Những kết quả đáng ghi nhận
LSO-Năm 2014, Lạng Sơn nằm trong tốp các tỉnh, thành phố có lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nội địa và khu vực biên giới luôn được giữ vững. Đạt được kết quả nêu trên có sự đóng góp rất lớn từ công tác hòa giải ở cơ sở.
Nhân dân huyện Đình Lập khai thác tủ sách pháp luật |
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở nên những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, các ban, ngành chức năng luôn quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này. Cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đều coi công tác hòa giải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Ngay từ đầu năm 2014, 100% thôn bản, khối phố đã quan tâm củng cố, kiện toàn tổ hòa giải cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 2.325 tổ hòa giải với 13.312 hòa giải viên. Hòa giải viên được lựa chọn đúng thành phần theo quy định gồm: các ban, ngành, đoàn thể, trưởng các thôn bản, bí thư chi bộ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh việc am hiểu pháp luật, có khả năng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, có uy tín trong cộng đồng dân cư, cơ bản các hòa giải viên là những người nhiệt tình, trách nhiệm trước cộng đồng, được nhân dân tin tưởng. Để các hòa giải viên có thêm kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, năm 2014, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 200 hội nghị lồng ghép tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở, cách thức, nghiệp vụ hòa giải cho các tổ hòa giải và hòa giải viên.
Bên cạnh đó, các hòa giải viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, vì sự bình yên của thôn xóm nên những mâu thuẫn, xích mích xảy ra trong nội bộ nhân dân về đất đai, đồi rừng, tài sản, hôn nhân – gia đình, dân sự… hòa giải viên đều có mặt kịp thời tìm hiểu kỹ nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn. Trên cơ sở đó, tận tình phân tích, hướng dẫn, tuyên truyền để người dân hiểu những quy định của pháp luật, từ đó, từng bước hóa giải mâu thuẫn, kiềm chế xảy ra xung đột, căng thẳng giữa các hộ gia đình, củng cố tình làng nghĩa xóm. Nhiều nơi còn có cách làm sáng tạo, nâng cao chất lượng công tác hòa giải. Ông Hà Huy Hùng, Phó Chánh Thanh tra huyện Hữu Lũng cho biết: khi nhận được thông tin có mâu thuẫn, xích mích xảy ra tại cộng đồng dân cư, đơn vị đều phối hợp với các ban, ngành chức năng của huyện cử cán bộ tìm hiểu kỹ nguyên nhân. Nhiều vụ việc phức tạp, các ban, ngành đã trực tiếp đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền xã, tổ hòa giải các thôn tìm hiểu nguyên nhân, làm tốt công tác hòa giải, không để mâu thuẫn trở nên căng thẳng, phát sinh điểm nóng về tranh chấp, mâu thuẫn.
Với những nỗ lực, cố gắng đó, công tác hòa giải tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Theo số liệu thống kê của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, năm 2014, các tổ hòa giải đã hòa giải thành 1.551 vụ việc, đạt tỷ lệ 81,2% (tỷ lệ hòa giải thành bình quân giai đoạn 2005 đến năm 2013 là trên 70%). Một số nơi tỷ lệ hòa giải thành khá cao như: Hữu Lũng trên 83%, Văn Quan 85%, thành phố Lạng Sơn trên 83%, Bình Gia gần 82%…
Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2015, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, phát huy tinh thần, trách nhiệm vì cộng đồng của các hòa giải viên nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở; góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
MINH THẢO
Ý kiến ()