Phân loại rau an toàn ở Hợp tác xã Ngã Ba Giồng trước khi đưa ra thị trường.
Điểm sáng Tân Thông Hội
Là xã đầu tiên của TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình thí điểm xây dựng nông thôn mới, Tân Thông Hội có bước khởi đầu khá thuận lợi. Cùng với việc nhận được sự quan tâm chỉ đạo của thành phố; huy động nguồn lực, trợ giúp của các ban, ngành, doanh nghiệp trong công tác quy hoạch, liên kết sản xuất, tiếp nhận lao động, tiêu thụ sản phẩm… chương trình xây dựng nông thôn mới còn nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của số đông người dân. Thuận lợi là vậy, nhưng khó khăn cũng không ít. Chương trình mới triển khai toàn diện trên khắp địa bàn là thách thức không nhỏ đối với năng lực của đội ngũ cán bộ xã. Bên cạnh đó, với tổng vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng, việc quản lý, sử dụng hiệu quả, minh bạch của chủ đầu tư, mà trực tiếp là Chủ tịch UBND xã, gặp không ít lúng túng lúc ban đầu… Tuy nhiên, với quyết tâm cao, biết phát huy thế mạnh của địa phương, đoàn kết, huy động sức mạnh của nhân dân toàn xã, sau hơn hai năm triển khai, đến nay, Tân Thông Hội đã cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí phấn đấu thực hiện, xã đã đạt 16 tiêu chí, chỉ còn lại các tiêu chí về trường học, cơ sở vật chất, văn hóa và chợ sẽ hoàn thành trong năm nay. Bộ mặt xóm, ấp khởi sắc, đời sống nhân dân lao động của Tân Thông Hội cũng có những cải thiện đáng kể. Xã có 70 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp; một HTX trồng trọt; một HTX chăn nuôi; bốn tổ hợp tác dịch vụ… 535 lao động nông thôn được đào tạo nghề, hàng nghìn lao động nông nghiệp được chuyển đổi, giới thiệu việc làm mới, tỷ lệ lao động nông nghiệp chỉ còn 15%… Phát huy lợi thế vùng ven, nhiều hộ nông dân chuyển đổi cây trồng từ lúa sang trồng rau, nhất là trồng hoa; từ nuôi lợn sang nuôi bò, nuôi trăn, cá sấu… Trong sản xuất nông nghiệp, mô hình hoa lan của ông Nguyễn Văn Xuân, nông dân ấp Trung là một điển hình. Với diện tích vườn lan 3.000 m2, vốn đầu tư 1,1 tỷ đồng, từ năm 2009 đến nay, mỗi năm ông Xuân có thu nhập từ bán hoa lan lên đến 700 triệu đồng. Gia đình ông Nguyễn Văn Ngà ở ấp Trung, trồng 3.000 m2 lan Mokara cắt cành, thu nhập mỗi tuần chín triệu đồng… Hiện nay, bình quân thu nhập của một người dân Tân Thông Hội đạt 28,66 triệu đồng/năm, cao gấp 1,54 lần so với trước khi triển khai đề án. Thu nhập cao, nhất là thu từ sản xuất nông nghiệp, Tân Thông Hội không còn hộ nghèo, không còn nhà tranh tre tạm bợ. 100% số trẻ em được đi học; 70% số người dân tham gia bảo hiểm y tế, số đông nhân dân được thụ hưởng các công trình, thiết chế văn hóa… Bộ mặt nông thôn ngoại thành nay đã thay đổi rõ rệt.
Nhiều mô hình hợp tác làm ăn hiệu quả
Buổi sáng, quán “cà-phê khuyến nông” của Hợp tác xã sản xuất Rau an toàn Ngã Ba Giồng, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn rất đông người uống. Khách của quán phần lớn là nông dân. Ông Vũ Văn Hưng ở ấp 1 vui vẻ cho biết: “Từ ngày vào tổ hợp tác nông dân mới có thời gian uống cà-phê, chứ trước đây thì bận tối mặt cả ngày. Anh coi, khi còn làm ăn đơn lẻ, suốt ngày cắm mặt ngoài ruộng rau, hai, ba giờ sáng lo chở rau ra chợ. Mặt trời lên cao mới về nhà, nghỉ ngơi chút đỉnh lại ra ruộng, uống ly cà-phê cũng vội chứ đâu có thảnh thơi như vầy”. Trước đây, mạnh ai nấy làm, rồi tự mang hàng ra chợ. Còn bây giờ, nông dân trong ấp chỉ lo sản xuất, khâu tiêu thụ đã có hợp tác xã đứng ra lo liệu. Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Ngã Ba Giồng Trần Ngọc Yên cho biết: Hợp tác có 30 xã viên, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VIETGap. Ngoài cung cấp giống, vật tư nông nghiệp theo giá gốc, hợp tác xã còn bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên. Hàng chục hộ nông dân khác chưa vào HTX nhưng sản xuất rau theo tiêu chuẩn trên cũng được HTX bao tiêu. Bên cạnh đó, HTX còn giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động là phụ nữ, người lớn tuổi trong ấp với mức thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày. Quán “cà-phê khuyến nông” của HTX được trang bị máy tính kết nối in-tơ-nét, là nơi để nông dân trong ấp hằng ngày gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, nơi tiếp nhận kiến thức khoa học – kỹ thuật mới phục vụ sản xuất. Khi Xuân Thới Thượng thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, ngoài việc được tập huấn kỹ thuật, chuyển giao quy trình sản xuất tiên tiến cho nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố còn giúp HTX xây dựng thương hiệu rau an toàn “Ngã Ba Giồng”; lập trang thông tin “Ngã Ba Giồng” cho hợp tác xã… Hiện nay, sản phẩm rau an toàn “Ngã Ba Giồng” có mặt tại nhiều siêu thị trong thành phố và cung cấp cho hơn 20 trường học trên địa bàn huyện. Trong cơ cấu cây trồng, rau xanh là loại cây đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Chỉ với 8.000 m2 trồng khổ qua, dưa leo, mướp, vụ rau vừa qua, ông Huỳnh Thanh Sơn, ấp 1, xã Xuân Thới Thượng có doanh thu 180 triệu đồng, trừ hết chi phí còn lãi 140 triệu đồng. Hoặc như với 4.000 m2 trồng rau ăn lá, gia đình ông Trần Văn Hưng mỗi năm có dư hơn 100 triệu đồng…
Trong các tổ hợp tác, Tổ may gia công của các chị em phụ nữ ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè cũng là một mô hình có hiệu quả. Tổ có 17 tổ viên với 19 máy may, chuyên may túi xách các loại. Tiếp thị khéo, sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm thời gian giao hàng… Tổ may gia công làm không hết việc. Chị Bùi Thị Ngọc Loan, tổ trưởng cho biết, tiền công may mỗi sản phẩm từ 6.000 đến 8.500 đồng, trung bình mỗi tổ viên may được 50 sản phẩm/ngày, thu nhập mỗi người cũng tới vài trăm nghìn đồng, đây là mức thu nhập khá cao đối với lao động ở nông thôn, ngoài ra, họ còn chủ động thời gian cho các công việc gia đình. Chả thế mà nhiều nữ công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp cũng muốn xin về làm tổ viên.
Tổ hợp tác Định Thành, ấp Tân Thành, xã Tân Thông Hội chuyên nuôi trăn, kỳ đà, cá sấu, lươn. Ông Trần Văn Nguyên, cựu chiến binh, tổ trưởng cho biết, nghề nuôi trăn ở địa phương chỉ thật sự khởi sắc từ khi xã thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới vì được hỗ trợ con giống, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, từ một vài hộ ban đầu nay tổ hợp tác đã có 30 hộ tổ viên, nuôi hàng trăm cá thể trăn, cho thu nhập khá cao. Với chu kỳ nuôi khoảng sáu tháng một con trăn có thể cho lãi 1,2 đến 1,3 triệu đồng, năm 2010, ông Nguyên thu lãi hơn 100 triệu đồng. Những người nuôi số lượng nhiều hơn, mức lãi còn cao hơn.
Thực tế triển khai đề án xây dựng nông thôn mới ở TP Hồ Chí Minh cho thấy còn không ít khó khăn cần tập trung tháo gỡ. Bước đầu triển khai, nhiều cán bộ xã chưa nhận thức hết nội hàm các tiêu chí do Chính phủ quy định, dẫn đến lúng túng. Các địa bàn ven đô, do quá trình phát triển đô thị, công nghiệp, việc xây dựng các đồ án quy hoạch chung có nhiều phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với các địa bàn thuần nông. Tại một vài địa phương, có những dự án mở rộng, nâng cấp đường giao thông chưa triển khai được do một vài hộ không chịu hiến đất, mở đường, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn xã. Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề có hạn trong khi nhiều lao động lại chỉ muốn học những nghề nhanh làm ra tiền, chi phí cao…
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm cao, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, vóc dáng những làng mới, xã mới đang định hình ở vùng đất ven đô TP Hồ Chí Minh.
Ý kiến ()