Những lưu ý khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc
Đại diện Trung Quốc đề nghị cơ quan chức năng và nông dân trồng trái cây Việt Nam kiểm soát chặt chẽ chất lượng, xây dựng quy tắc thống nhất để đảm bảo việc thu hoạch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Sáng 10/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản-thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc.”
Chia sẻ về điều kiện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ thực vật cho biết các lô hàng xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc đưa ra các yêu cầu về vùng trồng với việc phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giám sát và đảm bảo không có đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm, đồng thời lưu trữ hồ sơ giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại.
Các cơ sở đóng gói phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Sau khi đóng gói, cần bảo quản ở khu vực riêng biệt, không để chung với hàng xuất khẩu sang các thị trường khác, nhất là phải được áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh vật gây hại.
Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo những phương pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Cụ thể, lô hàng không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hợp lệ sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy. Lô hàng của các cơ sở chế biến chưa đăng ký, phát hiện đất, các đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống… sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy, bà Phan Thị Thu Hiền thông tin.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 19/2022/TT-BNNPTNT về Danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và Danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam. Thông tư có hiệu lực từ ngày 16/1/2023. Tuy nhiên, quá trình chỉ đạo sản xuất, tra cứu hiện nay vẫn áp dụng theo Thông tư số 19/2021/TT-BNNPTNT.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật cho biết trong quá trình tra cứu qua các ứng dụng cần lưu ý thời gian hiệu lực của Thông tư 19/2022/TT-BNNPTNT để tránh sử dụng các loại thuốc đã bị loại bỏ, không đúng theo quy định gây ảnh hưởng tới sản phẩm. Hiện nay, có hai cách tra cứu danh mục trên website của Cục Bảo vệ thực vật và thông qua ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật trên điện thoại thông minh.
Chia sẻ những hướng dẫn sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho biết việc thiết lập quản lý vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ đảm bảo được tính minh bạch để truy được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả sản xuất nông sản của Việt Nam.
Sản phẩm trước và sau thu hoạch phải được phân tích theo các chỉ tiêu về: giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo Thông tư 50/2016/TT-BYT, giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm theo QCVN 8-2:2011/BYT, giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm theo QCVN 8-1:2011/BYT.
Cơ sở sản xuất cũng phải lấy mẫu và phân tích sản phẩm theo quy định trên cơ sở kết quả đánh giá nguy cơ trong quá trình sản xuất.
Cục Bảo vệ thực vật cũng lưu ý các doanh nghiệp đã được cấp mã số xuất khẩu năm 2021 cần thực hiện bổ sung thông tin đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc theo Lệnh 248 Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài của Tổng cục Hải quan Trung Quốc trước ngày 30/6/2023.
Bên cạnh đó, các đơn vị đăng ký cấp mã số xuất khẩu mới cũng như bổ sung thông tin năm 2021 theo hướng dẫn đăng tải trên website của Cục Bảo vệ thực vật.
Cũng tại diễn đàn, ông Bob Wang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đề nghị các cơ quan chức năng và nông dân trồng trái cây Việt Nam kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây và xây dựng các quy tắc thống nhất để đảm bảo việc thu hoạch và khử trùng trái cây Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; quy trình đóng gói nghiêm ngặt; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, chất lượng.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất trái cây Việt Nam chưa nắm bắt được xu hướng thị trường Trung Quốc, bán hàng một cách thụ động mà không tìm hiểu nhu cầu thực sự của thị trường. Do đó, Việt Nam cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, đặc biệt thường xuyên nắm bắt và cập nhật thông tin thị trường Trung Quốc, ông Bob Wang cho hay./.
Ý kiến ()