Những gương sáng giữa đời thường
LSO-Gác lại sự mất mát, hy sinh, để hoà mình vào cuộc sống lao động, học tập, nhiều thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ tiếp tục nêu gương sáng, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng quê hương giàu đẹp. Dưới đây là 4 gương sáng tiêu biểu đại diện cho 70 người có công được biểu dương nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh - liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017).
Cán bộ lão thành cách mạng Hoàng Thanh Tịnh – “Nguyện suốt đời theo Đảng”
Ông Hoàng Thanh Tịnh (Văn Lãng) |
Kế thừa, thấm nhuần, tiếp nối truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình, ngay từ khi còn trẻ, ông Hoàng Thanh Tịnh, xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng đã sớm cùng với nhiều thanh niên yêu nước đi theo cách mạng. Trải qua hai cuộc kháng chiến, về với cuộc sống đời thường, người chiến sỹ cách mạng năm nào vẫn tích cực hăng hái tham gia công tác phong trào tại địa phương. Ông tâm niệm: “Là một đảng viên, tôi nguyện suốt đời theo Đảng, làm tốt công tác giáo dục con cháu, hăng hái trong thi đua lao động, sản xuất, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; không ngừng cải thiện đời sống; làm tròn bổn phận của một người đảng viên, một công dân tốt cho đến hơi thở cuối cùng”.
Thương binh Nguyễn Đức Kỷ – “Tàn nhưng không phế”
Nguyễn Đức Kỷ (Hữu Lũng) |
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1968, ông Nguyễn Đức Kỷ, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau 23 năm phục vụ trong quân ngũ, ông trở về địa phương với thương tật 35%. Khắc ghi lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông đã vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các hoạt động công tác xã hội tại địa phương. Với mô hình chăn nuôi cho thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm, ông đã tạo dựng cuộc sống no ấm. Vừa phát triển kinh tế gia đình, ông vừa tham gia công tác xã hội, ông đã vận động nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp đóng góp xây dựng nhà văn hóa khu An Ninh với tổng diện tích 406 m2; tham mưu thành lập tổ tự quản về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường khu phố do hội viên hội cựu chiến binh làm nòng cốt, ngăn chặn các tệ nạn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Vợ liệt sỹ Nông Thị Huệ – “Sống cho trọn nghĩa, vẹn tình”
Nông Thị Huệ (Tràng Định) |
Bà Nông Thị Huệ, cán bộ Phòng Tài chính huyện Tràng Định là vợ liệt sỹ Chu Văn An, anh hy sinh khi làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới. Khi đó, vợ chồng bà chưa kịp có con. Người vợ trẻ nén đau thương, ngày ngày tích cực làm việc và chăm sóc bố mẹ chồng. Bà tâm sự: “Để xứng đáng với anh và bao người đã ngã xuống, tôi làm việc hết mình, lấy công việc làm niềm hạnh phúc cho bản thân và cố gắng quên đi nỗi buồn, sự mất mát người thân, sống sao cho trọn nghĩa vẹn tình. Tôi luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, sống hoà thuận với đồng nghiệp”.
Ông Hoàng Duy Trọng – Gương sáng làm kinh tế giỏi
Hoàng Duy Trọng (Bình Gia) |
Sau 11 năm cống hiến trong quân ngũ, trở về từ chiến trường Bình Trị Thiên, ông Hoàng Duy Trọng (thôn Toòng Chu 1, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia) mang trong mình di chứng chất độc da cam. Mặc dù vậy, ông vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương và hăng say làm kinh tế. Từ một xưởng sản xuất ngói không nung, vật liệu xây dựng (năm 1999) đến nay, ông đã có 3 cơ sở sản xuất đi vào hoạt động thường xuyên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 12 lao động. Thu nhập hằng năm của gia đình ông đạt mức bình quân trên 200 triệu đồng/năm. Ông Trọng tâm sự: “Là một cựu chiến binh được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước dành cho người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bản thân tôi luôn cố gắng phát huy, xứng đáng với phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, góp sức mình cho công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
MINH NGỌC – MAI HOA
Ý kiến ()