Những ‘lỗ hổng’ của camera đang đe doạ cuộc sống người dùng
Cùng với nhu cầu sử dụng camera tăng nhanh trong các hộ gia đình, doanh nghiệp và tổ chức hiện nay… các vụ việc camera bị hack khiến thông tin hình ảnh, video bị lộ cũng đã và đang diễn ra ngày càng nhiều. Nguyên nhân do vấn đề bảo mật hoặc camera không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Bị ‘tấn công’ qua camera nhưng người dùng không biết
Theo B&Company Vietnam (Công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản đặt tại Việt Nam), thị trường camera ở nước ta đang có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm khoảng 8,6% trong giai đoạn 2020-2026.
Chỉ tính riêng năm 2021, số lượng camera nhập khẩu ở nước ta ước tính 5 triệu chiếc, chỉ đứng sau smartphone về sản lượng. Các loại camera trên thị trường Việt Nam có rất nhiều chủng loại, từ các thương hiệu nổi tiếng đến các sản phẩm giá trung bình. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại camera đều đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhất là với các sản phẩm giá rẻ hoặc không rõ nguồn gốc.
Thực tế, nhiều thông tin hình ảnh nhạy cảm, liên quan đến bí mật đời tư cá nhân, thông tin hình ảnh doanh nghiệp… đã bị lộ lọt và bị phát tán trên các trang mạng do camera bị hack.
Ông Ngô Việt Khôi, Cố vấn bảo mật của Tập đoàn MKgroup lấy ví dụ trường hợp một phụ nữ ở Hải Phòng bị phát tán hình ảnh khi thay đồ và nhiều hoạt động riêng tư khác lên mạng, trong khi người phụ nữ đó không biết. Trong trường hợp này, nguyên nhân hình ảnh bị phát tán là do người thợ lắp camera không bảo vệ mật khẩu cho chủ nhà và bản thân chủ nhà cũng không biết để thay đổi mật khẩu camera khi sử dụng.
Một trường hợp khác ở Mỹ, bố mẹ mua đồ chơi có gắn thiết bị camera để giám sát trẻ nhỏ. Tuy nhiên, gia đình đã phát hiện, chiếc camera gắn vào đồ chơi của con có cả loa nên tất cả âm thanh của gia đình đều được ghi lại qua loa này. Thậm chí, còn có người tranh cãi với gia đình của trẻ qua chính loa camera này khi bị gia đình phát hiện. Trước đó, đối tượng đó cũng đã tương tác với đứa trẻ qua chiếc loa này khi trẻ sử dụng đồ chơi.
Thậm chí, tại một quốc gia, đã có trường hợp tin tặc truy cập trái phép vào hệ thống giám sát công cộng và giám sát khu vực đó, thao túng camera hoặc quay lại các góc quay dữ liệu mà họ không được quyền lưu trữ. Khi đó, camera của cơ quan quản lý nhưng dữ liệu đã thuộc về bên tin tặc.
Đây chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp bị lộ lọt hình ảnh thông tin, hình ảnh hoạt động cá nhân qua các thiết bị camera hiện nay. Không chỉ xảy ra trong các gia đình, rất nhiều đoạn video quay trái phép tại nhà nghỉ và khách sạn cũng bị hacker khai thác lỗ hổng thiết bị và bán làm nội dung “xem trực tiếp” trên các trang web dành cho người lớn.
“Gần đây, trên Telegram đã xuất hiện nhiều nhóm chia sẻ nội dung liên quan đến việc mua bán clip từ việc xâm nhập camera gia đình ở Việt Nam. Mỗi nhóm thu hút hàng nghìn người tham gia”, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết.
Tại sao thông tin, hình ảnh dễ bị lộ lọt qua camera?
Theo ông Ngô Việt Khôi, bản thân thiết bị camera không cần phải công nghệ quá cao, nên người dân có thể mua của bất kỳ nhà cung cấp nào. Tuy nhiên, có rất nhiều thiết bị camera trên thị trường hiện nay khi đến tay người sử dụng không thể thay đổi được username và password. Tức là hàng trăm, hàng triệu camera cùng có username và password mặc định giống nhau. Điều này đồng nghĩa với tính bảo mật không cao, nguy cơ bị xem trộm và rất dễ bị hack, các đoạn video nhạy cảm sẽ bị đưa lên mạng mà người sử dụng camera không biết… Những thiết bị camera này thường có giá rẻ.
Bên cạnh đó, nhiều người dùng camera chỉ đơn giản cho rằng, camera ghi lại hình ảnh vào một thời điểm nào đó để phục vụ việc giám sát, quản lý an ninh nên không quan tâm đến vấn đề bảo mật. Nhiều gia đình, doanh nghiệp sau khi lắp đặt camera, chỉ đơn giản không quan tâm hoặc quên thay mật khẩu, dẫn đến nhiều đối tượng có thể sử dụng mật khẩu ban đầu để truy cập trái phép vào camera của chính các gia đình, doanh nghiệp đó.
Thậm chí, trên thị trường còn có một số dòng camera hoạt động theo cơ chế Cloud kết nối về server đặt tại nước ngoài, vì vậy các thông tin camera ghi lại sẽ được “gửi” ra nước ngoài trước khi kết nối với camera của người dùng ở Việt Nam.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc quản lý các camera giám sát để đảm bảo an toàn thông tin cho mỗi cá nhân, tổ chức là một trong những vấn đề quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Những đối tượng xấu có thể sử dụng các thông tin, hình ảnh lộ lọt từ camera giám sát để tống tiền, đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân, uy hiếp nạn nhân để thực hiện các hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn hoặc cưỡng đoạt tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Pháp luật Việt Nam đã quy định chế tài rất cụ thể đối với các hành vi thu thập, sử dụng trái phép thông tin hình ảnh cá nhân của người khác. Theo đó, hành vi sử dụng các thông tin hình ảnh của người khác trái phép nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm uy tín của người khác, có thể bị xử lý hình sự với chế tài có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Luật sư Đặng Văn Cường khuyến cáo người dân không nên mua các thiết bị camera trôi nổi, không rõ nguồn gốc, cần xác định những vị trí đặt camera để không ảnh hưởng đến đời sống riêng tư cá nhân, hạn chế chia sẻ, cung cấp mật khẩu, các thông tin dữ liệu trong camera an ninh cho người khác khi không thực sự cần thiết…
Nếu phát hiện camera an ninh không an toàn, có nguy cơ bị theo dõi, bị lộ lọt thông tin, người sử dụng cần phải báo ngay cho cơ quan chức năng, dừng sử dụng và yêu cầu tổ chức cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm nếu phát hiện hành vi thu thập, sử dụng trái phép thông tin cá nhân…
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, ngoài các quy định chung và các văn bản pháp luật đã có, rất cần phải có những quy định riêng ở dạng nghị định, thông tư để quản lý chặt chẽ hơn nữa việc sản xuất, mua bán, đảm bảo an ninh an toàn đối với các camera an ninh, camera giám sát.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục CNTT-TT, Bộ TT&TT, để triển khai chương trình Chuyển đổi số quốc gia; chiến lược phát triển quốc gia về kinh tế số, xã hội số…Việt Nam đang rất cần các sản phẩm, giải pháp, nền tảng số “make in Việt Nam”, trong đó có sản phẩm camera, đặc biệt là dòng sản phẩm camera “make in Việt Nam” an toàn, bảo mật do chính người Việt Nam sản xuất.
Bộ TT&TT luôn xác định, vấn đề bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống camera là rất quan trọng. Dự kiến, tháng 11/2023 tới, bộ quy chuẩn về an toàn bảo mật đối với camera giám sát sản xuất trong nước và nhập khẩu sẽ được ban hành, nhằm hướng đến các thiết bị camera được cung cấp đảm bảo an toàn bảo mật.
– Sử dụng camera có uy tín, nguồn gốc xuất xứ và đã được kiểm định bởi các chuẩn bảo mật trong và ngoài nước, có hỗ trợ mã hóa dữ liệu, đặc biệt khi truyền dữ liệu qua mạng.
– Chỉ cho phép những người cần thiết có quyền truy cập vào hệ thống camera. Đóng tất cả các cổng không cần thiết và chỉ mở những cổng cần thiết cho hoạt động của camera.
– Đặt mật khẩu mạnh (chứa các ký tự kết hợp chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt) cho camera; không sử dụng mật khẩu mặc định của nhà sản xuất, đồng thời phải thay đổi mật khẩu thường xuyên.
– Kích hoạt xác thực hai yếu tố (nếu có) để tăng cường bảo mật; đảm bảo rằng firmware và phần mềm của camera luôn được cập nhật để khắc phục các lỗ hổng bảo mật.
– Sử dụng chế độ riêng tư hoặc tắt camera khi không cần thiết. Nếu camera lưu trữ dữ liệu trên đám mây, đảm bảo rằng nhà cung cấp dịch vụ đám mây có các biện pháp bảo mật mạnh.
– Sử dụng tường lửa để chặn truy cập không mong muốn từ bên ngoài và sử dụng VPN khi truy cập camera từ xa để bảo vệ thông tin truyền tải.
Ý kiến ()