Những hiện tượng thiên văn kỳ thú năm 2022
Năm 2022, bầu trời đêm hứa hẹn sẽ chứa đầy những kỳ quan vũ trụ. Dưới đây là một số hiện tượng thiên văn đẹp nhất mà những người yêu bầu trời cần lưu nhớ để quan sát trong năm nay.
Tháng 1: Cực điểm mưa sao băng Quadrantids
Những người ngắm thiên văn ở Bắc bán cầu có thể quan sát trận mưa sao băng lớn đầu tiên của năm 2022, Quadrantids, đạt cực đại vào đêm 3/1 và vào sáng sớm 4/1. Mặt trăng lưỡi liềm mỏng lặn vào buổi tối sớm, để lại bóng tối lý tưởng trên bầu trời trong những giờ mưa sao băng diễn ra cao điểm. Trận mưa sao băng năm mới này tạo ra các ngôi sao băng sáng hơn mức trung bình, với tần suất 25 đến 100 sao băng mỗi giờ tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm ánh sáng.
Quadrantids là trận mưa sao băng thường rơi vào tháng Giêng. Những tảng đá không gian cháy từ bầu trời phía đông bắc ngay gần tay cầm của chòm sao Bắc Đẩu.
Cách tốt nhất để quan sát được nhiều sao băng là tìm một vị trí cách xa ánh đèn thành phố và đợi khoảng 20 phút để mắt bạn hoàn toàn thích nghi với bóng tối.
Tháng 2-3-4: Màn trình diễn của sao Kim, sao Hỏa và sao Thổ
Sao Kim sẽ đạt độ sáng rực rỡ nhất vào ngày 13/2, và nhìn qua kính thiên văn nhỏ hoặc ống nhòm, nó sẽ giống như một pha lưỡi liềm đáng yêu.
Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, những người dậy sớm ở cả hai bán cầu sẽ được quan sát những hành tinh gần Trái đất chiếu sáng nhất.
Nhìn lên bầu trời thấp phía đông nam khoảng một giờ trước khi mặt trời mọc bạn sẽ bắt gặp sao Kim, sao Hỏa và sao Thổ nhóm lại với nhau thành một cụm tam giác. Vào ngày 27 và 28/3, trăng lưỡi liềm sẽ đi ngang qua cụm sao này.
Những người quan sát bầu trời sẽ nhận thấy vị trí của chúng thay đổi. Hình tam giác do ba ngôi sao này tạo nên sẽ thay đổi góc cho đến sau ngày 1/4, khi chúng tạo thành một đường thẳng.
Vào đầu tháng 4, bạn cũng có thể thấy sao Thổ tiến đến gần sao Hỏa cho đến khi cả hai xuất hiện ngay cạnh nhau trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến ngày 5/4. Hai hành tinh sẽ xuất hiện gần nhau nhất vào ngày 4/4, khi chúng chỉ cách nhau một nửa cung, bằng chiều rộng của mặt trăng tròn.
Tháng 4: Nhật thực một phần
Năm 2022 sẽ xảy ra hai lần nhật thực một phần, khi mặt trăng che một phần mặt trời. Lần đầu tiên là ngày 30/4, nhật thực một phần sẽ xuất hiện ở miền nam Nam Mỹ, một phần của Nam Cực và trên các phần của Thái Bình Dương và Nam Đại Dương. Mặt trăng sẽ đi qua giữa Trái đất và mặt trời, và nhật thực cực đại là lúc 64 % mặt trời sẽ bị mặt trăng che phủ. Để xem được mức độ lớn nhất của nhật thực, người xem phải ở Nam Đại Dương, phía tây Bán đảo Nam Cực. Tuy nhiên, những người theo dõi nhật thực ở các vùng cực nam của Chile và Argentina cũng sẽ có thể nhìn thấy khoảng 60% mặt trời bị mặt trăng che khuất.
Nếu bạn có kế hoạch xem nhật thực vào ngày 30/4, nhớ hãy sử dụng kính mắt đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn để không làm tổn thương mắt.
Cuối tháng 4, đầu tháng 5: Sao chổi có thể quan sát bằng mắt thường
Vào ngày 21/4, sao chổi C/2021 O3 (PanSTARRS) sẽ bay tới trong phạm vi 42,8 triệu km) so với mặt trời và có thể sáng đủ để có thể nhìn thấy bằng mắt trần trong tuần cuối cùng của tháng 4.
Nếu có thể nhìn thấy, sao chổi này sẽ ở thấp trên bầu trời Tây Tây Bắc ngay sau khi hoàng hôn trên bầu trời buổi tối mùa xuân. Chúng ta sẽ chỉ cần chờ xem.
Tháng 5: Hai cơn mưa sao băng và nguyệt thực toàn phần
Mưa sao băng Eta Aquarids xuất hiện vào đầu tháng 5 ở khu vực chòm sao Aquarius. Cực điểm của mưa sao băng Eta Aquarids sẽ diễn ra vào ngày 6 và 7/5.
Ngày 15, 16/5 sẽ là lúc diễn ra nguyệt thực toàn phần. Mặt trăng sẽ bị che khuất hoàn toàn gần hoặc ngay sau khi mặt trăng mọc dọc theo bờ biển Thái Bình Dương ở bang Oregon và bang Washington của Mỹ và qua phần lớn miền tây và trung bắc Canada. Tuy nhiên, kỳ nguyệt thực này sẽ không thể quan sát được tại Việt Nam do vị trí địa lý không cho phép.
Ngày 30, 31/5, có thể xảy ra vụ nổ thiên thạch di chuyển chậm. Đây có thể là sự kiện thiên văn ấn tượng nhất năm 2022, khi hành tinh của chúng ta quét qua một đám mây dày đặc các thiên thạch bắn ra từ một sao chổi nhỏ (73P/Schwassmann -Wachmann 3).
Sự tương tác vũ trụ bất thường này dự kiến dẫn đến một hiện tượng đáng kinh ngạc khi các thiên thạch chuyển động chậm – thường được gọi là “sao băng” với tần suất có thể lên tới hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm sao băng mỗi giờ.
Tháng 6: Năm hành tinh thẳng hàng
Năm hành tinh bằng mắt thường sẽ có thể nhìn thấy đồng thời, xếp thành một đường trải dài trên bầu trời chạng vạng buổi sáng phía đông và đông nam trong hai tuần cuối cùng của tháng 6.
Điều tuyệt vời hơn nữa là tất cả chúng sẽ được sắp xếp theo đúng thứ tự từ mặt trời: sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ. Và nếu bầu trời trong xanh, dãy thẳng hàng này có thể có thêm ngôi sao thứ sáu là sao Thiên Vương.
Tháng 7: Trăng tròn lớn nhất năm 2022
Tối 13/7, mặt trăng tròn sẽ đến điểm gần Trái đất nhất vào năm 2022 ở khoảng cách 357.264km. Hiện tượng này được gọi một cách thông tục là “siêu trăng”. Dự báo thủy triều đại dương có phạm vi lớn (đặc biệt thấp đến đặc biệt cao) trong vài ngày diễn ra “siêu trăng”.
Tháng 8: Mưa sao băng Perseids
Perseids là một trong những trận mưa sao băng đáng chú ý nhất trong năm. Đợt mưa sao băng này được hình thành bởi những mảnh vụn của sao chổi Swift-Tuttle.
Mưa sao băng diễn ra từ giữa tháng 7 đến cuối tháng với cực điểm rơi vào đêm 12, rạng sáng 13/8. Nếu điều kiện thời tiết tốt, mưa sao băng Perseids có thể mang tới 100 vệt sao băng lúc cực điểm.
Tuy nhiên, màn trình diễn mùa hè hàng năm của mưa sao băng Perseid thường bị cản trở bởi ánh sáng của trăng tròn.
Tháng 9: Sao Mộc tiến gần Trái đất nhất trong 59 năm qua
Sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời của chúng ta sẽ tiến đến đối nghịch, cũng có nghĩa là tiến gần nhất tới Trái đất kể từ tháng 10/1963, cách khoảng 591,2 triệu km. Hành tinh này sẽ rất lớn và rất sáng so với những ngôi sao mờ của chòm sao Song Ngư.
Tháng 10: Nhật thực một phần
Đây là lần nhật thực thứ hai và cũng là nhật thực cuối cùng của năm 2022. Kỳ nhật thực một phần này sẽ diễn ra vào ngày 25/10.
Trong lần nhật thực này, bóng của mặt trăng chủ yếu rơi xuống các vùng cực bắc của Trái đất. Nó sẽ được nhìn thấy từ một phần phía đông của Greenland và toàn bộ Iceland, cũng như hầu hết châu Âu (ngoại trừ Bồ Đào Nha và các phần phía tây và nam của Tây Ban Nha), đông bắc châu Phi và ở mức độ khác nhau trên phần lớn miền Tây và Trung Á.
Nhật thực lớn nhất – với gần 7/8 đường kính của mặt trời bị che khuất – xảy ra vào lúc hoàng hôn trên đồng bằng Tây Siberi gần thành phố Nizhosystemtovsk, một trong những thành phố giàu có nhất ở Nga.
Tháng 11: Nguyệt thực toàn phần và hai cơn mưa sao băng
Tháng 11 chứng kiến sự xuất hiện của nguyệt thực toàn phần lần thứ 2 trong năm và đây là hiện tượng thiên văn được chờ đón nhất đối với người Việt Nam.
Thời điểm diễn ra nguyệt thực toàn phần là ngày 8/11. Nếu trời quang đãng, hiện tượng này có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường và không cần dùng đến công cụ hỗ trợ. Mặt trăng sẽ đi qua phía bắc của tâm bóng tối và giống nguyệt thực tháng 5, sự kiện sẽ kéo dài 1 giờ 25 phút.
Cũng trong tháng 11, sẽ có thêm hai trận mưa sao băng. Đỉnh điểm của mưa sao băng cỡ nhỏ với tên gọi Taurids vào đêm ngày 4, rạng sáng 5/11. Do Taurids là mưa sao băng cỡ nhỏ, người quan sát sẽ chỉ được chứng kiến khoảng 10 vệt sao băng mỗi giờ. Cuối tháng 11 còn diễn ra mưa sao băng Leonids. Đây là đợt mưa sao băng xuất hiện ở vị trí của chòm sao Leo. Trận mưa sao băng cỡ trung bình này đạt cực điểm vào đêm 17/11 với sự xuất hiện của khoảng 30 vệt sao băng mỗi giờ.
Tháng 12: Mặt trăng gần sao Hỏa và mưa sao băng Geminid
Tối 7/12 được gọi là đêm “M&M”, đó là lúc trăng tròn (Moon) sẽ đi qua cực kỳ gần phía trên sao Hỏa (Mar) khiến người quan sát ở khu vực của Bắc Mỹ gần như thấy chúng ẩn vào nhau.
Và ngày 13, 14/12 là lúc mưa sao băng Geminid đạt cực đại. Geminid được xem là trận mưa sao băng lớn nhất trong năm. Ở giai đoạn cực điểm này, mưa sao băng Geminids có thể mang tới 100-120 vệt sao băng mỗi giờ. Người quan sát cũng có thể chứng kiến mưa sao băng Geminids với tần suất vừa phải hơn xuyên suốt cả tháng 12.
Ý kiến ()