Những mô hình dự án làm đổi thay cuộc sống
Những năm qua, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã vào Việt Nam với số lượng và giá trị viện trợ ngày càng tăng, đóng góp nhất định cho xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Nhiều mô hình dự án được triển khai hiệu quả ở cộng đồng trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường...
Những năm qua, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã vào Việt Nam với số lượng và giá trị viện trợ ngày càng tăng, đóng góp nhất định cho xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta. Nhiều mô hình dự án được triển khai hiệu quả ở cộng đồng trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường…
Vì cuộc sống bình yên
Quảng Bình là một trong số những địa phương gánh chịu số lượng lớn bom, mìn, vật liệu chất nổ từ thời chiến tranh. Nhóm Cố vấn bom mìn (MAG), một tổ chức nhân đạo quốc tế hoạt động giúp Quảng Bình trong công tác rà phá bom mìn từ năm 2003, đã tiến hành xử lý số lượng lớn các loại vật liệu chất nổ như bom, lựu đạn, đạn cối, đạn pháo, mìn… MAG triển khai các đội liên lạc cộng đồng tới thôn, xóm để khảo sát từng hộ gia đình và thu thập thông tin về các khu vực nguy hiểm, đánh dấu bằng thiết bị GPS rồi chuyển tới đội kỹ thuật để tiếp tục rà tìm và xử lý. MAG ưu tiên các nguồn lực rà phá các vật liệu nổi trên mặt đất, gần khu vực dân cư hoặc khu vực chuẩn bị xây trường học, trạm y tế, các công trình văn hóa, cũng như rà phá lưu động ở từng thôn theo thông tin do người dân cung cấp. Anh Trần Văn Phụng, Ðội trưởng đội liên lạc cộng đồng 1 của MAG cho biết, đội xuống các thôn lấy thông tin và trong khoảng hai tuần, những thông tin này được tập hợp và chuyển tới đội kỹ thuật để xử lý. Anh Phụng nhận thấy, những địa bàn có dự án, ý thức của người dân được nâng cao, hạn chế được những rủi ro đáng tiếc. Chị Hoàng Thị Mai Chi, cán bộ liên lạc cộng đồng của dự án, dẫn chúng tôi xuống gia đình ông Nguyễn Thanh Huệ xóm 6, thôn Tân Ðịnh, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh. Khoảnh vườn phía sau, chỉ cách nhà ông Huệ chừng 100 m, đã phát hiện hai quả bom bi. Ðội liên lạc cộng đồng của MAG đã đánh dấu vị trí quả bom để chờ đội kỹ thuật xử lý.
Ði cùng chúng tôi tới một địa bàn mà MAG đang tiến hành rà soát và xử lý, anh Lê Thế Tương, Ðội trưởng đội kỹ thuật làm việc tại thôn Kim Nại, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, thôn có 1.350 nhân khẩu thuộc 317 hộ gia đình, nhưng đội kỹ thuật của MAG đã xác định được tới 97 khu vực nguy hiểm. MAG đã xử lý được 60 quả bom bi, 37 loại đạn ở 96 khu vực. Tại khu vực thứ 97, hiện trường đội đang thực hiện xử lý, chỉ trên 3.600 m2 đất vườn người dân đang trồng cây cao-su, đội đã thu được 56 vật liệu nổ gồm bom bi, đạn cối, lựu đạn, ngòi nổ các loại. Với sự nhiệt tình và say mê công việc của các thành viên, trung bình mỗi năm, MAG đã tháo dỡ và xử lý 15 nghìn loại vật liệu chất nổ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho người dân nơi đây.
Hỗ trợ người khuyết tật vượt lên chính mình
Hội vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD) một tổ chức phi chính phủ địa phương kế thừa hoạt động của Mạng lưới nạn nhân bom mìn, một tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam từ năm 2003. AEPD đã không ngừng phấn đấu giúp người khuyết tật (NKT) không đầu hàng số phận để vượt lên chính mình, vươn lên hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho xã hội. Kể từ khi hoạt động, AEPD đã tiếp cận hơn 2.800 nạn nhân bom mìn và hơn 2.500 người khuyết tật khác tại các địa phương của Quảng Bình. Với mục tiêu nâng cao vị thế NKT trên cả bình diện kinh tế và xã hội, Hội đã áp dụng các mô hình giúp họ có sinh kế bền vững thông qua hỗ trợ công cụ, vật liệu sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ, tay nghề cho NKT. Ông Trần Văn Sơn, 49 tuổi, ở thôn Rẫy, xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những NKT được sự giúp đỡ của AEPD, cùng với nghị lực của mình, đã trở thành một tấm gương “tàn nhưng không phế”. Từng là một thanh niên khỏe mạnh, có gia đình, nhưng năm 1999, anh Sơn mắc căn bệnh quái ác tắc mạch máu phải cắt cả hai chân. Bệnh tái phát nhiều lần buộc anh phải tháo gần hết các đầu ngón tay. Trong khi ba đứa con còn nhỏ, vợ anh phải chạy cơm từng bữa và lao động kiếm tiền cho chồng chạy hết viện này đến viện khác khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. Có những lúc anh bi quan chán nản, hoang mang và không thiết sống vì coi mình là gánh nặng gia đình. Ðúng lúc đó, Hội đã có mặt và đem lại nguồn hy vọng cho cuộc sống gia đình anh. Anh Sơn đã được các nhà tài trợ mua máy tiện gỗ và giúp anh phát triển nghề mộc. Hiện anh Sơn đã có thu nhập khá ổn định với khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, song anh vẫn ấp ủ nguyện vọng được vay vốn từ ngân hàng chính sách để mở rộng sản xuất, bởi còn nhiều khó khăn về thủ tục đối với một người như anh để có thể tiếp cận nguồn vốn này.
Với bảy người cũng là NKT tham gia công tác thực địa, AEPD đã hoạt động hiệu quả trong việc giúp những NKT hòa nhập cộng đồng, tập huấn các kỹ năng, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, hỗ trợ phương tiện máy móc để NKT có một công việc ổn định. Phương pháp hỗ trợ người đồng cảnh ngộ là một mô hình hiệu quả giúp NKT vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng và có nguồn thu ổn định. NKT và nạn nhân bom mìn sau khi được tập huấn và có công việc, đã tham gia tập huấn và giúp đỡ người đồng cảnh ngộ. Chị Cao Thị Mến, sinh năm 1967 ở thôn Hai, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, bị trúng đạn và liệt cả hai chân từ khi còn nhỏ. Chị trải qua nhiều năm sống khép mình với những mặc cảm tự ti và không muốn giao tiếp với mọi người. Ðược sự giúp đỡ của AEPD, năm 2011, chị Mến đã được đi mổ gắp đạn và sau đó được Hội cho đi học nghề làm mây tre đan. Ðến nay chị đã có việc làm ổn định với thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của chị được công ty xuất khẩu hàng thủ công về đặt hàng. Theo tinh thần của dự án, sau khi có việc làm ổn định, chị Mến đã dạy lại nghề cho 10 NKT khác. Chị Mến bây giờ đã nói chuyện cởi mở, không tự ti, thậm chí chị còn mơ ước được tạo điều kiện để mở một xưởng sản xuất nhỏ để những người đồng cảnh ngộ vào cùng làm việc.
Ngoài ra Tổ chức Plan quốc tế cũng bắt đầu hợp tác với Quảng Bình từ năm 2003, với việc triển khai dự án về chăm sóc và phát triển trẻ thơ toàn diện tại sáu xã thuộc huyện Lệ Thủy, tiếp đến là các huyện Quảng Ninh và Minh Hóa. Với phương thức “Phát triển cộng đồng tập trung vào trẻ em”, các dự án của Plan thu hút sự tham gia của cả trẻ em, gia đình và cộng đồng vào các quá trình phát triển cộng đồng, thúc đẩy hoạt động của các nhóm, tổ chức như các Hội Phụ nữ, Nông dân, Thanh niên. Các chương trình Giáo dục; Nước sạch, vệ sinh môi trường; Y tế; Bảo vệ trẻ em; Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; Tiết kiệm và vay vốn thôn, bản; Nâng cao năng lực lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đã được Plan triển khai hiệu quả và góp phần không nhỏ giúp nâng cao nhận thức của người dân. Nhờ được tập huấn kỹ năng và tham gia các hoạt động ngoại khóa, trang bị kiến thức và hỗ trợ về cơ sở vật chất, con em ở nhiều xã đã có chỗ học hành, vui chơi tốt hơn. Các chương trình như “Cô đỡ thôn bản”, “Tiết kiệm và vay vốn thôn bản” đã đi vào phục vụ thiết thực cho cuộc sống người dân.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()