Những lá đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo
Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, xa của huyện Con Cuông (Nghệ An) đã viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ðơn xin thoát nghèo là minh chứng cho đời sống của đồng bào đang được nâng lên đáng kể; tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước vốn tồn tại từ lâu trong một bộ phận người dân đang được xóa bỏ.
Xin thoát diện hộ nghèo
Cuối tháng 9-2014, trong chuyến công tác tại huyện biên giới Con Cuông, Nghệ An, chúng tôi được ông Hoàng Ðình Hồng, Phó trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Con Cuông cho xem 15 lá đơn xin thoát nghèo của bà con đồng bào dân tộc Thái ở xã Thạch Ngàn. Tất cả đều được viết tay, mỗi lá đơn viết bằng một nét chữ khác nhau, cách trình bày khác nhau, nhiều lá đơn viết còn sai lỗi chính tả. Thế nhưng nội dung các lá đơn lại toát lên nguyện vọng chân thành xin được thoát nghèo. Trong lá đơn xin thoát nghèo gửi chính quyền địa phương, bà Lữ Thị Toán, bản Khe Gia, xã Thạch Ngàn viết: “Kể từ trước đến nay, gia đình chúng tôi rất nghèo khổ. Ban quản lý bản và UBND xã Thạch Ngàn đã bình xét cho gia đình chúng tôi được hưởng chế độ hộ nghèo đã ba đến bốn năm rồi. Nhưng hiện nay kinh tế gia đình tôi đã tạm ổn, trong nhà có trâu, xe, ti-vi rồi. Vậy tôi làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại cho những hộ còn nghèo như gia đình chúng tôi trước đây… Tôi cũng xin những hộ như tôi phải nhường lại cho những hộ còn gặp khó khăn nghèo khổ với nhé”.
Chị Lương Thị Nhung, hội viên Chi hội Phụ nữ bản Kẻ Trai, xã Thạch Ngàn viết trong đơn: “Ðầu năm 2012, gia đình tôi được hội viên phụ nữ và toàn xã viên bản Kẻ Trai bầu vào danh sách hộ nghèo. Ðến nay tôi nhận thấy gia đình đã có điều kiện để làm ăn và có khả năng thoát nghèo. Vậy tôi viết đơn này kính mong quý cấp trên xem xét khuyến khích để gia đình tôi có thêm động lực vươn lên”. Còn nhiều lá đơn nữa của bà con xã Thạch Ngàn trình bày với nhiều lý do khác nhau để xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.
Trở lại với câu chuyện, ông Hoàng Ðình Hồng cho biết thêm: “Ðây chỉ là số hộ có đơn do xã gửi lên, còn thực tế, phong trào người dân viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo đang lan rộng ở các xã khác như Môn Sơn, Lục Dạ, Châu Khê…”.
Trong 10 hộ dân xin thoát nghèo của xã Môn Sơn và hàng chục hộ dân khác tại huyện Con Cuông, đáng chú ý nhất là gia đình bà La Thị Nguyệt, người dân tộc Ðan Lai, định cư tại bản Cửa Rào. Năm 2002, gia đình bà cùng 36 hộ dân Ðan Lai khác ra khỏi vùng lõi rừng Quốc gia Pù Mát, tái định cư tại hai bản Tân Sơn và Cửa Rào của xã Môn Sơn. Ngày đầu về bản mới, gia đình bà Nguyệt cũng như các hộ dân khác không quen giao tiếp với cộng đồng các dân tộc chung quanh, vẫn sống cô lập, không chịu đi làm, suốt ngày uống rượu. Gia đình bà Nguyệt và 100% số hộ gia đình ở đây trông chờ gạo cứu đói và các chính sách hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước.
Phải mất một thời gian dài, cán bộ biên phòng Ðồn Biên phòng Môn Sơn bám bản cùng ăn, cùng ở với người dân để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách làm ruộng thì họ mới quen dần với lối sống mới. Khi bà con tự biết cách sản xuất nông nghiệp, cán bộ biên phòng tiếp tục vận động họ khai hoang đất để trồng rừng, trồng sắn thay cho việc chặt cây rừng như trước. Khu vực nào đất màu mỡ, bà con đã biết tận dụng trồng ngô, sắn, rau để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Ở bản Cửa Rào, bà La Thị Nguyệt là người gương mẫu đi đầu về phát triển kinh tế hộ gia đình. Cùng với việc trồng lúa nước, trồng ngô, sắn, từ nguồn vốn vay hộ nghèo, bà mạnh dạn mua trâu, bò nái để chăn nuôi. Hiện nay gia đình bà Nguyệt có năm con trâu, bò và đàn gà, vịt luôn lên đến hàng chục con. Ðây là nguồn thu nhập ổn định cho gia đình bà trong những năm gần đây. Ðời sống vật chất, tinh thần gia đình được nâng lên trông thấy.
Bà Nguyệt định hướng cho người con trai duy nhất đi học nghề cơ khí. Ðến nay, tay nghề anh đã vững, có công việc, thu nhập ổn định. Bà Nguyệt cũng là người đi đầu ở địa phương trong công tác vận động người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu tồn tại lâu đời trong đồng bào Ðan Lai để thực hiện theo nếp sống mới. Năm 2013, bà La Thị Nguyệt đã tự nguyện xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo của bản. Bà Nguyệt bộc bạch với chúng tôi: “Nhà mình đã chủ động được lương thực nhờ cây lúa nước, phát triển được đàn gia súc lớn, đời sống đỡ hơn nhiều. Theo tiêu chí, mình đã thoát nghèo, cho nên mình tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của bản. Mong rằng sẽ có nhiều bà con Ðan Lai trong và ngoài bản thoát được nghèo như gia đình mình”.
Xóa bỏ tư tưởng “há miệng chờ sung”
Câu chuyện hàng chục hộ dân thuộc cộng đồng các dân tộc thiểu số viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, tỷ lệ nghèo đói hằng năm đều đặn giảm xuống 4 đến 5% là tín hiệu tích cực của huyện biên giới Con Cuông. Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Con Cuông Phùng Văn Mùi, có được những kết quả nêu trên là nhờ các cấp chính quyền địa phương, đoàn thể trên toàn huyện đã trải qua 10 năm bền bỉ thực hiện một chủ trương đúng đắn. Ðó là Nghị quyết số 21 NQ/HU về việc khắc phục tư tưởng bảo thủ trông chờ, dựa giẫm, ỷ lại trong cán bộ đảng viên và nhân dân, được Ban Chấp hành Huyện ủy Con Cuông ban hành vào tháng 7-2004. Cũng theo đại diện Ban Tuyên giáo Huyện ủy Con Cuông, Nghị quyết 21 đi vào cuộc sống và thu được kết quả tích cực như trên có vai trò của đảng viên, cán bộ ở cấp cơ sở. Cán bộ, đảng viên là những người tích cực phát triển kinh tế để đưa gia đình mình thoát nghèo, phải là người gương mẫu xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn, bản, từ đó vận động, giúp đỡ nhân dân cùng thoát nghèo.
“Những hộ gia đình đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo sẽ khó tái nghèo, bởi họ đã cam kết trước cộng đồng thôn, bản. Người dân vùng cao vốn rất trọng chữ tín cho nên họ sẽ làm tất cả để phát triển kinh tế gia đình mình. Ðây cũng là một tín hiệu rất vui trong việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới tại địa phương chúng tôi” – Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Con Cuông Phùng Văn Mùi, người có hơn 30 năm công tác tại huyện miền núi này, khẳng định.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()