Nâng cấp, mở rộng đường về xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành (Trà Vinh).
Cách đây không lâu, trong buổi lễ phát động phong trào “Trà Vinh cùng cả nước xây dựng nông thôn mới”, Tỉnh ủy Trà Vinh đề ra mục tiêu đến năm 2015, sẽ tập trung xây dựng 17 xã NTM trên tổng số 84 xã và ít nhất 25 xã đạt 12/19 tiêu chí, các xã còn lại phải đạt từ bảy tiêu chí trở lên so với 19 tiêu chí quốc gia. Dù Trà Vinh có mô hình NTM Mỹ Long Nam làm điểm để rút ra nhiều bài học bổ ích, nhưng để xây dựng 17 xã NTM trong vòng bốn năm thật sự là vấn đề vô cùng nan giải. Chỉ riêng công tác lập quy hoạch đã có quá nhiều cái khó. Vì ngay từ lúc này, không chỉ 17 xã điểm phải hoàn thành xã NTM mới gấp rút thực hiện công tác quy hoạch, mà tất cả các xã trong tỉnh phải tiến hành ngay công tác lập quy hoạch cho xã mình, làm cơ sở xây dựng các tiêu chí của một xã NTM.
Tại Mỹ Long Nam, xã được chọn là một trong 11 xã trong cả nước thí điểm xây dựng mô hình NTM, sau ba năm tập trung sức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến xã và được ưu tiên đầu tư hơn 188 tỷ đồng từ các nguồn vốn, trong đó chủ yếu là ưu tiên điều chuyển vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ngân sách, vốn tín dụng. Đến nay, xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang), đã hoàn thành 18/19 tiêu chí, cơ bản trở thành xã NTM, mặc dù tiêu chí “kiên cố hóa kênh mương” chưa hoàn thành, nhưng Mỹ Long Nam có nhiều tiêu chí vượt so với Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Nhiều người cho rằng, nếu trong nhiều năm qua, Mỹ Long Nam không trúng tôm liên tiếp, không có hàng chục “tỷ phú” nuôi tôm thì tiêu chí về thu nhập bình quân không thể đạt, chứ làm sao dám mơ tưởng đến gấp 1,8 lần bình quân cả tỉnh. Chính mức thu nhập cao này đã có tác động rất lớn đến các tiêu chí khác, nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3%.
Khi chúng tôi đề cập công tác lập quy hoạch ở một xã điểm, đồng chí Lê Văn Syl, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng ban Quản lý xây dựng mô hình NTM xã Mỹ Long Nam cho biết: Công tác lập quy hoạch tốn rất nhiều công sức, tiền của. Đối với xã điểm, chúng tôi phải triển khai thực hiện đến năm quy hoạch. Đó là: Quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch mạng lưới điểm dân cư NTM, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và quy hoạch chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phát triển ngành nghề nông thôn. Tổng chi phí cho năm quy hoạch này mất hơn 800 triệu đồng. Vì là xã điểm cho nên được sự quan tâm của các cơ quan trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị tư vấn sớm lập quy hoạch. Tuy nhiên, một số đơn vị tư vấn, lập quy hoạch chưa hiểu hết tình hình địa phương nên quy hoạch phải chỉnh sửa lại rất nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ so kế hoạch; nội dung các quy hoạch chưa trùng khớp nhau. Dù được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm hỗ trợ, nhưng đến nay, Mỹ Long Nam cũng mới chỉ cắm mốc chỉ giới đối với quy hoạch trung tâm cụm xã, còn các quy hoạch khác vẫn chưa được cắm mốc chỉ giới, chỉ căn cứ hiện trạng để quản lý và cũng chưa ban hành được quy chế quản lý quy hoạch. Đồng chí Lê Văn Syl thẳng thắn thừa nhận: Cán bộ xã chưa đủ sức để làm quy hoạch, trong khi cán bộ từ các trung tâm, các viện đến làm quy hoạch lại không am hiểu tình hình địa phương, cho nên gặp không ít khó khăn trong thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch.
Theo quy định của Thông tư liên tịch số 13/2011 giữa Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ 15-12-2011, UBND xã phải chịu trách nhiệm lập đồ án quy hoạch nông thôn mới. Theo đó, UBND xã phải tổ chức lập đồ án quy hoạch, quy định quản lý theo quy hoạch và thông qua hội đồng nhân dân xã trước khi trình UBND huyện phê duyệt. Sau khi đồ án được phê duyệt, UBND xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý theo quy hoạch ở các nội dung: Tổ chức công bố, công khai và cung cấp thông tin quy hoạch; cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng kỹ thuật và ranh giới phân khu chức năng; xác định cụ thể diện tích, ranh giới đất lúa nước, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ ngoài thực địa và lưu trữ hồ sơ. Trao đổi ý kiến với chúng tôi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè Ngô Thanh Xuân nói: Cấp xã không đủ khả năng lập đồ án quy hoạch NTM. Huyện đã hỗ trợ các xã rất nhiều trong lập đồ án quy hoạch, nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Huyện Cầu Kè được tỉnh giao chỉ tiêu xây dựng ba xã NTM giai đoạn I đến 2015 hoàn thành là: Châu Điền, xã điểm của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; xã An Phú Tân và Ninh Thới là xã điểm của tỉnh. Khi so bộ tiêu chí, xã đạt nhiều tiêu chí nhất là An Phú Tân (sáu tiêu chí), kế đến là Ninh Thới (năm tiêu chí) còn Châu Điền mới đạt ba tiêu chí. Kế hoạch đưa ra là đến cuối năm 2011 phải hoàn thành công tác quy hoạch ba xã này, nhưng đến nay chưa xã nào hoàn thành. Đồng chí Ngô Thanh Xuân cho rằng, quy hoạch là công tác trọng tâm trong quá trình xây dựng NTM, quy hoạch các xã NTM phải gắn với quy hoạch của huyện, gắn với quy hoạch tổng thể của tỉnh. Vì vậy, quy hoạch cần phải được tiến hành một cách cẩn thận, sát tình hình thực tế từng địa phương, gắn với quy hoạch tổng thể của huyện.
Chúng tôi đến xã An Trường (Càng Long) và xã Hưng Mỹ (Châu Thành) là hai trong 17 xã điểm của tỉnh phải hoàn thành xã NTM giai đoạn I đến 2015. Vì xuất phát từ xã văn hóa nên hai xã này đều đã đạt được 10/19 tiêu chí về NTM. Tuy nhiên đến nay, hai xã này vẫn chưa hoàn thành việc lập đồ án quy hoạch. Đồng chí Nguyễn Văn Lên, Bí thư xã An Trường nói rằng, một xã mà lập đến ba cái quy hoạch là rất lãng phí, từ đó còn sinh ra nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, vênh nhau giữa các quy hoạch. Đồng chí Lâm Anh Dũng, Bí thư xã Hưng Mỹ cho biết: Cách đây hơn nửa năm, xã liên hệ với các đơn vị tư vấn để lập đồ án quy hoạch cho xã, nhưng đến nay vẫn chưa phê duyệt được. Việc thông báo cho người dân về chủ trương xây dựng NTM và lấy ý kiến người dân về quy hoạch được đa số người dân đồng thuận, ủng hộ, nhưng trong các ý kiến đóng góp của nhân dân có nhiều ý kiến hay đưa vào quy hoạch được, và cũng có nhiều ý kiến hay nhưng chưa đưa vào quy hoạch được do không hợp với quy hoạch tổng thể của huyện.
Hiện nay, các đơn vị tư vấn có thể làm được công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn quá ít. Trong khi nhu cầu lập quy hoạch cho các xã hiện nay là rất lớn, các đơn vị này không đủ khả năng đáp ứng về thời gian. Các xã đều muốn trong thời gian ngắn phải thực hiện xong việc lập, thẩm định đồ án quy hoạch NTM để làm cơ sở triển khai ngay các bước tiếp theo nhưng số lượng, trình độ của các đơn vị tư vấn lại không thể đáp ứng. Phần lớn cán bộ chuyên môn làm quy hoạch không am hiểu tình hình địa phương cho nên mỗi đồ án quy hoạch phải chỉnh sửa rất nhiều lần mới có thể phê duyệt được. Do bị động về thời gian và nhân lực cho nên không thể tránh khỏi tình trạng một số đồ án quy hoạch kém chất lượng. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, hiệu quả xây dựng NTM sau này.
Ý kiến ()