đi, mỗi dịp gặp lại nhau, họ lại cùng nhau ôn lại truyền thống của một thời hào hùng và nguyện giữ vững truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”. Họ nâng niu, gìn giữ tình đoàn kết, tài sản chung vô cùng quý giá của hai dân tộc Việt Nam và Cam-pu-chia và mong muốn truyền lại tài sản đó cho các thế hệ con cháu mai sau.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()