Những hướng kinh doanh độc đáo của thể thao
Tổ chức các giải đấu hấp dẫn và thu về tiền bản quyền truyền hình là mô hình cổ điển với những nhà tổ chức thể thao. Trong bối cảnh cách làm này chịu cạnh tranh ngày một lớn, người điều hành càng phải nghĩ đến những phương pháp hiệu quả hơn, bằng việc kết hợp thể thao với những ngành kinh doanh ít ai nghĩ tới.
Thể thao và du lịch
Tại Diễn đàn kinh tế thể thao vừa diễn ra tại Việt Nam, đại diện của một đơn vị truyền thông lớn đã không ngại chia sẻ về thành công của những giải chạy việt dã họ tổ chức. Việc áp dụng triệt để mô hình tổ chức của những giải marathon quốc tế như Boston, London Marathon đã biến chạy bộ trở thành môn thể thao kiếm tiền hiệu quả nhất thời gian qua.
Ở góc độ quản lý, nhiều địa phương muốn đăng cai giải chạy việt dã bởi đây là cơ hội giúp họ quảng bá du lịch. Những cung đường đẹp nhất, có không gian bắt mắt nhất thường được chọn để tổ chức những giải chạy. Từ đó, hình ảnh sẽ được quảng bá ở cấp độ quốc gia. Việc này có thể giúp địa phương tiết kiệm nhiều tỷ đồng ngân sách quảng cáo và thu về hiệu quả tức thì.
Ngành kinh doanh trực tiếp hưởng lợi từ những giải chạy việt dã là lưu trú khách sạn và du lịch. Trên thực tế, mô hình kết hợp thể thao với kinh doanh du lịch không quá mới trên phạm vi quốc tế. Một trong những quốc gia làm được điều này một cách hiệu quả nhất chính là Thái Lan, cường quốc phát triển du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Với truyền thống võ học, người Thái có không ít sàn đấu Muay và Kickboxing trải dọc đất nước. Các trận đấu Muay chuyên nghiệp của Thái Lan luôn có hàng ngàn người đến sân theo dõi, cùng hàng chục ngàn người theo dõi trực tiếp qua truyền hình. Đó cũng là lúc ngành du lịch Thái Lan nhận thấy tiềm năng phát triển nếu họ kết hợp với thể thao nước nhà.
Trong khoảng 10-15 năm gần đây, mỗi chương trình Festival du lịch của Thái Lan luôn bao gồm giao lưu, thi đấu võ thuật. Đây là một phần trong hoạt động quảng bá văn hóa và lịch sử Thái Lan đến du khách quốc tế. Tuy nhiên, giá trị thực sự của công thức kết hợp này đến từ những trận đấu hấp dẫn trên sàn đấu Muay chuyên nghiệp.
Kể từ năm 2023, nhiều hãng lữ hành Thái Lan chào mời du khách gói du lịch Bangkok kèm vé xem ONE Championship. Những người đăng ký mua không chỉ được thăm thú đường phố Bangkok, mà còn nghiễm nhiên sở hữu vé vào xem một trong những giải Muay chuyên nghiệp hay nhất thế giới. Các sự kiện Muay của ONE Championship diễn ra hàng tuần, từ đó tạo thuận lợi hơn cho ngành du lịch.
Bên cạnh Thái Lan, Campuchia cũng dần bắt đầu triển khai công thức kết hợp du lịch với thể thao. Nhiều sòng bạc của Campuchia giờ kiêm luôn tổ chức những sự kiện võ thuật chuyên nghiệp tầm cỡ quốc gia. Điều đó giúp cải thiện phần nào hình ảnh của những sòng bạc trong con mắt độc giả đại chúng, tương tự cách mà những casino của Las Vegas đã làm trước đây.
Thể thao và xã hội
Năm 1959, Nhật Bản giành quyền đăng cai Olympic 1964. Họ vượt qua các ứng viên nặng ký khác như Detroit (Mỹ), Vienna (Áo) và Brussels (Bỉ) để trở thành quốc gia châu Á đầu tiên tổ chức một kỳ Thế vận hội. Đó là một trong những kỳ Olympic hấp dẫn nhất lịch sử. Nhưng với những nhà điều hành kinh tế Nhật Bản, thành công của Olympic Tokyo 1964 không chỉ nằm ở những tấm huy chương.
Khi quyết định ứng cử đăng cai Thế vận hội, Nhật Bản không chỉ nghĩ đến những yêu cầu được Ủy ban Olympic đặt ra như đáp ứng hạ tầng cơ sở, hay xây bao nhiêu sân vận động mới. Họ muốn biến kỳ Olympic diễn ra trên sân nhà trở thành một cú hích lớn, giúp thay đổi toàn bộ đất nước trên nhiều khía cạnh. Đó cũng là bước khởi đầu trong hành trình tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Nhật Bản thập niên 60-70.
Ít ngày sau khi chính thức giành được quyền đăng cai Olympic, Nhật Bản tiến hành khởi công dự án đường sắt cao tốc. Tuyến đường nối Tokyo và Osaka, 2 trung tâm kinh tế lớn nhất Nhật Bản đã thay đổi mãi mãi quan điểm của những người tham gia giao thông. Cho đến nay, tàu điện vẫn là phương tiện chính của người dân Nhật Bản chứ không phải các phương tiện cá nhân.
5 năm chuẩn bị cho Olympic cũng là khoảng thời gian Nhật Bản chấp nhận bỏ qua một bên nhiều giá trị cũ để hướng đến những điều mới mẻ. Những ai từng đọc qua bộ truyện Doraemon có thể thấy bố Nobita thuở nhỏ sống trong một căn nhà gỗ ở ngoại ô Tokyo. Nhưng đến khi Nobita ra đời, căn nhà này đã trở thành nhà bê tông. Đó chính là một trong những dấu ấn của Olympic.
Với mục tiêu chỉnh trang đô thị theo hướng hiện đại, từ năm 1959 đến 1964, Tokyo đã vận động người dân dỡ bỏ toàn bộ những căn nhà gỗ để xây thành nhà bê tông kiểu mới. Cho đến nay, những căn nhà theo kiểu truyền thống chỉ còn xuất hiện ở khu vực nông thôn. Một phần văn hóa của Nhật Bản đã mất đi, nhưng nó đã giúp tất cả hướng đến tương lai.
Kỳ Olympic Tokyo cũng là lúc Nhật Bản cho thấy hình ảnh rất khác của một đất nước thất trận 2 thập niên trước. Hình ảnh giải đấu được truyền đi khắp nơi bằng công nghệ truyền hình vệ tinh, thậm chí là truyền hình màu chứ không phải đen trắng như trước. Ở mặt thể thao, Nhật Bản cũng thành công trong việc vận động 2 môn Judo và Bóng chuyền vào chương trình thi đấu Thế vận hội.
Cho đến nay, Judo và Bóng chuyền vẫn là những môn thể thao phổ biến, có một vị trí vững chắc trong chương trình thi đấu Olympic. Nhưng dưới con mắt của những người Nhật Bản, ấn tượng lớn nhất của họ về kỳ Thế vận hội 60 năm trước vẫn là những ngày đất nước chuyển mình. Đó mới là giá trị lớn nhất mà thể thao đã đem lại cho Nhật Bản.
Kiếm tiền từ thương hiệu thể thao
Cho đến thời điểm hiện tại, những đội bóng lớn hàng đầu thế giới vẫn chưa mở cửa hàng bán trang phục thể thao chính hãng tại Việt Nam. Một trong những lý do họ đưa ra là khán giả Việt Nam chưa có thói quen mua đồ chính hãng. Thay vào đó, họ thường chấp nhận sử dụng hàng nhái theo với mức giá thấp hơn nhiều. Điều này khiến cơ hội kiếm tiền của các CLB bị giảm đi đáng kể.
Trên phương diện người tiêu dùng, khán giả Việt Nam còn có một lựa chọn khác để sở hữu quần áo chính hãng từ các CLB bóng đá với giá rẻ hơn. Đó là những sản phẩm lỗi trong quá trình gia công. Hiện tại, trang phục của các CLB như Man Utd, Real Madrid đều đặt gia công ở những nhà máy nằm tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia. Những mặt hàng lỗi, vì thế, dễ đến tay người tiêu dùng Việt Nam hơn.
Nếu so về giá, một chiếc áo hàng nhái, hoặc hàng lỗi chỉ vào khoảng vài trăm ngàn đồng. Trong khi đó, quần áo chính hãng có giá tới 1,5-3 triệu đồng. Việc khán giả Việt Nam chấp nhận dùng hàng nhái và hàng lỗi cho thấy cơ hội kiếm tiền từ thương hiệu thể thao của Việt Nam vẫn còn khá khó khăn do hành vi của người tiêu dùng.
Nguồn:https://cand.com.vn/the-thao/nhung-huong-kinh-doanh-doc-dao-cua-the-thao-i696630/
Ý kiến ()