Những lá đơn của lòng tự trọng
– “Từ trước đến nay, Hồng Phong là xã đầu tiên trên địa bàn huyện có các hộ dân viết đơn xin thoát nghèo, cận nghèo. Đây thực sự là những tấm gương sáng, góp phần làm thay đổi nhận thức, xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ có khả năng thoát nghèo viết đơn xin thoát nghèo nhằm tạo động lực, tạo sức lan tỏa trong phong trào giảm nghèo tại huyện.” Đó là đánh giá của ông Lương Đình Tùng, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh, Xã hội và Dân tộc huyện Bình Gia khi nói về những lá đơn xin thoát nghèo trên địa bàn xã Hồng Phong.
Xã Hồng Phong có 878 hộ với trên 3.800 nhân khẩu, đời sống của người dân phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi… nên còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 còn 25,23%, số hộ cận nghèo chiếm 31,05%, thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, trong tháng 10/2021, chính quyền cơ sở đã nhận được 1 lá đơn xin thoát nghèo và 2 hộ tình nguyện xin ra khỏi hộ cận nghèo.
Hộ anh Nông Văn Liệu, thôn Nà Ven, xã Hồng Phong đã tình nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ cận nghèo
Đó là gia đình ông Nông Văn Phong, trú tại thôn Kim Liên, xã Hồng Phong. Chia sẻ về lý do làm đơn xin thoát nghèo, ông Phong cho biết: Tôi là người khuyết tật. Thu nhập của gia đình dựa vào ruộng đồng, chăn nuôi lợn, gà và hơn 6 ha rừng mỡ sắp đến tuổi khai thác nên cũng tạm đủ trang trải cuộc sống. Dù còn khó khăn nhưng qua các cuộc họp thôn, tôi được tuyên truyền về ý nghĩa của công tác giảm nghèo và nhận thấy còn nhiều hộ khó khăn hơn mình nên tháng 10 vừa qua, tôi đã viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo để lấy đó làm động lực phát triển kinh tế.
Cũng như hộ ông Phong, gia đình anh Nông Văn Liệu, thôn Nà Ven, xã Hồng Phong tình nguyện xin thoát khỏi hộ cận nghèo. Anh Liệu cho biết: Gia đình tôi trước đây thuộc hộ cận nghèo. Năm 2019, thông qua Hội Nông dân xã, gia đình được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng hơn 1.000 cây mỡ, đến nay cây phát triển tốt. Đồng thời, để “lấy ngắn nuôi dài”, tôi chủ động chăn nuôi gà, vịt và trồng thêm cây thạch ở diện tích đất dưới chân đồi đem lại thu nhập trung bình gần 10 triệu đồng/vụ/năm nên cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả. Tháng 10/2021, tôi viết đơn xin thoát hộ cận nghèo vì nghĩ mình còn sức khỏe thì phải cố gắng lao động để thoát khỏi cảnh khó khăn.
Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có gia đình bà Hoàng Thị Lý, thôn Kim Liên, tuy đã 75 tuổi, đời sống còn nhiều khó khăn do thu nhập chủ yếu dựa vào 3 sào ruộng và mảnh vườn nhỏ để canh tác nhưng bà cũng tình nguyện xin ra khỏi hộ cận nghèo với suy nghĩ cuộc sống mình khó khăn nhưng nhiều hộ còn khó khăn hơn. Bởi vậy, khi thôn rà soát hộ nghèo trong tháng 10/2021, bà đã xin thoát khỏi hộ cận nghèo để có thêm nỗ lực phát triển kinh tế, làm cho cuộc sống gia đình ổn định hơn.
Để có được những lá đơn tình nguyện xin thoát nghèo, xin ra khỏi hộ cận nghèo như trên, thời gian qua, không chỉ cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về công tác giảm nghèo mà trong các cuộc họp thôn, bà con cũng được trưởng thôn, chi hội, đoàn thể trong thôn tuyên truyền về việc không nên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, cần phát huy tiềm năng, lợi thế vươn lên phát triển kinh tế.
Cùng với đó, UBND xã vận động bà con phát huy lợi thế phát triển kinh tế đồi rừng để nâng cao thu nhập và chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xã tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế… Ngoài ra, xã hỗ trợ kịp thời về khoa học kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất, giúp họ từng bước đi lên… Trung bình mỗi năm, xã phối hợp với cơ quan chức năng của huyện tổ chức 2 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt cho bà con. Qua đó, nhận thức của bà con được nâng lên, đáng chú ý là việc 3 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát hộ nghèo, cận nghèo. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác giảm nghèo, bước đầu chứng tỏ người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước mà họ mong muốn vươn lên, góp phần vào công cuộc giảm nghèo tại địa phương.
Ông Vương Văn Son, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Gần đây, trên địa bàn xã có một số hộ làm đơn tình nguyện xin thoát nghèo. Đây thực sự là tấm gương để người dân học tập, noi theo. Xác định việc giảm nghèo bền vững là chìa khóa nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ con giống… Qua đó, nâng cao nhận thức, ý chí của người nghèo trong hành trình vươn lên thoát nghèo.
Ý kiến ()