Những kết quả nổi bật của ngành y tế Lạng Sơn
(LSO) – Bước vào năm 2018 với nhiều khó khăn, thách thức, song tập thể cán bộ, công nhân viên chức, lao động trong ngành y tế Lạng Sơn đã không ngừng khắc phục khó khăn, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Một trong những hoạt động hiệu quả, tích cực, đó là tham mưu tốt cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
Công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy được triển khai thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; sáp nhập 11 trung tâm dân số – kế hoạch hoá gia đình vào trung tâm y tế huyện, thành phố; giải thể 16/25 phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn hoạt động không hiệu quả; tiếp nhận Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh về Bệnh viện Phục hồi chức năng, thuộc Sở Y tế.
Chuyển giao kỹ thuật nội soi tại Trung tâm Y tế Hữu Lũng. Ảnh: NÔNG NGA
Trong năm 2018, ngành hoàn thành 3/5 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực y tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra, đó là: tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 50,4% (mục tiêu 50%); tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 10,5 bác sĩ/vạn dân (mục tiêu 10 bác sĩ/ vạn dân); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,7% (mục tiêu 90%).
Cũng trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Ngành đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP); đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện Chỉ thị số 13 ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý về ATTP; Chỉ thị số 05 ngày 9/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường công tác bảo đảm ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm”; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP trên địa bàn toàn tỉnh. Từ 1/8/2018, ngành triển khai kết nối liên thông Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm với cổng thông tin của Sở Y tế và cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, qua đó các cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện hoặc sai phạm về ATVSTP được thông tin kịp thời cho người dân.
Trong năm, công tác y tế dự phòng hoạt động hiệu quả, không có dịch bệnh lớn xảy ra, không có tử vong do dịch bệnh. Công tác giám sát dịch bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã tiếp tục được duy trì thường xuyên, đặc biệt công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm mới nổi. Mạng lưới phòng, chống dịch trong toàn ngành được tiếp tục củng cố, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
Phối hợp liên ngành tổ chức chỉ đạo diễn tập phòng, chống cúm gia cầm độc lực cao cấp tỉnh. Trong năm tình hình các bệnh truyền nhiễm được kiểm soát, một số bệnh không có ca mắc, một số bệnh ca mắc giảm so với năm 2017. Duy trì hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong báo dịch hằng ngày và quản lý tiêm chủng mở rộng.
Công tác củng cố, nâng cao năng lực hoạt động mạng lưới y tế cơ sở được duy trì. 100% trạm y tế xã trong toàn tỉnh đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý trên phạm vi toàn tỉnh đạt 96,5%. Triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc. Triển khai thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân tại 4 huyện, thành phố (Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn, Văn Lãng và Lộc Bình).
Công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh được quan tâm đúng mức. Năm 2018, ngành y tế tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh; đảm bảo y tế trong các dịp nghỉ lễ, nghỉ tết, các lễ hội và các sự kiện được triển khai thực hiện đảm bảo an toàn; phê duyệt bổ sung 4.902 kỹ thuật chuyên môn cho các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh; 90,9% trung tâm y tế huyện thực hiện tối thiểu 70% danh mục kỹ thuật của tuyến huyện. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh triển khai nhiều kỹ thuật cao vượt tuyến.
Trong năm 2018 đã triển khai 4 Đề án bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Toàn tỉnh đã thực hiện 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và 72 đề tài, sáng kiến cấp cơ sở. Hoàn thành và đưa Bệnh viện Y học cổ truyền vào hoạt động ổn định tại cơ sở mới.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được đẩy mạnh. 100% TTHC sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công bố đã cập nhật và công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế. Triển khai phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế. Duy trì ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; triển khai hệ thống phần mềm bệnh án điện tử; phần mềm quản lý kê đơn thuốc, bán thuốc kê đơn tại nhà thuốc trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành hệ thống họp trực tuyến từ Sở Y tế đến các đơn vị trực thuộc tuyến huyện.
Công tác xã hội hóa lĩnh vực y tế được nhiều đơn vị y tế triển khai thực hiện. Tính đến thời điểm hiện tại có 11/15 bệnh viện triển khai thực hiện xã hội hóa các dịch vụ y tế với tổng số vốn đầu tư trang thiết bị khoảng 30 tỷ đồng. Triển khai đề án sử dụng tài sản công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào mục đích cho thuê; đề án xã hội hóa máy chụp cắt lớp vi tính tại Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng; đề án xã hội hóa tiêm chủng mở rộng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng…
Triển khai xã hội hóa phương tiện tránh thai/hàng hóa sức khoẻ sinh sản với tổng kinh phí ước tính đến hết năm 2018 đạt khoảng 1,2 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ sinh tự nhiên năm 2018 là 0,1‰.
Tăng cường quản lý Nhà nước đối với mạng lưới y, dược tư nhân; tổng số cơ sở hành nghề y, dược hiện có 619, tăng 15 cơ sở so với cuối năm 2017. Số lượt khám bệnh của các phòng khám đa khoa tư nhân bằng 12,5% số lượt khám công lập. Phối hợp tham mưu đề xuất với UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thành lập Bệnh viện Sản Nhi tư nhân, dự kiến đi vào hoạt động năm 2020.
Công tác tự chủ về tài chính theo đề án tiếp tục được duy trì, thực hiện hiệu quả đề án tự chủ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh với mức độ tự chủ chi thường xuyên năm 2018 đạt 104,3%; hoàn thành và triển khai đề án tự chủ tại 3 bệnh viện tuyến tỉnh và 10 trung tâm y tế huyện.
Hết năm 2018 có 14/14 bệnh viện (4 bệnh viện tuyến tỉnh và 10 trung tâm y tế huyện) thực hiện tự chủ về tài chính theo lộ trình và 1 đơn vị khối dự phòng (Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế) duy trì hiệu quả, bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển.
Trong năm 2019, ngành y tế Lạng Sơn tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, gắn học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh vào từng hoạt động chuyên môn, thi đua lập thành tích chào mừng 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020)
NGUYỄN THẾ TOÀN (Giám đốc Sở Y tế)
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()