Những kết quả đạt được trong phát triển nông nghiệp, nông thôn
LSO-Để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỉnh ta luôn xác định xây dựng và tổ chức sản xuất theo quy hoạch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
LSO-Để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỉnh ta luôn xác định xây dựng và tổ chức sản xuất theo quy hoạch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nổi bật trong 5 năm qua, tỉnh ta đã xây dựng, phê duyệt và đang tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả 6 quy hoạch các ngành, lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp, nông thôn. Đó là dự án rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, quy hoạch phát triển thủy sản, quy hoạch phát triển lâm nghiệp, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch chăn nuôi, quy hoạch cấp nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020.
Nông dân xã Đại Đồng (Tràng Định) thu hoạch lúa mùa |
Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân, ngành nông nghiệp và thủy sản của tỉnh có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt trên 4%/năm. Cơ cấu GDP trong ngành nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ. Biểu hiện rõ nét là trong lĩnh vực trồng trọt đã có bước phát triển tích cực, dần khai thác tốt tiềm năng thế mạnh đất đai, nhân lực lao động của tỉnh và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như đưa giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 36% diện tích lúa, 100% diện tích ngô sử dụng giống lai…, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm sản, sản lượng lương thực tăng nhanh qua các năm. Đơn cử, sản lượng lương thực tăng từ 275,4 nghìn tấn năm 2008 lên 295,5 nghìn tấn năm 2010 (vượt mục tiêu Chương trình hành động số 30-CTr/TU, mục tiêu trên 274 ngàn tấn) và riêng năm 2012 đạt 304 ngàn tấn.
Cùng với phát triển nông nghiệp, tỉnh còn tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất một số cây đặc sản, cây có giá trị hàng hóa cao theo hướng tập trung định hướng nhu cầu thị trường. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành khá rõ nét một số vùng sản xuất tập trung có giá trị kinh tế cao như: vùng thông huyện Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc diện tích trên 84.000 ha, vùng hồi huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng, Cao Lộc trên 43.000 ha, vùng nguyên liệu thuốc lá huyện Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng diện tích trồng ổn định khoảng 6.000 ha/năm, vùng thạch đen Tràng Định, Bình Gia, Văn Quan khoảng 2.200 ha và vùng hồng không hạt Bảo Lâm, quýt Bắc Sơn…. trong đó đã có một số sản phẩm trở thành hàng hóa xuất khẩu. Lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư phát triển. Đàn gia cầm, đàn lợn vẫn giữ ổn định và có chiều hướng phát triển mạnh, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2012 đã tăng gấp 1,2 lần so với năm 2008. Diện tích nuôi trồng thủy sản luôn đạt trên 1.000 ha/năm, bước đầu hình thành các mô hình nuôi cá bè, cá lồng, sản lượng và tỷ trọng có chiều hướng tăng. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhờ làm tốt công tác giao đất rừng, trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ nên đã khuyến khích nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp chủ động đầu tư vốn phát triển lâm nghiệp, tận dụng tốt diện tích đất đồi, rừng. Trong 5 năm qua, tỉnh ta đã thực hiện trồng rừng mới được 61.845 ha, chất lượng rừng ngày một được cải thiện, độ che phủ rừng từ 46,4% năm 2008 lên 50,6% năm 2012, năm 2013 đạt 52,1%.
Vấn đề phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí hóa nông nghiệp và dịch vụ nông thôn có nhiều tiến bộ. Nhất là cơ khí hóa sản xuất nông nghiệp nông thôn những năm qua được tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Nhờ đó mức độ áp dụng cơ giới hóa trong các khâu của sản xuất được nâng lên, hiện khâu làm đất đạt 66,8%, khai thác vận chuyển đạt 75%, chế biến đạt 70-79%… Qua đó góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất hiệu quả công việc, đẩy nhanh quá trình CNH – HĐH nông nghiệp nông thôn trên địa bàn.
Giống đu đủ cho năng suất cao trồng ở xã Chi Lăng (Chi Lăng) – Ảnh: BT |
Đánh giá về những kết quả đạt được, bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh nhấn mạnh: qua 5 năm thực hiện mục, việc tiêu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thu được những tiến bộ nhất định. Cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa, giá trị sản xuất hàng hóa tăng lên, các yếu tố dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp được củng cố và có bước phát triển. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ những hạn chế, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự trở thành nền sản xuất hàng hóa; ngành nông nghiệp và thủy lợi phát triển chưa bền vững; công nghiệp dịch vụ nông thôn còn phát triển chậm chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương, việc phát triển các làng nghề truyền thống còn hạn chế. Chính vì lẽ đó, những năm tới, việc lãnh đạo, chỉ đạo huy động các nguồn lực đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn tiếp tục được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát tiển.
VĂN HOA
Ý kiến ()