Những khuất tất ở Công ty cổ phần Lâm sản Bắc Cạn
Nhà xưởng, kho bãi của Công ty cổ phần Lâm sản Bắc Cạn bị bỏ hoang gần một năm qua. Những ngày qua, nhiều cổ đông, công nhân và nông dân bất bình trước việc Công ty cổ phần Lâm sản Bắc Cạn nợ lương, nợ tiền nguyên liệu trong nhiều tháng liền, một số thiết bị sản xuất bị bán sắt vụn. Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Cạn cần vào cuộc làm rõ những khuất tất ở đây, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan...Cổ phần xong, ngừng hoạt độngCông ty cổ phần Lâm sản Bắc Cạn (Công ty Lâm sản Bắc Cạn) là doanh nghiệp chế biến lâm sản được hình thành từ năm 1960, trải qua những tên gọi khác nhau, ban đầu là doanh nghiệp nhà nước, sau đó được cổ phần hóa. Trong hơn 50 năm qua, Công ty Lâm sản Bắc Cạn luôn sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tiêu thụ lâm sản cho nhân dân trên địa bàn. Hơn 40 cán bộ, công nhân có việc làm, đời sống ổn định và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Tuy nhiên,...
Nhà xưởng, kho bãi của Công ty cổ phần Lâm sản Bắc Cạn bị bỏ hoang gần một năm qua. |
Những ngày qua, nhiều cổ đông, công nhân và nông dân bất bình trước việc Công ty cổ phần Lâm sản Bắc Cạn nợ lương, nợ tiền nguyên liệu trong nhiều tháng liền, một số thiết bị sản xuất bị bán sắt vụn. Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Cạn cần vào cuộc làm rõ những khuất tất ở đây, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan…
Cổ phần xong, ngừng hoạt động
Công ty cổ phần Lâm sản Bắc Cạn (Công ty Lâm sản Bắc Cạn) là doanh nghiệp chế biến lâm sản được hình thành từ năm 1960, trải qua những tên gọi khác nhau, ban đầu là doanh nghiệp nhà nước, sau đó được cổ phần hóa. Trong hơn 50 năm qua, Công ty Lâm sản Bắc Cạn luôn sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tiêu thụ lâm sản cho nhân dân trên địa bàn. Hơn 40 cán bộ, công nhân có việc làm, đời sống ổn định và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không hiểu vì sao công ty ngừng hoạt động, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên liên quan bị xâm hại nghiêm trọng.
Công ty Lâm sản Bắc Cạn có vốn điều lệ 1.570 triệu đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 32,5%, còn lại là của cán bộ, công nhân công ty. Khi bán đấu giá phần vốn Nhà nước tại công ty đầu năm 2011, ông Lê Hồng Cương có hộ khẩu thường trú tại số 40, ngõ 66 phố Ga, thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín (Hà Nội) thắng cuộc, mua toàn bộ phần vốn Nhà nước tại đây. Sau đó, một số cổ đông chuyển nhượng phần vốn của mình tại công ty cho ông Cương, lúc này ông Cương nắm giữ 60% vốn điều lệ, 24,8% vốn do hai ông Mạch Quang Trung và Lê Tiến Đạt nắm giữ, phần còn lại 15,2% vốn (tương đương 240 triệu đồng) là của 12 cổ đông là cán bộ, công nhân công ty. Đầu tháng 2-2011, công ty tiến hành đại hội cổ đông, bầu ông Cương làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc.
Từ đây, các hoạt sản xuất, kinh doanh của công ty này bắt đầu sa sút, sau khi sản xuất, chế biến hết số nguyên, vật liệu sẵn có, từ tháng 7-2012 các dây chuyền sản xuất ngừng hoạt động hoàn toàn, nhà xưởng, kho bãi đìu hưu, cổng công ty đóng im ỉm. Bị chậm trả lương nên hơn 40 cán bộ, công nhân lần lượt nghỉ việc, công ty bị cắt điện, nước do nợ đọng kéo dài. Nhân dân chung quanh, đặc biệt là 12 cổ đông có cổ phần tại đây, đã từng có 20 – 30 năm gắn bó với công ty xót xa khi thấy một số thiết bị của dây chuyền sản xuất giấy đế bị tháo dời, vận chuyển đi bán sắt vụn; hằng ngày công ty không có người bảo vệ nên bị trộm cắp tài sản, thiết bị sản xuất. Hơn tám nghìn mét vuông đất thuê của Nhà nước làm trụ sở công ty, mặt bằng nhà xưởng, kho bãi bị bỏ hoang phế, Nhà nước không thu được tiền thuê đất. Một địa chỉ chuyên thu mua lâm sản cho nhân dân để sản xuất ra giấy đế, các sản phẩm trúc xuất khẩu có bề dày hơn nửa thế kỷ đứng trước bờ vực “xóa sổ”.
Quyền lợi người lao động bị xâm hại nghiêm trọng
Thời gian qua người lao động, công nhân, nông dân ở các địa phương liên tục đến công ty yêu cầu thanh toán tiền lương, tiền bán nguyên vật liệu với giá trị lên đến vài trăm triệu đồng, nhưng đều không gặp được lãnh đạo, liên hệ qua điện thoại thì chỉ nhận được những lời hứa suông hết lần này đến lần khác. Làm việc với chúng tôi, các ông Lê Quang Đàn, trú tại tổ 2, phường Đức Xuân; Phạm Văn Doãn, trú tại tổ 5, phường Nguyễn Thị Minh Khai; Hoàng Văn Tiệm, trú tại tổ 5; Đinh Tiến Lực, trú tại tổ 2, phường Sông Cầu đều thuộc thị xã Bắc Cạn, là cán bộ, công nhân của công ty, nhưng từ ngày Nhà nước thoái hết vốn tại công ty, các ông đều ký hợp đồng lao động với ban lãnh đạo mới, nhưng nhiều tháng không được trả lương. Ông Đinh Tiến Lực (SN 1962), là quản đốc phân xưởng sản xuất giấy đế, có gần 20 năm làm việc tại công ty, bức xúc: “Khi Nhà nước có cổ phần chi phối tại công ty, tôi được trả lương hằng tháng, được đóng các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội theo hệ số lương. Khi Nhà nước thoái hết vốn tại công ty, tôi ký hợp đồng lao động với công ty từng năm một, với mức lương bốn triệu đồng/tháng và phải tự đóng các khoản bảo hiểm. Nhưng từ tháng 1-2012 đến 15-7-2012 công ty nợ lương chưa trả. Đặc biệt, nhiều lần tôi đến công ty đề nghị thanh toán tiền lương, nhưng không gặp bất kỳ ai, gọi điện thì lãnh đạo công ty khất lần khất lượt. Nhiều tháng qua, lãnh đạo công ty đi đâu không ai biết, chúng tôi không thể gặp được”. Tương tự như vậy, hàng chục công nhân khác cũng đang trong tình trạng bị nợ lương trong nhiều tháng liền mà không thể gặp được lãnh đạo, người có trách nhiệm của công ty để yêu cầu thanh toán, đời sống vô cùng khó khăn.
12 cổ đông là cán bộ, công nhân công ty nắm giữ 2.400 cổ phần, nhưng hơn một năm qua họ không được họp cổ đông, không được thông báo tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của công ty, bị coi là không còn quyền lợi gì ở công ty nữa.
Khách hàng là những người bán nguyên liệu cho Công ty Lâm sản Bắc Cạn thời gian vừa qua cũng vô cùng bức xúc vì bị quỵt tiền. Chị Lê Thị Mây ở tổ 17, phường Sông Cầu bất bình: “Cuộc sống gia đình tôi chủ yếu dựa vào việc khai thác vầu, trúc bán cho Công ty Lâm sản Bắc Cạn làm nguyên liệu sản xuất giấy đế, các sản phẩm trúc. Nhưng từ đầu năm 2012 công ty nợ tôi 20,9 triệu đồng tiền mua nguyên liệu, đến công ty nhiều lần để đòi tiền mà không gặp được ai có trách nhiệm, đến nay tôi không biết tìm “họ” ở đâu để đòi”. Không chỉ có chị Mây, hàng chục nông dân khác ở thị xã Bắc Cạn, huyện Bạch Thông bị công ty nợ tiền mua nguyên liệu với giá trị hàng trăm triệu đồng.
Gần một năm qua, chẳng những Nhà nước không thu được tiền cho Công ty Lâm sản Bắc Cạn thuê đất, diện tích đất rộng hơn 8.000 m2 do công ty này thuê ở gần trung tâm thị xã Bắc Cạn bị lấn chiếm, hoang phế, sử dụng không có hiệu quả. Mong các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Cạn sớm vào cuộc làm rõ những khuất tất ở công ty này, có biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cổ đông, của công nhân và nông dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()