Những ký ức không quên
LSO-Ngày 30/4/1975, Nhân dân ta kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc ta, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đã 45 năm đã trôi qua nhưng những ký ức về một thời hoa lửa ấy vẫn in sâu đậm trong tâm trí những người lính Cụ Hồ.
Góc nhỏ trưng bày kỷ vật của cựu chiến binh Ngô Văn Long
Thấy may mắn khi mình còn sống
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Đắc Thắng, 72 tuổi ở phố Bờ Sông, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình vào một buổi chiều giữa tháng 4 lịch sử. Trong căn nhà nhỏ ông chia sẻ với chúng tôi những ký ức của mình về những ngày tháng tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Sinh năm 1948, khi tròn 18 tuổi, ông công tác trong ngành bưu điện. Đến năm 1969, ông và 4 anh em trong gia đình xung phong đi bộ đội. Sau hơn 3 tháng huấn luyện, ông được biên chế vào Trung đoàn 27 Triệu Hải anh hùng và tham gia chiến đấu tại chiến trường B5 Quảng Trị.
Ông Thắng chia sẻ: Hồi ấy, là lính trẻ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu nhưng mỗi khi tham gia phục kích tiêu diệt địch, tôi không hề run sợ. Đồng đội tôi cũng vậy. Tình yêu nước, ý chí, khát vọng về độc lập, thống nhất đã tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người lính chúng tôi. Tháng 5/1970, trong một trận giáp lá cà với địch gần điểm cao 544 được mệnh danh là nóc nhà Quảng Trị, lần đầu tiên tôi bị thương, một mảnh đạn găm vào bánh chè chân phải. Sau đó, một số trận khác, tôi cũng bị thương, nhưng đáng nhớ là trận bị mảnh đạn găm xuyên thắt lưng, cũng may mới đến hết phần mềm, chưa đến phần cứng nếu không tôi đã bị liệt.
Những vết thương trong chiến trận khiến sức khỏe của ông giảm sút, năm 1972, ông được xuất ngũ, trở lại công tác trong ngành bưu điện. Hiện nay, cựu chiến binh Nguyễn Đắc Thắng đã bước sang tuổi 72, sức khỏe giảm sút do ảnh hưởng của chất độc da cam, các vết thương cũ và các căn bệnh tiểu đường, ung thư bàng quang nên ông thường xuyên phải đi viện khám, điều trị. Mặc dù vậy nhưng ông vẫn rất lạc quan và cho rằng mình còn sống đến ngày hôm nay là đã may mắn hơn nhiều đồng đội khác – những người nằm lại chiến trường hay những người còn sống nhưng hiện do vướng một số giấy tờ, thủ tục vẫn chưa được công nhận thương binh hay nạn nhân nhiễm chất độc da cam… Vì vậy, trong những ngày tháng 4 lịch sử này, khi những ký ức về đồng đội, về chiến trường ùa về, ông Thắng lại càng mong mỏi Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đến những đối tượng đó để tri ân kịp thời những đóng góp của họ với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Những kỷ niệm của “một thời hoa lửa”
Mặc dù đã được nghe giới thiệu ông Ngô Văn Long (cựu chiến binh khối Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) là một cựu chiến binh giữ được rất nhiều kỷ vật trong thời gian tham gia kháng chiến, nhưng khi được tận mắt chứng kiến, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng về “bộ sưu tập” mà ông nói vui đó là hành trang đã theo ông suốt “một thời hoa lửa”. Trang trọng ở một góc phòng khách, bên hiên cửa sổ, ông bày những kỷ vật mình còn lưu giữ được như: chiếc võng dù, mũ tai bèo, ống nhòm, bao da thắt lưng, cắt móng tay… và một tập ảnh. Cuốn sổ lịch tay bé xíu từ năm 1969 bìa in hình diễn viên điện ảnh Minh Đức và 2 cuốn: Kỷ niệm Tây Nguyên và Nhật ký chiến trường vẫn còn rõ bút tích những bài thơ tình, những bài thơ ông viết khi nhớ về mẹ, gia đình… khiến tôi chưa nghe chuyện đã thấy khóe mắt cay cay.
Ông Ngô Văn Long (sinh ngày 1/8/1952) quê gốc ở Nam Định nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Lạng Sơn. Tháng 9/1969, khi mới bước qua tuổi 17, ông viết đơn xin nhập ngũ. Cầm bức ảnh chụp lưu niệm trước khi đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ông Long bồi hồi: Tháng 1/1970, đơn vị tôi bắt đầu hành quân vào Nam. Theo kế hoạch, đơn vị tôi sẽ vào Tây Ninh nhưng đến ngày 18/3/1970, đang hành quân tới huyện Chư Pông, tỉnh Gia Lai thì xảy ra nội chiến lật đổ Quốc vương Norodom Sihanouk ở Campuchia. Đơn vị dừng lại ở Trạm 15 tỉnh Gia Lai thì được lệnh không đi B2 Tây Ninh nữa mà sang chiến đấu ở Campuchia, làm nhiệm vụ quốc tế. Cuối năm 1970, sau khi giải phóng toàn bộ miền Đông Bắc Campuchia, cả đơn vị quay trở lại Tây Nguyên, đóng quân ở Trung đoàn 95, Đại đội 2, Tiểu đoàn 39.
Kể chuyện chiến đấu đến đâu, ông Long lại đọc những bài thơ ông viết về những địa danh, những miền đất, con người đã cưu mang, chở che ông suốt thời gian tham gia kháng chiến. Trong rất nhiều kỷ vật ông Long giữ được vẫn còn cả những tấm ảnh đen trắng ghi lại thời khắc ông và đơn vị tiêu diệt gọn cả một trung đội của địch; giấy chứng nhận được tặng danh hiệu dũng sĩ; giấy chứng nhận tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua; ảnh chụp lưu niệm với nhiều đồng chí cấp tướng trong quân đội… Với nhiều thành tích xuất sắc, năm 1971, ông Ngô Văn Long – khi đó mới 19 tuổi – đã được lên chức Trung đội trưởng, năm 1972, làm Đại đội trưởng và được kết nạp Đảng khi tròn 20 tuổi. Trong suốt 6 năm tham gia kháng chiến ở Tây Nguyên, ông Long và đồng đội đã kiên cường chiến đấu, cắt đứt các tuyến chi viện của địch với khẩu hiệu: “Cắt đứt giao thông – Làm chủ mặt đường – Kiên cường bám trụ”. Những cố gắng, nỗ lực và cả hy sinh xương máu của ông và đồng đội đã góp phần giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đất nước thống nhất, người lính trinh sát trẻ ngày nào trở thành thương binh hạng 2/4 với nhiều vết thương ở cánh tay phải khiến những ngày trái gió trở trời, cánh tay ông lại đau nhức. Dù vậy, ông Ngô Văn Long vẫn gắn bó với sự nghiệp cách mạng và tham gia công tác trong quân đội. Sau khi nghỉ hưu ông tiếp tục đảm nhận vai trò chủ tịch hội cựu chiến binh và năng động tham gia kinh doanh hợp tác xã vận tải, xứng danh thương binh “tàn nhưng không phế”. Niềm vui, hạnh phúc nhất của cựu chiến binh Ngô Văn Long – người đảng viên có 48 năm tuổi Đảng chính là đã giữ lại được rất nhiều kỷ niệm chiến trường để làm “gia tài lịch sử” cho các con, cháu.
Lời kết
Câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Đắc Thắng và Ngô Văn Long chỉ là hai trong số lớp lớp thế hệ người lính Cụ Hồ đã tham gia chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chiến tranh đi qua nhưng họ – những người lính Cụ Hồ không bao giờ quên ký ức của mình, ký ức về chiến trường một thời bom đạn và những người đồng đội vào sinh ra tử bên nhau. Vì thế, hằng năm, hội đồng ngũ Quảng Trị, hội đồng ngũ Tây Ninh và các mặt trận khác đều tổ chức hành hương về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, gặp lại đồng đội và ôn lại với nhau những ngày tháng thanh xuân tham gia kháng chiến, giành lại độc lập dân tộc.
Năm nay tròn 45 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước nhưng các hoạt động chào mừng phải tạm gác lại vì cả nước đang chung sức đồng lòng chiến đấu với dịch Covid-19. Ông Ngô Văn Long chia sẻ: Theo kế hoạch, hằng năm, Hội đồng ngũ Tây Ninh chúng tôi tụ họp vào ngày 30/4, tuy nhiên năm nay phải hoãn lại vì dịch bệnh nhưng không vì thế mà chúng tôi thấy buồn bởi trong tim những người lính Cụ Hồ, những ngày tháng chiến đấu và những thời khắc lịch sử ấy là những ký ức không bao giờ quên.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()