Những lời cầu chúc, sẻ chia thắp lên triệu nén hương lòng trước Lễ tưởng niệm
20 giờ tối nay 19-11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19. Rất nhiều bạn đọc Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã và đang gửi đến tòa soạn những lời cầu chúc, sẻ chia, cùng thắp lên triệu nén hương lòng. Báo Quân đội nhân dân Điện tử liên tục cập nhật thông tin bình luận, comment của bạn đọc (phía dưới).
Những lời cầu chúc, sẻ chia của bạn đọc trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử:
Cùng thắp lên triệu nén hương lòng
Đại dịch Covid-19 hai năm qua đã gây ra những thiệt hại mất mát lịch sử, đã cướp đi sinh mệnh của hơn 23.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, để lại nỗi đau tận cùng cho người thân, gia đình và bạn bè; hàng ngàn trẻ mồ côi cha, mẹ và những hình ảnh đau đớn đến tận cùng của những người chồng, người vợ, người con, người anh, người chị khi chỉ có thể tiếp nhận kỷ vật thân nhân của mình. Nỗi đau, sự mất mát như một cơn lốc quét qua, thật sự khủng khiếp, để lại trong lòng người ở lại khoảng trống khó lòng khỏa lấp nổi.
20 giờ tối nay 19-11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Lễ tưởng niệm được tổ chức để tưởng nhớ những người đã không may qua đời vì Covid-19, chia sẻ những nỗi đau, mất mát với gia đình và người thân của họ và cũng là nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, là tình cảm thiêng liêng trong mỗi chúng ta và là sự quan tâm, sẻ chia, động viên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nỗi đau của đồng bào. Lễ tưởng niệm không chỉ có những nén tâm nhang dành cho những người đã khuất, lễ tưởng niệm cũng là lời cảnh tỉnh, nhắc nhớ tất cả chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm.
Rất nhiều bạn đọc Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã và đang gửi đến tòa soạn những lời cầu chúc, sẻ chia, cùng thắp lên triệu nén hương lòng. Báo Quân đội nhân dân Điện tử liên tục cập nhật thông tin bình luận, comment của bạn đọc (phía dưới).
Dưới đây là lời nhắn gửi từ những chư tăng tới các nạn nhân đã không may mắn và cả những người còn cơ hội được sống tiếp trên đời. Đó cũng là lúc chúng ta nhìn lại những ngày đau thương của dịch bệnh để biết quý trọng cuộc sống hiện tại, hướng tới tương lai.
Phật tử tham gia cầu siêu cho các nạn nhân mất do Covid-19 tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: PHƯƠNG NAM. |
Sư thầy Thích Đạo Thiện (chùa Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội): Mong chúng sinh được siêu độ về cõi vĩnh hằng
Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều chúng sinh và đó là điều mà không ai mong muốn. Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 là lời báo ân, hồi hương công đức với 23.000 người đã mất vì Covid-19, để các nạn nhân được siêu thoát về cảnh giới an lạc.
Đây cũng là mong muốn của Phật giáo, để xoa bớt đi phần nào nỗi đau của những người ở lại, giúp họ tiếp tục vững tin vào Phật, vào những điều tốt đẹp của cuộc đời. Mỗi một người ra đi là lời nhắn cho người ở lại, và đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại những ngày đau thương của dịch bệnh để biết quý trọng cuộc sống an lành hiện tại, sống có ích hơn trong tương lai.
Hôm nay, cùng với tất cả mọi người trên khắp đất nước, chúng ta sẽ cùng nhau cầu chúc cho những nạn nhân xấu số ấy, được chuyển kiếp siêu sinh, được siêu độ thanh thản về cõi vĩnh hằng.
Thượng tọa Thích Minh Nghiêm (Trưởng ban trị sự kiêm Trưởng ban tăng sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế – Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Thọ): Điều quan trọng nhất là cái Tâm và lòng thành hướng đến, Tâm sáng sẽ soi đường
Lễ cầu siêu tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 sẽ diễn ra ở tất cả các chùa trên cả nước. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương mà có những nơi cho phép chư tăng tập trung, nhưng cũng có những nơi các chùa chỉ cần tụng kinh Phật A Di Đà cầu siêu cho các chúng sinh tử nạn. Nhưng quan trọng nhất là cái Tâm và lòng thành hướng đến. Làm gì cũng cần phải có cái Tâm, Tâm không sáng không thể an, Tâm không sáng không thể thành.
Mỗi người sinh ra trên đời đã là một điều hy hữu. Mỗi người đều có số kiếp và cái nghiệp cần trả trước khi siêu sinh. Dịch bệnh Covid-19 là cái nghiệp chung, đều chịu ảnh hưởng bởi nó và không ai biết trước được điều gì sẽ xảy đến với mình. Vậy nên trước mắt những người may mắn còn sống hãy cố gắng hướng Thiện, cố gắng lạc quan và sống có trách nhiệm. Không chỉ vì chính mình, mà còn vì gia đình, vì cộng đồng và vì cả những người đã kém may mắn.
Trước mắt chúng ta vẫn cần tuân thủ chặt chẽ những quy định phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm giãn cách, quy tắc “5K”. Mỗi cá nhân an toàn, xã hội sẽ an toàn.
Lời cuối mong các nạn nhân xấu số sớm được tịnh độ, siêu thoát về cõi an lạc.
Thượng toạ Thích Minh Nghiêm, Trưởng ban trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế – Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Thọ, đồng thời trụ trì tại chùa Giàn – Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội. |
Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam): Trong đau thương thấy rõ nhất tình thương yêu, đùm bọc
160 ngày chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vừa qua là những ngày cả nước cùng căng mình, nín thở dõi theo và sẻ chia, đồng lòng cùng TP Hồ Chí Minh. 23.000 đồng bào đã mất. Đó thực sự là tổn thất và mất mát vô cùng to lớn, là nỗi đau thương của tất cả chúng ta, nhất là những gia đình có người thân bị mất do dịch Covid-19.
Phật giáo với sứ mệnh cứu khổ chúng sinh trên cả hai phương diện độ sinh và độ tử đã không thể đứng ngoài nỗi đau của những người dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hướng dẫn và kêu gọi các chùa tổ chức cầu siêu, tiếp nhận tro cốt miễn phí với tinh thần từ bi, cứu khổ, độ sinh cho tất cả mọi người.
Với người bệnh và những người trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến thu dung, tăng ni, phật tử các chùa đã ủng hộ nhu yếu phẩm, các suất cơm yêu thương, trang thiết bị y tế, bình oxy, túi thuốc F0, túi an sinh phát cho người dân. Các tăng ni cũng chăm sóc bệnh nhân trong các bệnh viện dã chiến, cặm cụi với những suất cơm đong đầy yêu thương kịp gửi tới các khu cách ly.
Không chỉ tổ chức các đại lễ cầu siêu vong linh tử vong do đại dịch Covid-19, tiếp nhận tro cốt nạn nhân tử vong trong đại dịch thờ cúng tại các chùa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn tổ chức các khóa tu ngày an lạc, khóa tu thiền online để trị liệu tinh thần cho những người bị ảnh hưởng, sang chấn tâm lý do dịch bệnh và thời gian giãn cách quá dài…
Dịch bệnh đem đến vô vàn đau khổ, mất mát không gì bù đắp được nhưng cũng chính trong đau thương chúng ta thấy rõ nhất tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau thật cảm động của người Việt. Đó là niềm an ủi và sức mạnh lớn cho tất cả người Việt cùng vươn mình đứng dậy hôm nay.
Ý kiến ()